Cách cải thiện mối quan hệ của ông bà với con cháu

Mối quan hệ giữa ông bà và các cháu có thể tràn ngập tình yêu thương, niềm vui và sự kết nối sâu sắc. Tuy nhiên, giống như bất kỳ mối quan hệ nào khác, mối liên kết bền chặt này cũng cần sự nuôi dưỡng. Để cải thiện mối quan hệ của ông bà với con cháu, bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây.

Hãy chủ động cải thiện mối quan hệ của ông bà với các cháu

Sự chủ động là một trong những điều đầu tiên giúp cải thiện mối quan hệ của ông bà với các cháu.

Theo HuffPost, bạn đừng ngồi chờ các cháu đến với mình. Bạn là người lớn ở đây (hoặc ít nhất là người lớn tuổi hơn) nghĩa là bạn có cả "cơ hội và trách nhiệm" để tiếp cận con cháu mình. Hãy cho các cháu thấy rằng ông bà luôn quan tâm đến chúng bằng cách chủ động xây dựng mối quan hệ.

Bạn có thể ngồi chơi xếp hình với trẻ, cùng đá bóng, đi câu cá hoặc đơn giản là gọi điện hỏi xem các cháu học hành, vui chơi, sinh hoạt hiện giờ như thế nào. Bên cạnh đó, cả hai cũng có thể thảo luận, chia sẻ cùng nhau các sở thích chung về phim và sách. Điều này sẽ giúp ông bà có cơ hội để thể hiện mình như một người trưởng thành thực sự yêu thích cuộc sống của cháu mình.

Dành thời gian để tìm hiểu xem cháu của bạn thực sự là ai là một trong những điều có tác động lớn nhất mà bạn có thể làm với tư cách ông bà của chúng. Ảnh minh họa: understood.org

Dành thời gian để tìm hiểu xem cháu của bạn thực sự là ai là một trong những điều có tác động lớn nhất mà bạn có thể làm với tư cách ông bà của chúng. Ảnh minh họa: understood.org

Thể hiện sự tò mò về sở thích của các cháu

Các chuyên gia tâm lý học lâm sàng lão khoa cho biết: Dành thời gian để tìm hiểu xem cháu của bạn thực sự là ai là một trong những điều có tác động lớn nhất mà bạn có thể làm với tư cách ông bà của chúng. Điều này sẽ giúp cháu của bạn cảm thấy được lắng nghe, được quý trọng và được thấu hiểu. Từ đó tạo ra mối liên hệ cảm xúc sâu sắc giữa thế hệ già và trẻ trong gia đình.

Hãy bắt đầu bằng việc thực hành lắng nghe tích cực. Điều này có nghĩa là bạn dành toàn bộ sự chú ý cho cháu mình, giao tiếp bằng mắt và phản hồi chân thành với những gì con trẻ đang nói.

Đúng là các cháu của bạn đang lớn lên trong một thế giới khác xa với thế giới mà bạn đã lớn lên. Con bạn cũng có cách nuôi dạy con của chúng khác với cách bạn nuôi con mình trước đây. Hơn nữa, sở thích của trẻ em đôi khi kỳ lạ, các xu hướng phát triển (bao gồm cả học tập, vui chơi, giải trí…) hiện nay có thể làm ông bà rất bất ngờ, ngạc nhiên và ngôn ngữ của chúng cũng làm bạn khó theo kịp. Tuy vậy, ông bà vẫn có thể xây dựng sự gần gũi với con cháu mình bằng cách thể hiện sự tò mò, lắng nghe, chia sẻ hơn là phán xét. Điều đó không có nghĩa là bạn cần phải thông thạo từng chi tiết cuối cùng của trò chơi điện tử yêu thích của trẻ hay có thể liệt kê đội hình xuất phát của đội thể thao mà chúng yêu thích.

Nếu trẻ bị đánh giá, so sánh, phán xét với bạn bè cùng trang lứa hoặc với bố mẹ của chúng ngày trước, trẻ sẽ tạo ra khoảng cách và ngày càng không muốn gần gũi với ông bà mình. Ngược lại, khi ông bà thể hiện sự tò mò, lắng nghe và tham gia vào các hoạt động đơn giản cùng trẻ, chúng sẽ hào hứng và thích ở bên ông bà nhiều hơn.

