Các xu hướng truyền thông xã hội trong năm 2020

Thập kỷ qua đã chứng kiến sự 'bùng nổ' của các phương tiện truyền thông xã hội với hơn 3,2 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng mạng xã hội hàng ngày.

Hơn 90% dân số thuộc thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) thường xuyên sử dụng ít nhất một trong các nền tảng mạng xã hội và hơn 85% thế hệ Gen Z (những người trẻ được sinh từ năm 1996 trở đi) tìm hiểu về các sản phẩm mới thông qua truyền thông xã hội. Do đó, không khó để lý giải vì sao khoảng 75% các nhà tiếp thị tin rằng truyền thông xã hội là một yếu tố làm tăng hiệu quả kinh doanh.

Dưới đây là những dự báo về các xu hướng truyền thông xã hội trong năm 2020:

1. Sự kết thúc của nút "Like" (thích) trên Instagram

Instagram - mạng chia sẻ ảnh và video thuộc sở hữu của Facebook. Ảnh: Reuters

Instagram - mạng chia sẻ ảnh và video thuộc sở hữu của Facebook. Ảnh: Reuters

Thực tế cho thấy các thương hiệu (và thậm chí cả người dùng thông thường) xem số lượt được "Like", các bình luận và người theo dõi trên mạng xã hội như một thước đo về mức độ phổ biến và nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh này lại đang có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Instagram - mạng chia sẻ ảnh và video thuộc sở hữu của Facebook - là cái tên mới nhất bổ sung vào danh sách dài các trang truyền thông xã hội đang tìm cách khiến số lượt "Like" ít được chú trọng hơn. Bạn sẽ không còn có thể thấy số "Like" trên các bài đăng của người khác trên Instagram, dù bạn vẫn có thể thấy số "Like" trên các bài đăng của mình. Ý tưởng này được ca ngợi như là một cách thức giúp đối phó với lượng "Like" và người theo dõi "ảo". Tuy nhiên, các nhà tiếp thị, các thương hiệu và những nhân vật có ảnh hưởng sẽ phải tìm cách thích nghi với những thay đổi này.

2. Ít chú trọng hơn vào "những thước đo ảo" hay "sự phù phiếm"

Việc loại bỏ nút "Like" trên Instagram là một phần của xu hướng nhằm giảm bớt sự chú trọng hơn tới "sự phù phiếm" trên mạng xã hội. Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey từng nói rằng số lượng người theo dõi bây giờ là vô nghĩa. Đối với các nhà tiếp thị và người có tầm ảnh hưởng, điều này báo hiệu rằng đã đến lúc họ nên tập trung hơn vào "những thước đo khả thi" - như tỷ lệ và chất lượng tham gia của người dùng trên mạng xã hội. Họ sẽ lưu ý và bắt đầu nghiên cứu về nhân khẩu học và dữ liệu người dùng có liên quan để hiểu rõ hơn cách thức hướng tới khách hàng tiềm năng.

3. Nội dung các đoạn video là "vua"

Những đoạn video ngắn tiếp tục là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong thế giới truyền thông xã hội. Trang Social Media Today cho biết trên thực tế, video sẽ chiếm tới 82% tổng lưu lượng truy cập Internet vào năm 2020. Khi các nền tảng truyền thông xã hội tìm cách ưu tiên hơn cho nội dung video, các nhà tiếp thị sẽ ngày càng tập trung phát triển lĩnh vực video như một phần trong chiến lược tổng thể để hướng tới các thị trường cụ thể. Họ sẽ phải đầu tư "chất xám" nhiều hơn để mang lại những câu chuyện sáng tạo trong các đoạn video sao cho thu hút sự chú ý của người dùng chỉ trong vài giây.

4. Phân khúc đối tượng truyền thông xã hội

Phân khúc có nghĩa là phân chia chiến lược đối tượng người dùng hay khách hàng thành các nhóm dựa trên sở thích cá nhân. Phân khúc vượt ra ngoài các khái niệm nhân khẩu học cơ bản bằng cách cho phép bạn nhắm mục tiêu và xây dựng mối quan hệ cũng như ý thức cộng đồng với các đối tượng cụ thể. Trong những năm tới, phân khúc sẽ là một ranh giới xác định giữa các chiến lược truyền thông xã hội khôn ngoan nhất và những chiến lược chỉ đang hỗ trợ chúng.

5. Sự phát triển các video quảng cáo mang tính cá nhân hóa

Phân khúc đối tượng đi đôi với mức độ tiếp thị truyền thông xã hội cá nhân hóa ngày càng tăng. Điều dễ hiểu là sự kết hợp giữa phân khúc đối tượng với sự yêu thích các đoạn video sẽ dẫn tới sự phát triển các đoạn video quảng cáo mang khuynh hướng cá nhân hóa để đảm bảo các nội dung phù hợp với các phân khúc khách hàng cụ thể mà doanh nghiệp hay các nhà tiếp thị hướng tới.

