Cách 3 mẹ con vượt qua gần 3 tháng ở nhà
Ba mẹ con Nguyệt Linh - nữ sinh từng gây tiếng vang với đề xuất không thả bóng bay ngày khai giảng - trải qua những ngày bận rộn nhưng không nặng nề khi ở nhà do dịch Covid-19.
Nếu không có dịch, tháng 7 này, Nguyệt Linh, học sinh lớp 7 ở Hà Nội, và em trai - Bình Minh, học lớp 3 - đều sẽ tham gia trại hè kéo dài một tuần. Hai em cũng cùng gia đình thực hiện một số kế hoạch trekking, khám phá thiên nhiên hoặc đi vào rừng hay vườn quốc gia, cắm trại.
Tuy nhiên, mọi dự định đều tạm hoãn vô thời hạn khi dịch bùng phát. Thực tế, từ 30/4 đến nay, hai chị em Nguyệt Linh và mẹ gần như ở nhà hoàn toàn do dịch Covid-19.
“Lúc dịch chưa quá căng thẳng, cuối tuần, tôi sẽ xếp xe đạp, mang xuống nhà ông bà nội, cách nhà khoảng 4 km. Ở đó rất vắng, con có thể đạp xe để vận động và hít thở khí trời. Nhưng mấy lần dịch phức tạp, đặc biệt gần đây, các con đều ở yên trong nhà để đảm bảo an toàn”, chị Lê Nguyệt - mẹ của Nguyệt Linh - nói với Zing.
Những ngày ở nhà bận rộn
Dịch bệnh khiến các kế hoạch đổ vỡ và hai đứa trẻ năng động phải ở yên trong nhà. Nhưng không vì thế, cuộc sống của các em trở nên buồn chán, tẻ nhạt.
Thời gian đầu, hai chị em Nguyệt Linh học online theo chương trình của trường. Khi trường cho nghỉ hè, hai em xin mẹ cho học thêm trực tuyến. Nguyệt Linh học Tiếng Trung trong khi Bình Minh học lập trình.
Ngoài giờ học, gia đình chị Lê Nguyệt cố gắng để con có thể làm nhiều việc khác. Thời gian biểu một ngày luôn kín lịch với các hoạt động như như làm bánh, nấu ăn, cắm hoa với mẹ, nghe nhạc, chơi các trò chơi cùng nhau, đọc sách, làm các dự định cá nhân và giúp mẹ làm việc nhà.
“Là giảng viên đại học, tôi chuyển sang dạy học online. Hai con đều ý thức tốt, không làm phiền lúc mẹ làm việc. Hai con khá tò mò với công việc của mẹ nên thường xuyên hỏi han, nay có dịp quan sát mẹ khi mẹ làm việc online”, chị Lê Nguyệt kể.
Gia đình chị cũng thường xem phim cùng nhau nhưng có chọn lọc. Họ thích xem các kênh khoa học hoặc động vật, thực vật. Hai bạn nhỏ đều tốt tiếng Anh nên có thể xem hiểu các bộ phim tài liệu không cần phụ đề.
Chị Lê Nguyệt còn cùng con chơi các trò chơi ngày xưa mà chị nhớ ra như tìm số, bắn máy bay… Trong những ngày hạn chế ra đường, 3 mẹ con còn chơi bài, nghe nhạc, đọc truyện.
Khi các con đạt thành tích gì đó, nữ phụ huynh thường đặt đồ chơi làm phần thưởng. Nguyệt Linh thích mua các đồ trang trí sổ. Trong khi đó, là một cậu bé hiếu động, Bình Minh thích lôi chăn gối trong nhà ra dựng lều.
“Tôi nghĩ quan trọng nhất là giữ cả nhà bận rộn, các con luôn có những việc có ích để làm nhằm giữ được năng lượng tích cực và sự yêu đời”, chị Lê Nguyệt cho hay.
Thực tế, những ngày ở nhà của Nguyệt Linh rất bận rộn. Từ đầu tháng 6, cô bé lớp 7 đã điều hành dự án GenZ Speak Our for Environment do tổ chức Live and Learn tài trợ. Lẽ ra, Nguyệt Linh chưa đủ tuổi để xin tài trợ nhưng vì có nhiều kinh nghiệm hoạt động, dự án của em được phê duyệt.
