Lô xe đầu tiên sắp về Việt Nam: Con đường khác biệt của Chery với các hãng xe đồng hương
Trong làn sóng các nhà sản xuất ô tô đến từ Trung Quốc đang tràn vào thị trường Việt, có thể nói Chery là tập đoàn sản xuất ô tô Trung Quốc có chiến lược 'thận trọng' nhất đến thời điểm hiện tại bởi dành rất nhiều thời gian để thăm dò thị trường.
Omoda & Jaecoo Việt Nam hiện đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất tại tỉnh Thái Bình với công suất dự kiến 200.000 xe/năm. Với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD, nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026, giúp thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Việc có nhà máy lắp ráp nội địa cũng là một nước đi quan trọng để giảm giá thành của các mẫu xe Omoda & Jaecoo.
Với việc nhập khẩu lô xe đầu tiên về Việt Nam từ Indonesia, Omoda C5 vẫn sẽ có giá được dự kiến khá tốt. Sau đó để cạnh tranh với các đối thủ ở phân khúc cỡ CUV cỡ B trong nước, Omoda C5 sẽ được lắp ráp ngay tại nhà máy tại Việt Nam để góp phần giảm chi phí.
Có nhiều ý kiến cho rằng Chery dường như đang quá thận trọng khi các đối thủ đồng hương đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để đưa xe về Việt Nam và tung ra thị trường thông qua các nhà phân phối nội địa. Tuy nhiên, trong lần trở lại Việt Nam này, Chery cho thấy một cách tiếp cận khác nghiêm túc hơn khi xây nhà máy tại Việt Nam. Đây là điều không phải hãng xe Trung Quốc nào cũng hướng tới ở thời điểm hiện tại tại thị trường Việt Nam. Chiến lược “chậm và chắc” của Chery về lâu dài cũng cho thấy sự cam kết đối với thị trường Việt Nam và xu hướng chuyển dịch xanh trong ngành ô tô.
Thực tế, tại Việt Nam, Chery đã mất tận… 2 năm “thăm dò” thị trường và cân nhắc tỉ mỉ, mới quyết định đầu tư nhà máy sản xuất ô tô với thương hiệu mới, thể hiện sự quyết tâm gắn bó và hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp nội địa.
Trước đó, liên doanh GM - (SAIC - WULING) đã hợp tác với TMT Motors và ra mắt mẫu xe điện Wuling Mini EV tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu hợp tác với một sản phẩm xe “thuần” điện (BEV) và nhà máy chủ yếu thực hiện công đoạn lắp ráp, thay vì sản xuất từng bộ phận.
Theo kế hoạch, dự án nhà máy sản xuất ô tô của liên doanh Geleximco - Omoda & Jaecoo có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD, thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026 với vốn đầu tư 220 triệu USD, công suất khoảng 50.000 xe/năm. Giai đoạn 2 (2031 - 2033) với vốn đầu tư 200 triệu USD, công suất 100.000 xe/năm. Giai đoạn 3 (2034-2035) với vốn đầu tư 380 triệu USD, công suất 200.000 xe/năm. Trước mắt, Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Indonesia, bao gồm Omoda C5, Omoda E5 ra mắt trong quý III và Jaecoo 7, Jaecoo 7 PHEV ra mắt trong quý IV/2024.
Những năm gần đây, chiến lược chung của tập đoàn Chery là phát triển các dòng xe năng lượng mới (NEV), thay vì chỉ tập trung vào một dòng như xe BEV. Cụ thể, thương hiệu mới là Omoda & Jaecoo sẽ phát triển cả BEV, PHEV và FCEV trong tương lai, phục vụ đa dạng nhu cầu của nhiều thị trường. Đến nay, tổng doanh số NEV toàn cầu của thương hiệu này đã đạt hơn 160.000 chiếc, có mặt tại gần 20 quốc gia, trong đó tại khu vực Đông Nam Á có Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Chery được thành lập vào năm 1997, là tập đoàn đa ngành và là một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc với thành tích xuất khẩu ô tô số 1 Trung Quốc liên tục trong 22 năm. Chery cũng ghi dấu ấn là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tiên xâm nhập thị trường Châu Âu.
Năm 2023, Chery ghi nhận tổng sản lượng gần 2 triệu xe, trong đó xuất khẩu gần 1 triệu xe, phục vụ cho hơn 14 triệu khách hàng trên toàn cầu. Tập đoàn hiện sở hữu 80.000 nhân viên, 20.000 chuyên gia R&D, 5 trung tâm R&D và hơn 300 phòng nghiên cứu và thử nghiệm trải rộng khắp thế giới.
Chery đầu tư mạnh mẽ vào 13 công nghệ cốt lõi, bao gồm nền tảng xe, lái xe thông minh và điện khí hóa. Ngoài Omoda & Jaecoo, Chery còn sở hữu danh mục thương hiệu xe đa dạng, từ cao cấp đến bình dân, bao gồm Exceed, Chery, Icar và Jettour.
Để cạnh tranh với các đối thủ đồng hương và các hãng xe Nhật, Hàn, Mỹ, việc sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ là trọng tâm chiến lược của liên doanh Chery - Geleximco trong giai đoạn tới, với mục tiêu góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, hướng đến xuất khẩu ô tô. Tuy nhiên, việc mở rộng đầu tư thêm lĩnh vực mới cũng đặt ra nhiều thách thức với liên doanh này.