Nâng cao cạnh tranh quốc tế bằng quản lý chất lượng

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường quản lý chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế

Nâng cao cạnh tranh bằng quản lý chất lượng

Quản lý chất lượng đảm bảo cho các doanh nghiệp làm đúng những việc phải làm. Các doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phải tìm hiểu và áp dụng có hiệu quả các tư tưởng và công cụ quản lý chất lượng.

Chất lượng sản phẩm, dịch vụ không tự sinh ra, chất lượng không phải là một kết quả ngẫu nhiên, nó là kết quả của sự tác động của hàng loạt yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau. Muốn đạt được chất lượng mong muốn, cần phải quản lý một cách đúng đắn các yếu tố này. Hoạt động quản lý trong lĩnh vực chất lượng được gọi là quản lý chất lượng. Nó bao gồm các hoạt động nhằm định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Quản lý chất lượng đảm bảo cho các doanh nghiệp làm đúng những việc phải làm. Các doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phải tìm hiểu và áp dụng có hiệu quả các tư tưởng và công cụ quản lý chất lượng.

Theo chuyên gia về năng suất chất lượng, quản lý chất lượng bắt đầu từ những hoạt động mang tính định hướng, nếu không có định hướng chẳng khác nào đi biển mà không biết hành trình sẽ đi đến đâu.

Quản lý chất lượng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh (Ảnh minh họa)

Quản lý chất lượng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh (Ảnh minh họa)

5 bước để quản lý chất lượng

Để phát triển phương thức quản lý chất lượng có thể chia thành năm bước. Cụ thể, thứ nhất, kiểm tra chất lượng (I - Inspection). Trong thời gian dài, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, xem xét chất lượng sản phẩm chủ yếu dựa vào kiểm tra. Đó là hoạt động như đo, xem xét, thử nghiệm hoặc định cỡ một hay nhiều đặc tính của đối tượng và so sánh kết quả với yêu cầu quy định nhằm xác định sự phù hợp của mỗi đặc tính.

Như vậy, kiểm tra sản phẩm chỉ là phân loại khi sản phẩm đã được chế tạo, tức là kiểm tra khi sự việc đã rồi (chủ yếu ở khâu cuối cùng của sản phẩm), do vậy rất lãng phí và tốn kém, kể cả việc phải xử lý những sản phẩm không đạt chất lượng. Nhiều doanh nghiệp trong một thời gian dài vẫn xây dựng chiến lược chất lượng dựa trên cơ sở kiểm tra, tăng số lượng cán bộ làm việc này, do đó chi phí cho kiểm tra cũng tăng theo, độ tin cậy của hoạt động kiểm tra lại thấp. Ngay cả những sản phẩm phù hợp quy định cũng chưa thỏa mãn nhu cầu thị trường. Như vậy, dù nỗ lực tập trung vào kiểm tra trong quá trình sản xuất thì cũng sẽ không thể phát hiện được những sai sót bắt nguồn từ khâu thiết kế.

Thứ hai, kiểm soát chất lượng (QC - Quality Control): Là những hoạt động và kỹ thuật có tính tác nghiệp, được sử dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu chất lượng, thông qua kiểm soát 5 yếu tố/điều kiện ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo ra chất lượng. Đó là kiểm soát con người; Kiểm soát phương pháp và quá trình; Kiểm soát người cung ứng; Kiểm soát trang thiết bị dùng trong sản xuất và thử nghiệm; Kiểm soát thông tin.

Thứ ba, đảm bảo chất lượng (QA - Quality Asouurance): Đảm bảo chất lượng liên quan đến mối quan hệ giữa khách hàng và người sản xuất, hướng tới sự thỏa mãn của khách hàng. Đó là toàn bộ các hoạt động có kế hoạch và hệ thống được tiến hành trong một hệ thống chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng trong nội bộ và với bên ngoài.

Căn cứ để các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động về đảm bảo chất lượng là các tiêu chuẩn về mô hình hệ thống quản lý chất lượng như bộ tiêu chuẩn ISO 9000. Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000 là phương thức quản lý tiên tiến, bao gồm các hoạt động quản lý và kỹ thuật được sử dụng để đạt, duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ và để giảm bớt các chi phí ẩn trong sản xuất, kinh doanh, tạo lòng tin đối với khách hàng.

Thứ tư, kiểm soát chất lượng toàn diện (TQC - Total Quality Control): Kiểm soát chất lượng toàn diện là một hệ thống có hiệu quả để nhất thể hóa các nỗ lực phát triển chất lượng, duy trì chất lượng và cải tiến chất lượng của các nhóm khác nhau trong một tổ chức sao cho các hoạt động marketing, kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ có thể tiến hành một cách kinh tế nhất, cho phép thỏa mãn hoàn toàn khách hàng

Thứ năm, quản lý chất lượng toàn diện (TQM - Total Quality Managenment): Quản lý chất lượng toàn diện nhằm đạt tới việc quản lý chất lượng trên quy mô tổng thể để thỏa mãn những nhu cầu bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn đạt được trình độ “Chất lượng toàn diện" phải tạo ra được mọi điều kiện cần thiết để có được chất lượng trong hệ thống sản phẩm, dịch vụ. Đó là chất lượng trong đào tạo, chất lượng trong hành vi thái độ, tổ chức, mối quan hệ nội bộ giữa các phòng ban; chất lượng những phương tiện, công cụ, điều kiện cụ thể để thực hiện công việc. Quản lý chất lượng toàn diện đòi hỏi phải quản lý có hiệu quả mọi giai đoạn công việc, phải sử dụng vòng tròn quản lý P-D-C-A để ngăn ngừa sự lặp lại các khuyết tật ở mọi cấp. Hoạt động của nhóm chất lượng là một phần cấu thành của quản lý chất lượng tổng hợp.

Có thể khẳng định, áp dụng quản lý chất lượng toàn diện được coi là thực hiện "một cuộc cách mạng" trong quản lý của các doanh nghiệp. Nó định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp theo mục tiêu: Chất lượng là trên hết, không phải lợi nhuận nhất thời là trên hết.

Hà My

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-canh-tranh-quoc-te-bang-quan-ly-chat-luong-370274.html