Nữ sinh tuyển chọn 30 bạn đồng hành để tìm hiểu về giao thông công cộng và tầm quan trọng của cây xanh, rừng. Các em cùng làm sản phẩm, đăng trên fanpage của dự án, thường xuyên trao đổi, lúc nào cũng bận rộn và vui vẻ.
Mọi việc được tiến hành online nên không gặp các vấn đề liên quan đến dịch. Nguyệt Linh tìm kiếm tài liệu, tổng hợp, gửi cho các bạn. Cô bé còn tổ chức thành công 2 workshop online, mời khách mời trao đổi về hai vấn đề này.
Nguyệt Linh còn đào tạo về Canva cho các thành viên dự án. Nhờ phần mềm này, các thành viên làm ra các sản phẩm truyền thông về chủ đề giao thông công cộng và tầm quan trọng của cây xanh, rừng.
Theo chị Lê Nguyệt, dự án giúp con gái trưởng thành lên nhiều. Nguyệt Linh học thêm nhiều kiến thức mới, biết mua quà tặng các bạn và khách mời, viết hóa đơn đỏ, mời khách mời như thế nào, cách điều hành cuộc họp, cảm ơn khách mời bằng thiệp tự thiết kế.
Hiện nay, cô bé còn tham gia chiến dịch gây quỹ trồng rừng cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường. Em cũng thiết kế nhiều poster về cách đón nhận dịch bệnh, ở nhà để đảm bảo an toàn…
Chị em thân thiết hơn khi ở nhà do dịch
Đương nhiên, với những đứa trẻ, mùa hè được tự do đi đây đi đó, gặp gỡ bạn bè sẽ thú vị hơn rất nhiều. Chị Lê Nguyệt thừa nhận thỉnh thoảng, hai con cũng buồn, nhớ trường lớp, bạn bè.
Nguyệt Linh nhớ những bữa trưa cùng bạn ăn cơm tại canteen trường. Trong khi đó, Bình Minh vốn là cậu bé hiếu động, hiếm khi chịu ngồi yên một chỗ. Nay em chịu khó ở nhà dù nhiều khi rất nhớ bạn thân, phải xin mẹ gọi điện cho bạn.
Dù có lúc buồn chán, phần lớn thời gian của hai đứa trẻ không trôi qua nặng nề. Các em quen dần với việc ở nhà để đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch Covid-19. Trong các đợt dịch trước, chị Lê Nguyệt cũng trò chuyện với các con rất nhiều về sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Hơn nữa, còn nhỏ tuổi nhưng Nguyệt Linh và Bình Minh đều hiểu các em vẫn may mắn vì còn được ở trong nhà, đủ đồ ăn, có nhiều hoạt động.
“Tôi thấy thương các con. Nhưng rồi cả gia đình phải tự điều chỉnh. Quan trọng, nếu có danh sách các việc cần làm, chúng ta sẽ đỡ thấy việc ở nhà do dịch nặng nề”, bà mẹ hai con cho hay.
Chị Lê Nguyệt nói thêm sau thời gian ở nhà dài ngày, hai chị em Nguyệt Linh, Bình Minh thân thiết với nhau hơn. Hai con ít cãi nhau, thường xuyên trò chuyện, cùng nhau chơi đùa.
Chị cũng cho rằng điều quan trọng là gia đình cần duy trì năng lượng tích cực. Bố mẹ thường xuyên quan sát con, xem con biểu hiện như thế nào. Nếu thấy con xuống tinh thần, người lớn phải nghĩ ra hoạt động khác để thu hút sự chú ý của con, giúp con giải tỏa.
Theo chị Lê Nguyệt, dịch bệnh gây ra giai đoạn khó khăn cho toàn xã hội nói chung và cho từng gia đình, từng cá thể trong xã hội. Rất nhiều điều từng là bình thường nhưng bây giờ lại là xa xỉ. Không chỉ khó khăn kinh tế, hầu như gia đình nào cũng gặp khó khăn về tâm lý, cuộc sống tinh thần.
Tuy vậy, chị Lê Nguyệt cũng cho rằng qua đợt dịch, mọi người, cả người lớn lẫn trẻ em có thời gian nhìn lại mình, xem những điều nào thực sự có ý nghĩa với bản thân.
“Điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm gia đình, sự tương trợ, giúp đỡ của mọi người trong xã hội dành cho nhau và cách tự mình vượt qua khó khăn, chia sẻ, giúp đỡ người khác”, mẹ của nữ sinh từng gây tiếng vang vì viết thư gửi hiệu trưởng 40 trường, đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng cho hay.