Cách các tòa tháp Trump Tower phủ sóng toàn cầu
Những thác nước dát vàng và penthouse triệu USD trải dài từ New York, Dubai đến Manila cho thấy sức lan tỏa toàn cầu và chiến lược kinh doanh của thương hiệu gắn liền ông Trump.

Các tòa tháp Trump Tower đã trở thành biểu tượng xa xỉ. Ảnh: Reuters.
Trump Tower không đơn thuần là những tòa nhà cao tầng mà còn là tuyên ngôn về sự xa xỉ. Biểu tượng đầu tiên của chuỗi thương hiệu này - Trump Tower New York - được khánh thành năm 1983 trên Đại lộ Fifth danh giá, đã trở thành cột mốc khởi đầu cho phong cách “xa xỉ chuẩn Trump”.
Biểu tượng xa xỉ không biên giới
Cái tên Donald J. Trump được khắc nổi bật trên các tòa nhà cao tầng, những thác nước nhân tạo cao 24 m đổ xuống tường đá cẩm thạch Breccia Perniche, người gác cửa mang găng tay trắng, đèn chùm pha lê lấp lánh và tầm nhìn bao trọn chân trời Manhattan.
Tòa tháp 58 tầng này vừa là trụ sở chính của Trump Organization, vừa là dấu ấn của giới thượng lưu Manhattan, nơi những căn hộ được rao bán với giá hàng chục triệu USD và không gian thương mại đắt đỏ bậc nhất nước Mỹ.
Phong cách này nhanh chóng được Tập đoàn Trump nhân rộng trên toàn cầu.
Tại Chicago, Trump International Hotel & Tower - một công trình kính cao 98 tầng, đạt đến độ cao 423,2 m bao gồm mái vòm và kiến trúc tầng lùi ấn tượng - mang đến trải nghiệm sống đỉnh cao với các căn hộ từ studio tới penthouse 5 phòng ngủ, kèm theo nhà hàng đạt chuẩn Forbes Five-Star.
Tại Istanbul, Trump Towers Mecidiyeköy tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cung cấp căn hộ hiện đại có tầm nhìn toàn cảnh thành phố, tích hợp trung tâm thương mại cao cấp và chuỗi tiện ích từ spa, hồ bơi vô cực đến quản gia 24/7, đáp ứng nhu cầu khắt khe của giới tinh hoa toàn cầu.




Một số tòa Trump Tower trên toàn cầu. Ảnh: Dezeen, Trump Organization.
Tương tự, Trump Tower Mumbai trong khu phức hợp Lodha Park tại Mumbai (Ấn Độ) cũng nổi bật với tòa nhà 76 tầng, cung cấp hơn 270 căn hộ xa xỉ, thiết kế tích hợp không gian sống - làm việc - giải trí trong cùng một hệ sinh thái khép kín.
Trump Tower Manila, còn được gọi là Trump Tower at Century City, là một trong những tòa nhà cao nhất tại Philippines. Công trình 57 tầng này nổi bật với thiết kế mặt tiền “tách lớp”, tầm nhìn toàn cảnh thành phố và hàng loạt tiện nghi cao cấp. Hiện, Philippines cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có sự hiện diện của Trump Tower.
Sự tích hợp này không chỉ tối ưu hóa không gian mà còn tạo ra một hệ sinh thái khép kín, thu hút giới thượng lưu và nhà đầu tư. Các tòa tháp thường được đặt tại các vị trí đắc địa, như trung tâm tài chính hoặc khu vực phát triển nhanh, giúp gia tăng giá trị bất động sản và sức hút thương mại.
Cơn sốt địa ốc khu vực
Sự xuất hiện của Trump Tower tạo ra những thay đổi lớn với bản đồ bất động sản và kinh tế của các thành phố.
Tại New York, Trump Tower trên Đại lộ Fifth từng biến nơi đây thành một trong những khu vực đắt đỏ nhất hành tinh, với giá thuê mặt bằng thương mại lên tới 3.000 USD/foot vuông (tương đương gần 32.300 USD/m2), thu hút các thương hiệu xa xỉ như Gucci và nhiều đại gia phố Wall, theo Bloomberg.
Dù cho thuê mặt bằng với mức giá "không tưởng", từ năm 2016, giá trị căn hộ tại đây đã giảm từ mức cao hơn 1% so với thị trường xuống thấp hơn 4%, biến các bất động sản này thành “món hời” trong phân khúc cao cấp, ông Van Nieuwerburgh, chuyên gia về bất động sản chia sẻ trên New York Times. Nguyên nhân chính được cho là do sự phân cực trong chính trị và các vấn đề pháp lý liên quan đến ông Trump.
Ông Ondel Hylton - Giám đốc nghiên cứu tại CityRealty - cho rằng cạnh tranh từ các tòa nhà siêu sang tại khu "Hàng tỷ phú" (Billionaires' Row) và các cuộc biểu tình thường xuyên cũng là lý do khiến khách mua nhà cao cấp e dè.
Tại Chicago, Trump International Hotel & Tower ghi dấu ấn khi lập kỷ lục giá bán một căn hộ 1 phòng ngủ đạt mức 1.100 USD/foot vuông (tương đương hơn 11.840 USD/m2) vào năm 2016. Dự án này đã kích hoạt làn sóng phát triển quanh sông Chicago, giúp giá trị bất động sản khu vực tăng 20-30% trong một thập kỷ.
Tòa tháp cũng góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương thông qua tạo việc làm trong ngành dịch vụ và thu hút du khách cao cấp. Song, giai đoạn 2016-2020, doanh số tại đây chững lại do các tranh cãi chính trị.
Tuy nhiên, tại thị trường quốc tế, thương hiệu Trump vẫn mang đến những cơn sốt đối với giá bất động sản khu vực. Trump Tower Mumbai đã biến Worli thành "thủ phủ" bất động sản xa xỉ, với giá căn hộ dao động 3-10 triệu USD, trang 24/7 Wall Street cho hay.

