Cách các nước hạn chế trẻ em dùng điện thoại

Từ luật pháp nghiêm ngặt đến ý thức chung của cộng đồng, Úc và Tây Ban Nha là hai nước dẫn đầu trong việc giới hạn trẻ nhỏ tiếp xúc với điện thoại di động và máy tính bảng.

Hơn 72% trẻ em Tây Ban Nha đã có điện thoại khi mới 12 tuổi

Hơn 72% trẻ em Tây Ban Nha đã có điện thoại khi mới 12 tuổi

Nếu sự ra đời của điện thoại di động giúp cha mẹ giữ liên lạc với con cái, thì nó cũng đã gây ra vô số cuộc tranh cãi về thời gian sử dụng màn hình, sự an toàn và mạng xã hội. Khi mối lo ngại về việc sử dụng điện thoại ngày càng tăng - và độ tuổi trẻ em được phép sở hữu chiếc điện thoại đầu tiên tiếp tục giảm - các quốc gia trên khắp thế giới đang cân nhắc nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề này ở trường học và tại nhà.

Úc

Úc được báo chí toàn cầu đưa tin rộng rãi vào tháng 11/2024, khi quốc hội nước này thông qua luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cách thức hoạt động và dịch vụ nào sẽ áp dụng luật này.

Trong khi một số tiểu bang ở Úc cấm sử dụng điện thoại di động ở trường học, lệnh cấm mới của chính phủ liên bang sẽ hạn chế hoàn toàn trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội vào cuối năm nay. Bộ trưởng Truyền thông sẽ quyết định ứng dụng nào bị hạn chế, và nhiều người phỏng đoán các ứng dụng nổi tiếng như Snapchat, Instagram, Facebook và TikTok sẽ bị cấm đầu tiên. YouTube dự kiến được miễn trừ vì những lợi ích giáo dục mà nền tảng cung cấp.

Luật này giao trách nhiệm kiểm tra độ tuổi cho các nền tảng và họ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 50 triệu AUD (786 tỷ VND) nếu không thực hiện “các bước hợp lý” để kiểm duyệt. Quy trình chính thức có thể bao gồm việc ước tính độ tuổi trên khuôn mặt và kiểm tra hành vi tài khoản để xác định độ tuổi.

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết lệnh cấm nhằm đảm bảo “trẻ em có tuổi thơ”. Ông nói thêm rằng, mục đích là để trẻ em “chơi ngoài trời với bạn bè - ra sân chơi bóng đá và cricket, quần vợt và bóng lưới, thử mọi môn thể thao mà các em thích thay vì dùng điện thoại”.

Tây Ban Nha

Chính phủ Tây Ban Nha đang chuẩn bị luật nâng độ tuổi mở tài khoản mạng xã hội từ 14 lên 16 và kêu gọi các công ty công nghệ cài đặt hệ thống xác minh độ tuổi. Chính phủ cũng đề xuất rằng các biện pháp kiểm soát của phụ huynh nên được cài đặt mặc định trên điện thoại, cũng như triển khai một chiến dịch giáo dục quốc gia để giúp trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội đúng cách.

Một ủy ban chuyên gia gần đây kêu gọi chính phủ xem xét thêm nhãn dán trên thiết bị điện tử được bán tại Tây Ban Nha để cảnh báo người tiêu dùng về các rủi ro sức khỏe có liên quan đến mạng xã hội và thiết bị kỹ thuật số.

Vào mùa thu năm 2023, các bậc phụ huynh ở khu phố Poblenou của Barcelona đã nhất trí trì hoãn mua điện thoại cho con mình. Sáng kiến của họ, Adolescencia Libre de Móviles (Tuổi vị thành niên không dùng điện thoại di động), đã nhanh chóng lan rộng khắp Tây Ban Nha khi các gia đình đồng tình với việc không mua điện thoại cho con mình cho đến khi chúng 16 tuổi.

“Mỗi năm bạn trì hoãn được việc mua điện thoại là một chiến thắng lớn, vì hơn 72% trẻ em Tây Ban Nha đã có điện thoại khi mới 12 tuổi”, bà Núria González-Rojas, người phát ngôn của dự án, cho biết.

