Cách chọn và sử dụng đũa an toàn

Đũa được sử dụng trực tiếp trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình nên nếu đũa không an toàn, vô tình trở thành tác nhân gây bệnh. Chuyên gia khuyến cáo, để bữa ăn được ngon miệng và bảo đảm an toàn thực phẩm, mỗi gia đình nên chọn và bảo quản đũa đúng cách.

Đũa bị nấm mốc có thể gây ngộ độc

Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, đũa ăn là dụng cụ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, nếu không chọn đúng loại đũa và cách sử dụng không đúng có thể gây nguy hại đối với sức khỏe. Việc chọn mua đũa ăn cần đề cao đến vấn đề về sức khỏe và an toàn thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, đũa tre được sử dụng lâu đời nhất. Hiện nay có nhiều loại đũa tre, trong đó có loại được làm từ tre non, sử dụng một lần, đây là loại không tốt cho sức khỏe.

Để đũa trắng, không bị mốc khi sản xuất, đũa thường được ngâm trong hóa chất, sau đó sấy khô. Vì thế, dù dùng một lần vẫn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Chọn mua đũa đề cao đến vấn đề sức khỏe, an toàn thực phẩm.

Chọn mua đũa đề cao đến vấn đề sức khỏe, an toàn thực phẩm.

Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu dùng đũa tre, các gia đình nên chọn loại được làm từ tre già, sau khi mua về sẽ luộc trong nước sôi ít nhất 30 phút để diệt khuẩn, loại bỏ hóa chất bảo quản nếu có. Còn với đũa gỗ thường được sử dụng nhưng loại này được sơn hoặc nhuộm màu ở bên ngoài trông sạch sẽ, bắt mắt hơn. Với loại đũa được sơn ngoài bề mặt sẽ không an toàn cho sức khỏe bằng đũa gỗ thô.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng, yếu điểm dễ nhận thấy nhất của hai loại đũa này là dễ bị nấm mốc, vi khuẩn tấn công. Bởi hai loại đũa này thấm hút nước rất tốt, đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn trú ngụ, gây mốc và gây hại với sức khỏe.

“Thực tế, nhiều loại mốc có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nhiều loại không thể quan sát được, do đó, nếu ăn phải dễ gây ngộ độc. Hầu hết khi rửa đũa, chúng ta thường rửa phần thân đũa, mà không rửa kỹ đầu ngọn đũa. Đây là nơi thức ăn dư thừa lưu lại nhiều, nếu để lâu trong môi trường ẩm, không khô thoáng sẽ gây ra nấm mốc, nguy hiểm cho sức khỏe” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.

Thay đũa định kỳ 6 tháng/lần

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, sử dụng đũa bị nấm mốc để ăn cơm đồng nghĩa việc người dân nạp nguồn gây ung thư vào cơ thể.

Ngô, lạc, quả hạnh, hạt có dầu, quả khô, gạo, đậu, gia vị bị mốc có thể nhiễm độc tố Afflatoxin, gây ung thư gan. Ngô, gạo bị mốc có thể nhiễm độc tố Fumonisin của nấm mốc có thể gây ung thư gan, ung thư thực quản. Còn đồ dùng nhà bếp như đũa gỗ nhiễm nấm, mốc vẫn được đem ra sử dụng thì nguy cơ ung thư gan là điều khó tránh.

Người dân tốt nhất nên thay đũa định kỳ 6 tháng/lần.

Người dân tốt nhất nên thay đũa định kỳ 6 tháng/lần.

Theo các chuyên gia y tế, loại đũa nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Để an toàn khi sử dụng đũa điều quan trọng nhất là khâu vệ sinh phải thật sự bảo đảm.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên sử dụng đũa nhựa. Với các loại đũa khác khi sử dụng cần đặc biệt chú ý khâu vệ sinh và nên thay đũa định kỳ. Với đũa inox nên thay khi thấy dấu hiệu bong tróc, biến dạng lớp mạ ở đầu đũa. Với đũa tre và gỗ, khi tiếp xúc với nước rất nhanh bị hỏng nên không nên dùng quá lâu.

Người dân tốt nhất nên thay đũa định kỳ 6 tháng/lần hoặc thay ngay khi có dấu hiệu hư hỏng. Ngoài ra, khi rửa, người dân cần chú ý rửa sạch phần ngọn đũa, rửa bằng nước rửa chuyên dụng để loại bỏ chất bẩn được tốt hơn. Sau khi ăn xong, người dân cần rửa đũa ngay, nên rửa bằng nước nóng, tuyệt đối không ngâm đũa bẩn lâu trong nước sẽ khiến đũa nhanh hỏng vì nước ngấm, hút sâu vào bên trong.

Gia đình có điều kiện có thể sử dụng máy sấy đũa sau khi rửa, bởi dù rửa sạch nhưng môi trường ẩm ướt vi khuẩn cũng rất dễ phát triển. Trường hợp không có máy sấy, các gia đình cần phơi đũa dưới ánh nắng mặt trời, hoặc dùng máy sấy tóc sấy khô rồi bảo quản kỹ lưỡng; kiểm tra giỏ để đũa vì đáy giỏ thường chứa nhiều cặn bẩn, là nơi trú ngụ có nhiều loại vi khuẩn gây hại với sức khỏe.

Với đũa inox và đũa nhựa, ưu điểm là vệ sinh dễ dàng, ít có hiện tượng nấm mốc khi bảo quản, nhưng nó lại có những hạn chế tác động xấu đến sức khỏe. Đũa nhựa khi sử dụng với đồ nóng sẽ dễ bị biến chất, thậm chí là biến dạng ở nhiệt độ cao. Khi đó, các vi nhựa sẽ bám vào thực phẩm, trực tiếp đưa vào cơ thể. Đũa inox nhìn bề ngoài khá sạch sẽ, nhưng quá trình sử dụng khi tiếp xúc với nhiệt, với đồ ăn chua chứa axít cũng khiến các kim loại nặng thôi ra và đi vào cơ thể gây hại cho gan, thận. Mặt khác, yếu điểm của loại đũa này là dễ tản nhiệt, có thể gây bỏng khi ăn đồ nóng như ăn lẩu. Ngoài ra, loại đũa này thường khó sử dụng vì dễ trơn trượt, dù đã được tạo độ ma sát ở phần đầu.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cach-chon-va-su-dung-dua-an-toan.html