Cách 'ăn Tết' bền vững suốt tháng đón Giáng sinh và Tết Nguyên đán
Trang CNA đã chia sẻ cách lên kế hoạch trước cho một mùa lễ hội thân thiện với môi trường, tiết kiệm và an toàn.
Người dân khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị bước vào khoảng thời gian kéo dài một tháng từ Giáng sinh đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán - hứa hẹn về những bữa tiệc và truyền thống gia đình lâu đời. Để giảm sự lãng phí và dư thừa, cần chú ý tới nguyên tắc 3 điều: giảm thiểu lượng đồ dùng, tái sử dụng và tái chế.
Dùng ít thực phẩm hơn
Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), việc tính toán số đồ ăn ít hơn từ 10% đến 15% so với số lượng người tham dự thường là mức an toàn. Nếu cần phục vụ thức ăn với số lượng lớn, hãy chia nhỏ trước khi phục vụ để mọi thức ăn thừa được giữ sạch sẽ và có thể cất lại.
Tại Singapore, thực phẩm thừa lãng phí là một trong những loại rác thải lớn nhất, với 817.000 tấn đồ thừa vào năm ngoái.
Bà Stephanie Dickson, người sáng lập Green is the New Black, một chương trình thúc đẩy cuộc sống bền vững, cho biết rác thải thực phẩm cũng tăng "ồ ạt" trong thời gian lễ hội cuối năm, trích dẫn một nghiên cứu được thực hiện ở Australia.
Nghiên cứu của Đại học Melbourne cho thấy lãng phí thực phẩm trong tháng 12 và tháng 1 tăng 40% vì nhiều người đi ăn ngoài và ăn mừng.
Bà Dickson nói rằng cũng có nhiều cách để làm cho các bữa tiệc trở nên bền vững với môi trường và sức khỏe hơn. Chuyên gia này đưa ra ví dụ về nhiều lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn và sử dụng đồ sành sứ và dao kéo có sẵn ở nhà thay vì mua đồ dùng một lần.
"Tôi không nghĩ cần phải có đồ dùng một lần khi bạn có mọi thứ trong nhà. Nếu bạn không có đủ để phục vụ cho tất cả mọi người, hãy yêu cầu họ mang theo đĩa và dao nĩa của riêng họ," bà nói và cho biết thêm rằng đây là một thông lệ tại nhiều sự kiện ngày nay.
Bà nói: "Yêu cầu mọi người mang theo hộp đựng của riêng họ và yêu cầu họ đóng gói thực phẩm dư thừa về nhà cũng là một cách để tránh lãng phí thực phẩm". Đồng thời, cũng có thể cân nhắc việc cho những người khác trong khu phố ăn thừa hoặc quyên góp cho các tổ chức từ thiện thực phẩm.
Tặng quà có ý thức
Bà Dickson nói Giáng sinh hay các dịp lễ không nhất thiết phải xoay quanh tiêu dùng và những món quà vật chất. Bà chia sẻ: "Chúng ta có thể bắt đầu sáng tạo hơn một chút về cách chúng ta tặng quà cho gia đình và bạn bè của mình, đồng thời cho biết thêm rằng mọi người có thể bắt đầu loại bỏ chủ nghĩa duy vật ra khỏi việc tặng quà và thay vào đó hãy nhìn vào những trải nghiệm được chia sẻ cùng nhau. Ngoài việc có thể cùng nhau đi nghỉ, đăng ký cho nhau các gói sử dụng dịch vụ, bà Dickson cũng cho rằng ngay cả những món quà ăn được cũng có thể được mang ra thưởng thức cùng nhau.
Chuyên gia này nói rằng đối với những người đang trên hành trình phát triển bền vững, kỳ nghỉ lễ cũng có thể là một cơ hội để giáo dục những người thân yêu bằng cách giúp họ hiểu về việc sử dụng các sản phẩm không rác thải. Đối với các em nhỏ, chúng có thể được khuyến khích tham gia tình nguyện với một tổ chức từ thiện hoặc tặng đồ chơi của chúng cho trẻ em có nhu cầu.
Bà bày tỏ: "Cố gắng tạo ra những truyền thống khác nhau thông qua những trải nghiệm vào thời điểm Giáng sinh hay nghỉ lễ có thể là một điều tốt đẹp và có thể hướng bọn trẻ và gia đình vào một quỹ đạo hoàn toàn khác mỗi khi đón Năm mới".