Giá trị căn hộ tại Trump Tower Mumbai lên đến 10 triệu USD. Ảnh: Lodha Group.
Dự án này không chỉ làm tăng giá trị bất động sản mà còn thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, giao thông công cộng và tiện ích đô thị. Sự hiện diện của Trump Towers đã thu hút đầu tư từ giới thượng lưu Ấn Độ và quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Mumbai thông qua thuế bất động sản và hoạt động thương mại, theo Business Standard.
Đặc biệt, ngay sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhu cầu mua căn hộ mang thương hiệu Trump tại Ấn Độ càng bùng nổ. Tại Kolkata, nhiều người sẵn sàng chi đậm để sở hữu một căn hộ chỉ vì thương hiệu "Trump".
Bà Poonam Dutt, 60 tuổi, chia sẻ với báo chí địa phương rằng bà và chồng đã mua căn hộ tại Trump Tower Kolkata với giá 530.000 USD vào năm 2018 và thậm chí còn bay sang New York để ăn mừng.
Tại Istanbul, sau khi Trump Towers đi vào hoạt động năm 2012, giá bất động sản khu vực tăng 15-20%, thu hút mạnh nguồn vốn từ Trung Đông và châu Âu. Dự án tạo hàng trăm việc làm trong ngành dịch vụ, và Mecidiyeköy được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ định vị như một trung tâm đô thị mới của nước này.
Tại Dubai, Trump International Hotel & Tower tiếp tục củng cố danh tiếng của thành phố này như một “thủ đô xa xỉ” toàn cầu. Dự án ở khu Al Sufouh đã khiến giá nhà tại khu vực lân cận tăng vọt lên trung bình 3.500 USD/m2 - cao hơn 20% so với các khu vực khác - đồng thời hút mạnh dòng vốn đầu tư từ Trung Đông, châu Âu và châu Á.
Chiến lược kiếm tiền không đầu tư
Thực tế, các tòa tháp Trump Tower thường được phát triển thông qua mô hình cấp phép thương hiệu hoặc quản lý, giúp Trump Organization tối ưu hóa lợi nhuận mà không phải chịu rủi ro tài chính lớn.
Với nhiều dự án sắp ra mắt, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia sở hữu nhiều Trump Tower nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ. Điều đáng chú ý: Trump Organization gần như không bỏ ra đồng vốn nào mà vẫn thu tiền về từ các dự án mang thương hiệu Trump.
Trump Tower tại Ấn Độ vận hành theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Trump Organization không đầu tư vốn vào các dự án. Thay vào đó, các nhà phát triển như Tribeca Developers hay Lodha Group sẽ đảm nhận tài chính, xây dựng và bán các căn hộ, văn phòng. Đổi lại, Trump Organization thu về phí bản quyền hoặc phần trăm doanh thu nhờ giá trị thương hiệu, giúp tăng giá trị dự án so với các bất động sản cao cấp thông thường.

Trump International Hotel & Tower được công ty bất động sản Dar Global tài trợ. Ảnh: Trump Organization.
Tương tự, tại Dubai, dự án Trump International Hotel & Tower, với vốn đầu tư ước tính 1 tỷ USD, được tài trợ bởi Dar Global, một công ty bất động sản xa xỉ của Saudi Arabia, theo Trump Organization.
Phí cấp phép từ các dự án như Trump Towers Pune (2 triệu USD/năm) hay Trump Tower Manila (1,5 triệu USD/năm) là minh chứng cho sự thành công của chiến lược này, theo Business Standard.
Bằng cách tận dụng nguồn lực tài chính từ các đối tác, Trump Organization đã xây dựng được mạng lưới dự án toàn cầu mà không phải gánh chịu rủi ro trực tiếp từ các khoản đầu tư lớn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-cac-toa-thap-trump-tower-phu-song-toan-cau-post1554513.html