Cách bắt chuyện với đồng nghiệp

Tìm đam mê chung dựa trên bốn nhóm chủ đề: Gia đình, nghề nghiệp, giải trí và ước mơ là cách tốt nhất để bắt chuyện với mọi người trong công việc.

 Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.

Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.

Mỗi khi muốn kết nối với người khác, dù là trên sân khấu hay trong các trao đổi riêng trực tiếp, tôi đều học cách chia sẻ những chật vật, khó khăn, thất bại với họ. Cũng may những thứ này thì tôi có thừa. Tôi có thể kể về thời niên thiếu trong một gia đình công nhân và nỗi bất an khi tôi theo học trường chuyên của bọn trẻ nhà giàu không thiếu thứ gì.

Tôi nói về những khó khăn khi tôi nhận nuôi dưỡng những cậu bé và chúng tôi đã phải vật lộn tìm sự dung hòa hai bên. Tôi cũng thoải mái chia sẻ những khó khăn của một người bỗng dưng lại độc thân. Tôi cũng cởi mở về yếu kém của mình trong những công việc trước kia và những kỹ năng lãnh đạo mà tôi vẫn phải liên tục trau dồi ngày nay. Đây là tất cả những điều tôi cố gắng che giấu vì sợ bị đánh giá qua những điểm yếu.

Tôi làm thế để mọi người hiểu rằng tôi cũng như họ, đang trên chuyến hành trình còn nhiều chông gai. Đó là cách chúng ta xây dựng niềm tin trong người khác: bằng cách thể hiện chân thành và bày tỏ khao khát đạt thành công chung. Những trao đổi chân thật như thế, thoạt đầu có thể khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái, nhưng sẽ nhanh chóng làm cho các rào cản rơi rụng. Chiếc mặt nạ tuột xuống khi chúng ta chia sẻ những câu chuyện cá nhân riêng tư; đây là con đường chắc chắn dẫn đến sự đồng cảm và gia tăng độ thẩm thấu.

Tôi làm tất cả việc này có mục đích, có tính toán và dự định rõ ràng. Nhưng không có nghĩa là tôi giả tạo hay cố tình thao túng người khác. Chỉ đơn giản là tôi nhận thấy điểm yếu là một điểm tiếp cận quan trọng trong mối quan hệ cá nhân và công việc. Chẳng có gì là giả tạo hay tính toán khi ta thực hiện những hành động có mục đích trong quá trình thiết lập và củng cố mối quan hệ. Nó thể hiện rằng việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc thật sự là điều quan trọng không nên để nó diễn ra tình cờ ngẫu nhiên.

Nhưng không phải lúc nào tôi cũng thế. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi cảm thấy bất an. Mỗi lần gặp gỡ ai đó, tôi lại khoe khoang, nhả ra những cái tên quan trọng nháo nhào để cố tạo niềm tin càng nhanh càng tốt. Tôi che giấu điểm yếu của mình. Tuy nhiên, ngày nay, sẽ thật giả tạo nếu tôi đứng lên bục kêu mọi người hãy đón nhận sự bất ổn của việc thay đổi mang tính xoay chuyển trong khi tôi lại không thừa nhận khuyết điểm và thiếu sót của mình.

Tác giả Brene Brown định nghĩa tổn thương là sự pha trộn giữa bất ổn, rủi ro, phơi bày cảm xúc. Brown là giáo sư nghiên cứu tại Khoa Sau đại học về Công tác Xã hội, Đại học Houston. Trong nhiều năm, cô nghiên cứu khả năng hủy hoại quyền lực của sự hổ thẹn từ đó phát triển lý thuyết về phản ứng trước sự hổ thẹn.

Cô viết trong cuốn sách Daring Greatly rằng: "Chúng ta khao khát những người có can đảm lên tiếng, 'tôi cần được giúp đỡ', 'tôi là nguồn gốc của sai lầm đó' hay 'tôi không muốn chỉ định nghĩa thành công bằng chức danh hay thu nhập nữa' là lời khẳng định dõng dạc".

Vấn đề là không phải ta thừa nhận điểm yếu vì ta có chỗ ngược mà vì ta muốn tạo ra kết nối chân thành và tin cậy với người khác. Cũng như việc bạn phải là người chủ động làm trước phần việc mở đầu cho cộng hưởng, bạn sẽ phải là người đi trước trong việc tạo gắn kết với người khác nếu bạn thật sự muốn kiến tạo mối quan hệ với họ. Bạn phải tiên phong mở lòng, chia sẻ khó khăn, những chật vật trong chuyên môn và cuộc sống.

Cách đây nhiều năm, người ta xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp bằng cách bước chân vào văn phòng nói chuyện vô thưởng vô phạt, tìm kiếm những điểm chung làm đầu câu chuyện từ bức tranh treo trên tường hay đặt trên bàn. "A, anh cũng chơi golf hả? Tôi thì cuối tuần nào cũng ra sân!". Những lời xã giao kiểu này khiến tôi mệt mỏi, nhưng chúng vẫn có chỗ đứng riêng.

Để đặt niềm tin chung trong một cuộc giao tiếp với đồng nghiệp, hãy dựa trên bốn nhóm chủ đề: Gia đình, nghề nghiệp, giải trí, ước mơ. Hãy hỏi bất cứ ai những câu hỏi có phần tò mò trong những lĩnh vực này, bạn sẽ thấy ngọn lửa của họ cháy lên trong một lĩnh vực nào đó.

Tìm đam mê chung không phải là điều bắt buộc kết nối với mọi người. Ta chỉ cần chia sẻ đam mê, những điều ý nghĩa với ta. Trong những phút giây đó, ta thực sự thể hiện chính mình, và thể hiện theo một cách mời gọi các đồng đội làm như thế.

Keith Ferrazzi & NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-bat-chuyen-voi-dong-nghiep-post1421005.html