Cách chăm sóc da hiệu quả cho người bị vảy nến
Nếu biết cách chăm sóc da khi bị vảy nến sẽ giúp cải thiện tình trạng các lớp vảy sần sùi, bong tróc trên da, khiến người bệnh bớt tự ti, mặc cảm.
Vẩy nến là một trong những bệnh da liễu phổ biến và khó điều trị. Để kiểm soát và đẩy lùi vẩy nến, ngoài việc sử dụng các loại thuốc điều trị, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc da hợp lý.
Cách chăm sóc da hiệu quả cho người bị vảy nến
Để ngăn bệnh tái phát và giảm triệu chứng bệnh, người bị bệnh vảy nến cần lưu ý những điều dưới đây:
Chăm sóc da từ bên ngoài
Da bị vảy nến cần được giữ vệ sinh sạch sẽ và dưỡng ẩm thường xuyên. Vì vậy, người bệnh cần tập cho mình thói quen chăm sóc da như:
Rửa sạch và dưỡng ẩm da một lần mỗi ngày để tránh khiến da bị khô.
Dùng khăn mềm hoặc tay để thoa sản phẩm vệ sinh lên da; không dùng khăn khô chà mạnh khiến triệu chứng bệnh nặng thêm.
Đối với người bị vảy nến trên mặt, không dùng Toner (nước cân bằng da) quá mạnh vì chúng khiến tổn thương trên da nặng hơn.
Dùng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để dưỡng da khi thời tiết lạnh và khô.
Dùng dầu gội đầu dịu nhẹ chứa axit salicylic đối với người bị vảy nến trên da đầu.
Chăm sóc da từ bên trong
Không những phải giữ vệ sinh da ở bên ngoài, người bị bệnh vảy nến còn phải biết cách chăm sóc da từ bên trong.
Chế độ ăn của người bị bệnh vảy nến nên tăng cường thực phẩm có tính kháng viêm và cải thiện kết cấu da như cá hồi và hạt óc chó (giàu axit béo omega-3). Ngoài ra, bệnh nhân vảy nến có nguy cơ mắc bệnh tim mạch khá cao nên việc bổ sung những thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh cũng phải duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường tập thể dục và hạn chế các tác nhân gây stress (stress kéo dài cũng là một yếu tố làm khởi phát và khiến bệnh trầm trọng hơn). Không những vậy, người bị bệnh vảy nến cũng không được uống rượu bia vì nghiên cứu cho thấy đồ uống chứa cồn có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị vảy nến và gây tác dụng phụ khi kết hợp với thuốc chữa bệnh.