Bà Dickson nói rằng cũng có thể tặng lại những món quà mình nhận được và điều này đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn. "Đôi khi, bạn nhận được những món quà và chúng có thể không phù hợp với bạn. Nhưng họ có thể phù hợp với ai đó trong cuộc sống của bạn. Tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời khi có thể tái sử dụng và tặng nó cho người khác," bà nói.
Điều tương tự cũng áp dụng đối với quà tặng cho trẻ em, bà Dickson chia sẻ và nói thêm rằng hoán đổi đồ chơi là các lựa chọn thú vị đối với các em nhỏ. "Đặc biệt khi bọn trẻ còn nhỏ, chúng sẽ không biết cái gì mới hay không. Và đôi khi chúng thậm chí không thực sự quan tâm đến những món quà mà thích chiếc hộp hơn", chuyên gia này cho hay.
Bà Dickson cho biết thực sự không cần phải mua giấy gói trong những ngày lễ này vì mọi người thường nhận được nhiều hàng hóa được giao đến nhà và đã có sẵn giấy gói.
Bà nói: "Bạn có thể tái chế một số thứ được chuyển đến nhà của mình, chẳng hạn như giữ lại một số bao bì đó, đặc biệt nếu nó đẹp".
Những món đồ như hộp giấy có thể được trang trí bằng một bức tranh nhỏ và thậm chí quần áo cũ cũng có thể được dùng để gói quà.
Bà Dickson đã từng sử dụng báo để gói quà Giáng sinh của mình. "Không cần phải lấp lánh, bóng bẩy, giấy gói mới đôi khi cũng khó tái chế. Hãy sử dụng những gì bạn có, thu thập bao bì đã được mang đến nhà của bạn và sau đó chỉ cần tái sử dụng", theo chuyên gia này.
Bà nói, nếu mỗi gia đình người Mỹ gói ba món quà bằng vật liệu tái sử dụng mỗi năm, họ sẽ tiết kiệm đủ giấy để phủ 45.000 sân bóng đá. "Và đó chỉ tính riêng nước Mỹ. Bạn thử tưởng tượng làm thế nào chúng ta (có thể) mở rộng điều đó sang phần còn lại của thế giới."
Suy nghĩ lại về đồ mới vào dịp Tết
Mặc quần áo mới vào dịp Tết Nguyên đán được cho là tượng trưng cho một khởi đầu mới và báo trước những điều may mắn cho năm tới. Nhưng trong thời đại mà hầu hết chúng ta đều có thu nhập rủng rỉnh và mua quần áo mới nhiều lần trong năm, có lẽ đã đến lúc cân nhắc liệu truyền thống này có còn phù hợp hay không.
Nếu đó là một câu hỏi về phong cách hoặc chỉ đơn giản là mặc một thứ gì đó mà bạn bè và gia đình của bạn chưa từng thấy trước đây, thì không thiếu các lựa chọn tại các cửa hàng đồ cũ hoặc cửa hàng hoán đổi quần áo quanh Singapore.
Giảm mua sắm hoặc mặc lại quần áo là điều giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường rất nhiều vì chất thải dệt may có tỷ lệ tái chế thấp nhất là 4% trong số 189.000 tấn rác thải được tạo ra ở Singapore vào năm ngoái.
Thêm vào đó, vào dịp Tết Nguyên đán, mọi người cũng thường thích những tờ tiền mới để lì xì. Tuy nhiên, những tờ tiền sắc nét đó phải trả giá bằng môi trường.
Phát hành tiền giấy mới tạo ra lượng khí thải carbon tương đương với việc cung cấp năng lượng cho 430 căn hộ bốn phòng của Hội đồng Nhà ở Singapore (HDB). Thay vào đó, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đang khuyến khích sử dụng các tờ tiền "phù hợp để làm quà tặng". Đó là những tờ tiền đã qua sử dụng nhưng sạch sẽ và có chất lượng tương tự như tờ tiền từ máy rút tiền tự động (ATM).
Về vấn đề tặng lì xì, các nhà chức trách đã khuyến khích việc sử dụng e-hongbao (lì xì điện tử) trong nhiều năm. Nhưng đối với nhiều người, hành động trao bao lì xì và nhận lại những lời chúc tốt đẹp vẫn là một sự tương tác đáng trân trọng qua nhiều thế hệ.
Nếu bạn muốn tặng lì xì trực tiếp, hãy chọn những bao giấy không được in nhiều mực đỏ, mực vàng hoặc lấp lánh, vì những thứ này khó tái chế hơn, một công ty tái chế giấy đã chia sẻ với CNA. Để kéo dài thời hạn sử dụng của bao lì xì, hãy mua những bao lì xì có thiết kế thường thay vì họa tiết dành riêng cho các năm.