Tìm những hoạt động ông bà có thể làm cùng con cháu

Nhà tâm lý học thần kinh Aldrich Chan của Miami, Mỹ cho biết tham gia vào các hoạt động và trải nghiệm được chia sẻ với các cháu của bạn là một cách hữu hiệu giúp củng cố mối quan hệ.

Cho dù là chơi trò chơi, đi dạo hay theo đuổi những sở thích chung, những khoảnh khắc được chia sẻ này sẽ tạo ra những kỷ niệm lâu dài và mang đến cơ hội học tập, tiếng cười và sự kết nối. Ông bà, con cháu quý trọng thời gian bên nhau và nuôi dưỡng tình cảm gắn kết, hạnh phúc trong gia đình.

Ngoài ra, làm những việc mà cháu bạn thích cho thấy rằng bạn không chỉ sẵn sàng bước vào thế giới của chúng mà còn muốn tìm hiểu thêm về nó.

Tham gia vào các hoạt động và trải nghiệm được chia sẻ với các cháu của bạn là một cách hữu hiệu giúp củng cố mối quan hệ. Ảnh minh họa: simplyfamilymagazine

Tham gia vào các hoạt động và trải nghiệm được chia sẻ với các cháu của bạn là một cách hữu hiệu giúp củng cố mối quan hệ. Ảnh minh họa: simplyfamilymagazine

Chia sẻ những câu chuyện và truyền thống gia đình

Đây cũng là một trong những cách giúp cải thiện mối quan hệ của ông bà với các cháu.

Với tư cách là ông bà, bạn là "mối liên kết sống động" từ hiện tại đến quá khứ của một gia đình. Bạn có thể mang lại cho thế hệ tương lai cảm giác thân thuộc và bản sắc của truyền thống và các giá trị văn hóa từ thời cha ông mình ngày trước.

Việc chia sẻ những câu chuyện gia đình của chính bạn hoặc của những người đi trước mà bạn đã được truyền lại với con cháu có thể truyền cho chúng cảm giác tự hào, hiểu về xuất thân của chúng và giúp các cháu của bạn hiểu rằng chúng cần giữ gìn truyền thống gia đình, dòng họ; phong tục tập quán hay bản sắc văn hóa của quê hương, dân tộc mình như thế nào.

Những câu chuyện, kỷ niệm cũ không chỉ là hồi ức đẹp, đáng trân trọng mà còn mang lại cảm giác thân thuộc cho chính bạn. Những lễ nghi truyền thống, dù lớn hay nhỏ, đều trở thành một phần quan trọng và an ủi trong cuộc sống của trẻ, tạo ra những mối liên kết lâu dài và những trải nghiệm được chia sẻ có thể được truyền qua các thế hệ sau nữa.

Kỷ niệm những dấu mốc quan trọng và thành tích của trẻ

Điều quan trọng là ông bà, bố mẹ cần ghi nhận và ăn mừng chiến thắng của con cháu mình, dù chúng đã lớn hay còn nhỏ. Điều đó thể hiện bạn tự hào và ủng hộ chúng như thế nào.

Có thể là khen ngợi thành tích học tập, thể thao, tài năng nghệ thuật hay sự phát triển cá nhân. Sự trân trọng và tôn vinh những khoảnh khắc này có thể nâng cao lòng tự trọng của trẻ và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho các thành viên trong gia đình.

Bạn cũng có thể làm điều này bằng cách tham dự các buổi biểu diễn, trò chơi và các sự kiện khác của con cháu để thể hiện sự ủng hộ của mình bất cứ khi nào có thể.

Nuôi dưỡng mối quan hệ với con của bạn

Nếu ông bà muốn có mối quan hệ tốt hơn với các cháu của mình, đừng quên tiếp tục phát huy mối quan hệ mà bạn có với chính con mình (tức là cha mẹ của chúng).

Khi ông bà và cha mẹ hòa hợp với nhau, những buổi họp mặt gia đình có thể diễn ra thường xuyên hơn, mang lại nhiều cơ hội gắn kết hơn cho ông bà và cháu chắt. Xây dựng mối quan hệ với chính các con của bạn cũng xây dựng mối quan hệ đa thế hệ bền chặt hơn, giúp các gia đình vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống như ốm đau, kinh tế suy giảm hay khoảng cách về địa lý… Từ đó những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình chung sống cũng dễ dàng được giải quyết hơn.

Minh Châu

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cach-cai-thien-moi-quan-he-cua-ong-ba-voi-con-chau-17923102715202496.htm