Các nền tảng truyền thông xã hội, như Facebook, Instagram và Snapchat, đã đẩy mạnh các thương hiệu sản xuất nội dung video thông qua Story Ads, một phần vì các chiến dịch quảng cáo này thường có tỷ lệ "nhấp chuột" cao hơn so với quảng cáo News Feed truyền thống. Twitter cũng đang nhảy vào cuộc cạnh tranh với những đoạn video quảng cáo kéo dài vỏn vẹn 6 giây. Nội dung được cá nhân hóa sẽ đưa xu hướng này lên một tầm cao mới.

6. Sự "nở rộ" của mua sắm trên các nền tảng xã hội

Trong 10 năm qua, các nền tảng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biến thương mại điện tử thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD ở Mỹ. Thực tế là, mua sắm hiện đã trở thành một phần quan trọng của truyền thông xã hội. Người dùng mong muốn có thể tiếp cận các thương hiệu và sản phẩm thông qua các nền tảng xã hội. Một điều thuận tiện là người dùng có thể dễ dàng mua sắm những món đồ mình cần thông qua các mạng xã hội mà không cần phải đi lại hay di chuyển mất thời gian. Do đó, việc mua sắm trên mạng xã hội tiếp tục sẽ "nở rộ" trong năm 2020.

7. Ít công khai, tương tác riêng tư hơn

Khi mối quan ngại về quyền riêng tư thông tin ngày càng tăng, nhiều người dùng đang chuyển sang các nhóm riêng tư và ứng dụng nhắn tin để kết nối với những người khác. Các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, WhatsApp và Instagram Messaging cho phép tạo các nhóm trò chuyện thân mật hơn, nơi người dùng có thể an tâm trong việc chia sẻ thông tin cá nhân với nhau. Trên thực tế, các ứng dụng nhắn tin đã trở thành công cụ kết nối được nhiều người dùng lựa chọn, với các ứng dụng nhắn tin hàng đầu hiện kết nối cho gần 5 tỷ người dùng hàng tháng.

8. Khách hàng/người dùng muốn sự kết nối có ý nghĩa

Khi mọi người trở nên cảnh giác hơn với việc đăng bài trên các mạng xã hội và những sự tương tác không còn được công khai, việc quảng bá và tiếp thị cũng sẽ cần phải tuân theo xu hướng này. Các thương hiệu phải tìm cách tạo ra nhiều kết nối riêng tư, thân thiết hơn với khách hàng song vẫn đảm bảo ở mức độ phù hợp. Một cuộc khảo sát của Facebook được tiến hành năm ngoái với 8.000 người cho thấy 69% số người được hỏi nói rằng nhắn tin trực tiếp với một công ty giúp họ cảm thấy tin tưởng hơn về thương hiệu. Các nền tảng khác, chẳng hạn như Instagram, cung cấp tính năng "Danh sách đầu mối" cho phép người dùng chia sẻ bài đăng và câu chuyện với một nhóm bạn bè chọn lọc. Mục tiêu là mang đến cho khách hàng hay người dùng những kết nối có ý nghĩa hơn.

9. Sự tin cậy là chìa khóa đối với việc bán hàng trên mạng xã hội

Khi nói đến việc muốn mua sắm qua các cửa hàng trên mạng xã hội thương mại điện tử, người dùng thường có xu hướng hoài nghi và họ muốn biết được những trải nghiệm từ những khách hàng thực sự trước đó trước khi "rút hầu bao". Do đó, nội dung do người dùng và nhân viên tạo ra có ý nghĩa quan trọng. Nội dung do người dùng tạo (như các đánh giá của khách hàng) cung cấp một số bằng chứng cho thấy sản phẩm có thể đáng để thử hay không. Trong khi đó, nội dung do nhân viên tạo ra rộng hơn một chút và có thể bao gồm các đoạn video, hình ảnh hoặc bài đăng trên blog, có thể đề cập tới sức mạnh và giá trị của công ty của họ cũng như lợi ích chung của các sản phẩm hoặc dịch vụ.

10. Truyền thông xã hội là nơi nuôi dưỡng niềm tin

Các thương hiệu sẽ làm tốt để nhấn mạnh rằng truyền thông xã hội không chỉ là một nền tảng để tiếp thị và quảng cáo mà thực sự là nơi tốt nhất để nuôi dưỡng niềm tin và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Truyền thông xã hội mang lại cơ hội truyền đạt giá trị thương hiệu và thu hút khách hàng tiềm năng. Để làm được điều này đòi hỏi các thương hiệu phải thể hiện được tính nhân văn và tăng tính minh bạch, từ đó tạo dựng được niềm tin với khách hàng.

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/cac-xu-huong-truyen-thong-xa-hoi-trong-nam-2020-20191223181101437.htm