Một nhóm phụ huynh ở Xứ Basque có tên Altxa Burua (Ngẩng đầu lên) đã thử nghiệm một chương trình hạn chế trẻ em sử dụng điện thoại bằng cách kêu gọi sự giúp đỡ của các gia đình, trường học và doanh nghiệp địa phương. Dự án bắt đầu tại thị trấn Tolosa cách đây hai năm, nhằm kháng lại lập luận rằng trẻ em cần điện thoại trong trường hợp khẩn cấp. Để đáp lại, các cửa hàng ở Tolosa mời trẻ em sử dụng điện thoại nếu cần. Các nhãn dán trên cửa sổ, bằng cả tiếng Basque và tiếng Tây Ban Nha, ghi: “Các em có thể sử dụng điện thoại của chúng tôi”.

Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng đất nước cần “lấy lại quyền kiểm soát màn hình”. Ông cho rằng, “tương lai của xã hội và nền dân chủ của chúng ta” phụ thuộc vào một cách tiếp cận hợp lý.

Theo báo cáo công bố vào tháng 4 năm ngoái, trẻ em không nên được phép sử dụng điện thoại trước 13 tuổi và nên bị cấm truy cập vào các mạng xã hội phổ biến như TikTok, Instagram và Snapchat cho đến khi 18 tuổi. Các chuyên gia cho biết, trẻ em cần được bảo vệ khỏi các chiến lược lợi nhuận của ngành công nghệ; màn hình có tác động tiêu cực đến thị lực, giấc ngủ, quá trình trao đổi chất, sức khỏe thể chất và khả năng tập trung của trẻ em.

Ông Macron đã nói rằng các bộ trưởng nên “xem xét các khuyến nghị và chuyển chúng thành hành động”.

Ý

Điện thoại và máy tính bảng tại các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Ý đã bị cấm hoàn toàn từ tháng 9/2024, kể cả cho mục đích giảng dạy.

Bộ trưởng Giáo dục, ông Giuseppe Valditara, cho biết quyết định này được đưa ra vì lý do giáo dục nhưng cũng vì tình trạng căng thẳng mà các thiết bị này gây ra giữa học sinh và giáo viên - bao gồm trường hợp giáo viên bị đánh bằng điện thoại.

Ông Valditara cũng đã ủng hộ một bản kiến nghị kêu gọi cấm trẻ em dưới 14 tuổi sở hữu điện thoại di động và ngăn chặn trẻ em dưới 16 tuổi có tài khoản trên mạng xã hội.

Đức

Cho dù các trường học ở Đức không thể cấm học sinh mang điện thoại đến trường, họ đã cấm học sinh sử dụng chúng trong lớp học hoặc trong giờ ra chơi.

Giáo viên thường xuyên có quyền tịch thu điện thoại dựa trên từng trường hợp cụ thể, nhưng các chuyên gia lưu ý rằng cơ sở pháp lý cho việc này là không vững chắc. Một số nhà giáo dục đã kết hợp các thiết bị vào hoạt động giảng dạy và khuyến khích việc xây dựng kiến thức công nghệ cho giới trẻ, bao gồm khuyên các em giới hạn thời gian sử dụng màn hình vì lợi ích của bản thân.

Lãnh đạo Sở Giáo dục bang Schleswig-Holstein, bà Karin Prien, kêu gọi cấm hoàn toàn điện thoại tại các trường tiểu học, trích dẫn những tác động tiêu cực đến việc học và sức khỏe thể chất.

Ông Thomas Fischbach, Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Đức, tin rằng trẻ em dưới 11 tuổi không nên sử dụng điện thoại thông minh bởi vì những thiết bị này có hại cho sự phát triển. Ông Fischbach cho biết não bộ của trẻ quá dễ bị tổn thương để có thể tương tác với những “người có ảnh hưởng” trên mạng xã hội, đặc biệt khi nhiều bác sĩ báo cáo các trường hợp người dùng Internet trẻ tuổi phát triển các vấn đề tâm lý như lo lắng mạn tính.

“Bạn trì hoãn được trẻ em sử dụng điện thoại thông minh càng lâu đến đâu thì càng tốt đến đó”, ông Fischbach nói.

Thùy Anh (theo theguardian.com, ngày 11/1/2025)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cach-cac-nuoc-han-che-tre-em-dung-dien-thoai-post1710567.tpo