Cách bạn cần biết để hạ phanh tay điện tử khi ô tô hết ắc-quy

Phanh tay điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng ô tô. Tuy nhiên, trang bị này cũng trở thành rắc rối, gây khó khăn cho người sử dụng nếu chiếc xe bị hết ắc-quy hoặc hư hỏng hệ thống điện.

Giống như phanh tay cơ, phanh tay điện tử có chức năng kết hợp với số P giúp xe không trôi tự do khi dừng, đỗ. Thay vì sử dụng một cần kéo phanh, phanh tay điện tử chỉ là một nút bấm, có ký hiệu chữ P trong vòng tròn và được đặt gần vị trí cần số. Hiện nay, phanh tay điện tử dần trở thành trang bị tiêu chuẩn ngay cả trên những xe phổ thông.

So sánh với phanh tay cơ, phanh tay điện tử có ưu điểm lớn về thiết kế khi không có một cần kéo tay bên cạnh cần số. Về cấu tạo, hệ thống phanh tay điện tử sử dụng 2 motor điện ở bánh sau để thực hiện thao tác nhả hoặc giữ phanh. Lái xe sẽ không mất nhiều công sức để kéo và hạ phanh tay, thay vào đó chỉ cần nhấn một nút để thực hiện thao tác này.

 Phanh tay điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội so với phanh cơ truyền thống.

Phanh tay điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội so với phanh cơ truyền thống.

Phanh tay điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội so với phanh cơ truyền thống. Bên cạnh đó, loại phanh tay này cũng có thể coi là an toàn và tiện dụng hơn khi người lái vào số D và đạp ga, phanh tay sẽ tự động chuyển về trạng thái mở để không bị bó phanh.

Ngoài ra, khi người lái thực hiện các thao tác như tháo dây an toàn, mở cửa hay tắt máy thì hệ thống cũng sẽ tự động kích hoạt giữ phanh. Phanh tay điện tử còn có khả năng hiển thị các cảnh báo nguy hiểm khi gặp sự cố, từ đó hạn chế các hư hỏng ngoài ý muốn có thể xảy ra.

Tuy nhiên do được điều khiển bằng điện nên phanh tay điện tử sẽ đem tới một số rắc rối cho người sử dụng khi chiếc xe không may chết máy, hỏng hoặc hết ắc-quy. Đặc biệt trong các trường hợp xe gặp tai nạn, ngập nước dẫn đến hư hỏng hệ thống điện sẽ khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn khi không hạ được phanh tay.

Trong trường hợp này, để nhả phanh tay, người lái sẽ phải thực hiện ở cả hai bánh sau. Dụng cụ cần thiết là một bộ kích và một bộ kích điện. Ở khu vực phanh bánh sau sẽ có một motor chấp hành, lái xe chỉ cần cạy nắp che ra sau đó dùng kích điện để đưa điện vào motor. Khi đó motor phanh sẽ hoạt động và chuyển trạng thái nhả phanh.

 Nếu xe ngập nước, gặp khó khăn, bạn nên gọi dịch vụ cứu hộ chuyên nghiệp để tránh các rủi ro không đáng có.

Nếu xe ngập nước, gặp khó khăn, bạn nên gọi dịch vụ cứu hộ chuyên nghiệp để tránh các rủi ro không đáng có.

Các bước nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế việc thực hiện lại tương đối vất vả vì sẽ phải kích bánh xe, sau đó chui vào gầm xe. Còn với trường hợp xe chỉ hỏng hoặc hết ắc-quy thông thường, các lái xe chỉ cần thay ắc-quy hoặc câu điện trực tiếp vào ắc-quy xe từ một chiếc xe khác. Sau khi ắc-quy đủ điện, lái xe chỉ cần bật hệ thống điện, khởi động xe và bấm nút nhả phanh tay như bình thường là có thể tiếp tục di chuyển.

Việc hạ phanh tay điện tử khi ô tô hết ắc-quy đòi hỏi sự cẩn thận và một số kỹ năng cơ bản. Nếu không tự tin hoặc không có đủ dụng cụ, người sử dụng xe nên gọi dịch vụ cứu hộ chuyên nghiệp để tránh các rủi ro không đáng có.

Đức Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cach-ban-can-biet-de-ha-phanh-tay-dien-tu-khi-o-to-het-ac-quy-post305235.html