Cách ăn mừng có một không hai của cổ động viên Nhật Bản tại World Cup

Sau chiến thắng trước đối thủ Đức, nhiều cổ động viên đã đổ đến ngã tư Shibuya để ăn mừng. Họ cùng nhau cổ vũ trong thời gian đèn xanh bật sáng, sau đó trả lại đường cho ôtô.

Người Nhật ăn mừng tại ngã tư Shibuya Khi đèn xanh dành cho người đi bộ bật lên, hàng trăm cổ động viên tại Tokyo đổ ra đường reo hò, ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ sau trận thắng Đức tại bảng E World Cup 2022.

Giây phút tiếng còi kết thúc của trọng tài vang lên, thủ đô Tokyo đã thật sự bùng nổ trong bữa tiệc cảm xúc. Cú sút ở phút 83 của Asano Takuma đã giúp "Samurai xanh" dẫn trước "Cỗ xe tăng" ở trận ra quân bảng E World Cup 2022 với tỷ số 2-1.

Sau khi kết thúc trận đấu, hàng trăm cổ động viên đã đến giao lộ nổi tiếng ở Shibuya để ăn mừng. Khi đèn xanh dành cho người đi bộ được bật lên, họ đổ xuống đường, đeo băng rôn, phụ kiện cổ vũ, cùng hò reo và nhảy múa trong niềm vui sướng.

Lúc đèn tín hiệu sắp chuyển sang đỏ, tất cả trở lại hai bên lề, trả lại không gian cho các phương tiện khác.

Lực lượng cảnh sát Tokyo đã được huy động để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc.

Hình ảnh này khiến không ít fan quốc tế thích thú và nể phục tinh thần thể thao rất văn minh của người Nhật.

Tuân thủ luật giao thông

Đây là lần đầu tiên tuyển Nhật Bản thắng Đức. Chiến thắng gây sốc của Nhật Bản trước Đức tại Sân vận động Quốc tế Khalifa (Qatar) được ví như “phép màu Doha”.

Với những người đã có tuổi, màn lội ngược dòng của đội bóng quốc gia phần nào giúp xua tan những ký ức đau buồn về một trận cầu quyết định khác ở Doha gần ba thập kỷ trước.

Khi đó, tuyển Nhật đã trượt khỏi vòng loại World Cup 1994 bởi bàn gỡ hòa ở phút bù giờ của đối thủ Iraq.

Vì kỳ tích này, nhiều người đã kêu gọi thủ tướng Fumio Kishida noi theo Saudi Arabia cho cả nước nghỉ lễ, theo The Guardian.

Ở nhiều khu vực ở xứ mặt trời mọc, cuộc vui của cổ động viên còn kéo dài đến nửa đêm.

Từ xa xưa, người dân Nhật Bản đã tin rằng việc tuân thủ nguyên tắc giúp cuộc sống hàng ngày của họ đỡ vất vả hơn. Phần lớn được giáo dục từ khi còn nhỏ và bắt đầu học những quy định, lễ nghi, luật lệ vào cấp 1 trở đi.

 Người Nhật đổ về ngã tư Shibuya để ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Ảnh: Kyodo.

Người Nhật đổ về ngã tư Shibuya để ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Ảnh: Kyodo.

Nếu có cơ hội dạo phố ở xứ hoa anh đào, du khách sẽ bất ngờ trước thái độ tuân thủ luật giao thông nghiêm ngặt của người dân.

Ngay cả khi không có ôtô qua lại, người đi bộ vẫn đứng đúng vị trí của họ ở phần lề và chờ đèn chuyển sang màu xanh. Nếu tuyến tàu điện ngầm đang trong quá trình sửa chữa hoặc đường đi rất hẹp, họ sẽ giữ yên lặng, xếp hàng theo chỉ dẫn và chậm rãi lên xuống cầu thang.

Theo Japan Today, người Nhật coi luật pháp là những thứ được hướng dẫn và thi hành bởi người dân, hơn cả chính phủ. Họ nghiêm túc thực hiện, xem đó là trách nhiệm cá nhân và không muốn làm phiền, ảnh hưởng đến người khác.

Hành động đẹp

Ngoài ra, văn hóa tôn trọng mọi thứ của đất nước mặt trời mọc cũng nhận được cảm tình trên khắp thế giới. Sau chiến thắng 2-1 trước đội tuyển Đức tối 23/11, nhiều cổ động viên Nhật Bản đã nán lại, tích cực thu gom chai lọ, rác trên khán đài.

Trước đó 3 ngày, trong trận khai mạc giữa Qatar và Ecuador tại sân Al Bayat, họ cũng làm điều tương tự.

Ngoài ra, các "Samurai xanh" và đội ngũ còn dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ, cất những vật dụng đã sử dụng như khăn tắm, áo.

Họ cũng để lại một tờ ghi chú viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Ả Rập với nội dung "Cảm ơn" cùng vài con hạc giấy.

Ở xứ sở hoa anh đào, mọi người tin rằng hạc giấy tượng trưng cho danh dự, giàu có, lòng trung thành và tuổi thọ. Họ tin rằng bất kỳ ai có đủ kiên nhẫn và sự tận tâm để gấp 1.000 con hạc origami sẽ được ban phước lành.

 Các cổ động viên Nhật dọn rác ở khán đài mỗi khi tham gia các sự kiện thể thao. Ảnh: AP.

Các cổ động viên Nhật dọn rác ở khán đài mỗi khi tham gia các sự kiện thể thao. Ảnh: AP.

Mỗi khi tham gia các sự kiện thể thao, lễ hội, người dân ở quốc gia này luôn có ý thức giữ gìn cảnh quan, vệ sinh và sống theo triết lý “bỏ đi không để lại dấu vết”.

Không chỉ tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, truyền thống này của người Nhật đã nhiều lần "ghi điểm" trong mắt bạn bè quốc tế ở những sự kiện khác.

Năm 2014, sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu giữa Nhật Bản và Bờ Biển Ngà vang lên, hàng trăm người đã cầm theo túi nilon để nhặt rác xung quanh khu vực ghế ngồi ở sân vận động Arena Pernambuco (thành phố Recife, Brazil).

Hành động đẹp đó không chỉ khiến cả thế giới nể phục mà các tờ báo nước ngoài cũng phải bình luận rằng: “Dù thua 2-1, cổ động viên Nhật và các cầu thủ đã thắng toàn diện trong lòng người hâm mộ trái bóng tròn”.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-an-mung-co-mot-khong-hai-cua-co-dong-vien-nhat-ban-tai-world-cup-post1378673.html