'Cách chống dịch lần này giúp giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế'
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nói rằng dịch Covid-19 và giải pháp kiểm soát dịch lần này tác động đến kinh tế khác đợt đầu năm.
Chống dịch nhưng không làm gãy đổ nền kinh tế là chủ đề cuộc trao đổi của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương với Zing. Ông Phương nói rằng làn sóng dịch Covid-19 thứ hai sẽ gây tác động đến nền kinh tế, nhưng khác so với làn sóng thứ nhất hồi đầu năm. Cách chống dịch hiện tại đã khác, từ đó tác động đến kinh tế cũng thay đổi.
Công tác dự báo gặp nhiều khó khăn
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, công tác dự báo kinh tế chưa bao giờ khó như hiện tại, bởi có nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến dịch Covid-19.
Ông cho biết khi làm dự báo, Bộ KHĐT đã từng căn cứ vào các kế hoạch dự kiến mở cửa của một số nền kinh tế. Tuy nhiên, qua diễn biến của dịch bệnh vừa qua, một số quốc gia đã điều chỉnh lịch trình dự kiến mở cửa, có nơi mở ra được một thời gian ngắn đã phải đóng lại do dịch tái bùng phát quá mạnh.
“Những yếu tố biến đổi liên tục khiến công tác dự báo rất khó khăn”, ông nói.
Không chỉ riêng Việt Nam, kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế cũng phải điều chỉnh do dịch Covid-19, bởi các biến số, giả định liên tục thay đổi. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.
Nói về tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tới kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết sẽ tùy thuộc vào quy mô, phạm vi và thời điểm khống chế được dịch. Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ KHĐT đã từng cảnh báo nếu bị một đợt sóng lần thứ hai, giống như đợt một thì tác động đến nền kinh tế là rất ghê gớm.
“Nó làm cho các chỉ số, kết quả bị tác động rất nhiều”, ông nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết ngay sau khi dịch bùng phát lần 2 tại Đà Nẵng đã ảnh hưởng tức thì đến ngành du lịch và vận tải hành khách. Không chỉ Đà Nẵng, nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng hủy tour diễn ra phổ biến. Các công ty lữ hành, vận chuyển, hàng không đều gặp khó khăn.
Trong khi đó, báo cáo của của Bộ KHĐT đưa ra mới đây cho thấy ngành lữ hành và vận chuyển có sự phục hồi mạnh trong tháng 7 so với tháng 6. Tuy nhiên, thời gian phục hồi chưa lâu thì lại chịu tác động bởi dịch Covid-19.
“Tùy thuộc vào diễn biến và kết quả kiểm soát dịch bệnh như thế nào, thì tác động mới ước lượng được. Bộ KHĐT đang thu thập số liệu, đưa ra dự báo để có kịch bản cụ thể”, ông chia sẻ.
Đảm bảo mục tiêu kép
Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng chỉ ra sự khác biệt giữa làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tới nền kinh tế so với làn sóng đầu năm.
Tại đợt đầu năm, Chính phủ đã áp dụng giãn cách xã hội, từ đó rất nhiều các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh đều bị tác động trong thời gian giãn cách. Hệ quả là tăng trưởng GDP quý II đạt thấp với mức trên 0,3%.
Tuy nhiên, tại đợt bùng phát dịch này, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo không để dịch lây lan rộng. Chính phủ quyết tâm dùng mọi nguồn lực để dập dịch bằng được, đạt được mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Cách làm là khi phát hiện ổ dịch sẽ khoanh vùng cục bộ, tìm mọi cách để dập dịch khu vực đó. Quan điểm này của Chính phủ đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8.
Nghĩa là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại, kiểm soát phòng, chống dịch. Chính phủ làm cách này để các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra bình thường, đảm bảo mục tiêu kép mà Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng cách làm này dự kiến làm giảm đáng kể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ngoại trừ những khu vực có dịch, các khu vực khác vẫn phát triển kinh tế bình thường. Một số địa phương cấm các dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, karaoke, massage… nhưng về cơ bản các hoạt động sản xuất kinh doanh khác vẫn diễn ra.
“Cách làm này sẽ giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế”, ông nhận định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng cho rằng cách làm khoanh vùng hiện tại thì đòi hỏi chi phí về y tế sẽ lớn hơn, nhất là các địa phương có dịch áp dụng biện pháp xét nghiệm mở rộng, chi phí xét nghiệm tăng. Các yêu cầu tổng lực khác về nhân lực, vật lực, chuyên môn, năng lực của ngành y tế cũng ở mức cao hơn, tập trung hơn lần trước.
Ông nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ là đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể trong năm nay, song song với đó kiểm soát và khống chế được dịch bệnh.
"Thiệt hại, khó khăn là không tránh khỏi nhưng với nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống, toàn xã hội, các cấp, các ngành và với phương pháp, cách tiếp cận phù hợp, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một chiến thắng kép", ông nói.