Cách chế biến rau càng cua tốt cho sức khỏe
Dưới đây là cách chế biến rau càng cua tốt cho sức khỏe các bà nội trợ hãy áp dụng ngay nhé.
Rau càng cua từ lâu được biết đến là loại rau tốt cho sức khỏe. Rau càng cua (Shiny bush, tên khoa học là Peperomia pellucida) là loại rau dại thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Vòng đời của rau ngắn (chỉ khoảng 1 năm), thường phân bố rộng rãi ở những khu vực có điều kiện khí hậu nóng ẩm.
Trong rau càng cua chứa nhiều vitamin A, C và các dưỡng chất có lợi khác.
Tác dụng của rau càng cua
Chữa đau nhức xương khớp
Rau càng cua vị đắng, tính bình, được sử dụng rộng rãi trong các bài trị đau nhức, viêm khớp. Lý do là trong rau càng cua có chất prostaglandin. Chất có tác dụng kháng viêm và làm giảm triệu chứng đau nhức ở những người gặp vấn đề về xương khớp.
Cách sử dụng: Để đạt được hiệu quả kháng viêm cao nhất, bạn nên xay nhuyễn rau càng cua, lọc lấy nước, uống nước rau càng cua vào thời điểm mới ngủ dậy hoặc trước khi đi ngủ.
Bảo vệ dạ dày và đường tiêu hóa
Ở nhiều nước châu Á, nước sắc từ rau càng cua được dùng để chữa các vết loét dạ dày. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra tác dụng tích cực của chiết xuất rau càng cua trong việc chữa lành các tổn thương niêm mạc dạ dày.
Bên cạnh đó, rau càng cua còn được sử dụng để điều trị các bệnh về đường ruột và các bệnh về đường tiêu hóa.
Ngăn ngừa ung thư
Hàm lượng Peperomin E cao trong rau càng cua có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa trong chiết xuất rau càng cua cũng giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại các mầm bệnh, vi khuẩn từ bên ngoài.
Bổ sung rau càng cua vào bữa ăn hàng ngày cũng là cách hữu hiệu để ức chế tác hại xấu của các gốc tự do DPPH trong cơ thể.
Chữa lành vết thương và các bệnh ngoài da
Chiếu xuất từ rau càng cua có tác dụng giúp vết thương hở mau lành. Tính năng diệt khuẩn, kháng viêm, chống nấm trong rau càng cua cũng giúp ngăn chặn hiện tượng sưng tấy, viêm nhiễm, giúp người bệnh mau bình phục. Các tinh chất trong rau càng cua không chỉ tác dụng với vết thương hở mà còn có thể chữa ghẻ lở, rắn cắn và các bệnh ngoài da khác.
Cách chế biến rau càng cua tốt cho sức khỏe
Có thể nói với ẩm thực Việt, danh sách các loại rau thơm ăn kèm vô cùng đa dạng và rau càng cua chính là một trong số đó. Đặc biệt, rau càng cua không chỉ được dùng làm nguyên liệu của nhiều món ngon, mà tác dụng của rau càng cua còn hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý.
Rau càng cua trộn thịt bò
- Rau càng cua rửa sạch, vẩy thật ráo nước và xếp ra dĩa.
- Cho dầu và tỏi băm vào chảo, phi thơm rồi cho thịt bò thái mỏng vào xào. Bạn nên xào thịt bò với lửa to, đến khi thịt vừa chín tới thì trút ra dĩa.
- Cho đường, chanh vào một cái chén rồi khuấy đều cho đường tan. Tiếp tục cho hành tím và ớt đã băm nhỏ vào hỗn hợp chanh, đường. Thêm khoảng 3 thìa dầu ô liu vào hỗn hợp trên là có nước sốt trộn.
- Bỏ thịt bò đã xào lên trên dĩa rau, rưới hỗn hợp nước sốt và rắc thêm một chút tiêu vào cho thơm. Sau đó, trộn hỗn hợp này lại bạn sẽ có được món gỏi rau càng cua trộn thịt bò thơm ngon, chua chua ngọt ngọt cùng độ giòn của rau càng cua sẽ đem đến cho bạn một món ăn ngon miệng.
Canh rau càng cua nấu với thịt bằm
- Sơ chế thịt lợn: Rửa thịt với muối để khử mùi tanh, xả lại nước lạnh thật sạch rồi để ráo, sau đó bạn băm nhuyễn thịt. Ướp thịt 10 phút cho ngấm gia vị. Cho thịt băm cùng 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê tiêu, ½ muỗng cà phê bột ngọt vào tô, trộn đều lên đậy kín nắp ướp khoảng 10 phút để thịt ngấm gia vị.
- Nhặt sạch rau càng cua, ngâm qua nước muối loãng 5 phút xong xả lại nước lạnh thật sạch, cho vào rổ để ráo. Băm nhuyễn tỏi, hành tím, thái nhỏ hành lá.
Bắc nồi lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào, đợi dầu sôi cho hành tím, tỏi đã băm nhuyễn phi thơm vàng thì cho thịt băm xào lên. Khi thịt vừa săn lại, cho lượng nước đủ dùng, nấu nước sôi rồi cho rau càng cua vào, nêm nếm 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê bột ngọt. Nấu đến khi canh sôi lên lần nữa thì cho hành lá vào rồi tắt bếp ngay vì rau càng cua rất mau chín.
Gỏi rau càng cua trộn tôm
- Cà chua bi rửa sạch, cắt đôi. Hành tây cắt sợi và ướp với 1 muỗng đường.
- Tôm bóc vỏ, ướp với nửa muỗng đường, nửa muỗng hạt nêm, chút hạt tiêu và 1 muỗng tỏi băm.
- Rau càng cua nhặt lấy phần non và rửa sạch.
- Phi thơm tỏi băm, xào sơ tôm. Tôm chín, cho ra đĩa và để nguội trước khi trộn rau.
- Nước trộn gỏi gồm có 1/3 chén nước đầu tôm, 3 muỗng giấm, 2 muỗng đường, 1/3 muỗng tiêu, 1/3 muỗng muối. Khuấy đều gia vị rồi cho rau càng cua vào đĩa sâu lòng, cho hành tây, tôm, cà chua bi và hành phi vào. Thêm 1 muỗng tương ớt vào nước trộn gỏi, rưới nước trộn gỏi lên các nguyên liệu và trộn đều.
Lưu ý: Nên ướp gia vị vào tôm và xốc đều trên chảo giúp tôm thấm gia vị, thơm ngon hơn. Để nước trộn gỏi và tôm nguội rồi mới trộn rau để giữ lại độ giòn của rau càng cua.
Cách làm rau càng cua trộn trứng
- Rau càng cua rửa sạch, ngâm với muối pha loãng khoảng 15 phút, vớt ra để ráo. Trứng gà luộc chín, bóc vỏ và cắt thành từng khoanh. Hành tây bóc bỏ vỏ, thái mỏng theo chiều dọc của củ. Tỏi và ớt băm nhỏ.
- Trộn đều các nguyên liệu làm nước trộn, gồm 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 2 thìa dầu ô liu, 4 thìa nước cốt chanh, vài tép tỏi và 1 quả ớt.
- Trộn rau càng cua, hành tây với nước sốt trộn, sau đó bày ra dĩa và thêm trứng lên trên.
- Khi ăn, bạn hãy gắp một miếng trứng và một đũa rau ăn kèm, có thể chấm thêm một ít nước tương và ớt xắt khoanh.
Trên đây là cách chế biến rau càng cua tốt cho sức khỏe.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cach-che-bien-rau-cang-cua-tot-cho-suc-khoe-ar749607.html