Cách dạy sai lầm của người bố giáo viên khiến con sợ hơn là yêu, nhưng 1 câu nói của mẹ đã khiến anh ngộ ra chân lý giản đơn mà hiệu quả
Anh biết về các phương pháp nuôi dạy con cái, nhưng không thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào trong số đó.
Một ông bố tên Vũ Ngôn ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện của gia đình nhận nhiều sự chú ý.
Anh cho biết, mình năm nay 34, con trai đang học tiểu học. Anh đã từng "lạc lối" trong việc nuôi dạy con vì một sai lầm.
Anh kể: Là giáo viên, lại còn nhận dạy kèm, ngày nào anh cũng làm việc ở trung tâm từ sáng đến chiều muộn. Nếu có lớp buổi tối, anh thường tan sở vào khoảng 8 giờ.
Trung tâm cho nghỉ vào thứ Hai và thứ Ba, nhưng việc dạy kèm thì diễn ra hầu như cả tuần.
Cảm giác áy náy vì không có thời gian dành cho con khiến mỗi khi rảnh, anh đều tranh thủ bù đắp, nhưng hiệu quả không như ý muốn.
Quá mệt mỏi làm ông bố này dễ cáu bẳn, không tập trung mỗi khi ở cạnh con. Mọi việc con làm sai dù nhỏ nhặt cũng rất dễ bị phóng đại. Con cái xa cách, sợ hơn là yêu bố.

Người bố nhận thấy bản thân đang ở trong một tình trạng rất tồi tệ. Anh biết về các phương pháp nuôi dạy con cái, nhưng không thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào trong số đó. Ảnh minh họa
"Nuôi dạy con cái cũng giống như giảm cân. Tại sao bạn quyết tâm giảm cân nhưng lại không thể từ bỏ việc ăn khuya? Bởi vì ban ngày ý chí của bạn đã cạn kiệt, buổi tối khi về đến nhà, không có nghị lực, bạn sẽ không thể kiểm soát được bản thân.
Nuôi dạy con cái cũng vậy. Để chơi đùa và nói chuyện tử tế với con, dọn dẹp mọi thứ chúng bày ra cũng cần rất nhiều năng lượng. Sau một ngày làm việc bị bào mòn sức lực, bạn kiệt sức và trở về nhà với lũ trẻ, rất khó để kiểm soát cảm xúc tiêu cực của mình", anh nói.
Người bố nhận thấy bản thân đang ở trong một tình trạng rất tồi tệ. Anh biết về các phương pháp nuôi dạy con cái, nhưng không thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào trong số đó. Đương nhiên, tình trạng của con anh không tốt, nhìn thì có vẻ vui vẻ nhưng thực chất lại rất căng thẳng.
Cho đến 2 tháng sau, mẹ anh nói: "Con nên ra ngoài chơi với bạn bè vài ngày. Con phải tận hưởng từng miếng ăn một, và con phải cảm nhận từng bước đi trên đường. Sau đó, con hãy nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề của con. Người làm cha mẹ có thể mệt mỏi, nhưng phải biết tự chăm sóc chính bản thân mình, mình có ổn thì tương tác với các thành viên còn lại mới ổn".
Chính "khoảng đệm" của 3 ngày này đã khiến ông bố "sống" trở lại. Sau khi về nhà, anh đã thực hiện 4 điều chỉnh:
Cho mình nghỉ ngơi. Ngoài việc bớt việc ở trung tâm, mỗi tháng anh quyết định cho mình ít nhất hai ngày nghỉ, thu xếp ổn thỏa công việc và con cái, thảnh thơi, muốn làm gì thì làm. Khi nạp lại năng lượng, tâm trạng tốt thì mới chăm sóc con cái tốt hơn.
Dành nhiều thời gian cho con hơn. Anh đưa con đi mua giày trượt patin và cùng học trượt; sau đó mua mỗi người một chiếc kèn harmonica. Anh đón con sau giờ học, cùng trượt ván về nhà. Họ cũng dành nhiều ngày để câu cá, dã ngoại.
Là một người cha "lười biếng". Để con tự làm những việc của mình càng nhiều càng tốt. Cha mẹ càng "lười", đứa trẻ càng có năng lực. Nếu con chăm chỉ, cha mẹ có thể nghỉ ngơi nhiều hơn.
Yêu cầu thấp hơn. Đừng chỉ vì con chậm chạp hay làm không hoàn hảo mà căng thẳng. Trẻ em sẽ có thể lặp lại một vài lần một việc, và càng làm nhiều, chúng sẽ càng giỏi hơn. Việc của cha mẹ là bớt kỳ vọng.
Dành cho con bao nhiêu thời gian là đủ?
Theo kết quả từ một nghiên cứu mới, khi nói đến thời gian dành cho con cái, vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng.
Thống kê từ Our World In Data cho thấy, trung bình các bà mẹ Mỹ có trình độ đại học dành 120 phút mỗi ngày cho con cái trong khi các ông bố dành 85 phút.
Tại Đan Mạch, quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, con số này lần lượt là 150 phút và 115 phút.

Nếu cha mẹ dành thời gian với con khi bản thân đang căng thẳng, thiếu ngủ hoặc lo lắng thì thời gian đó với chúng sẽ có hại. Ảnh minh họa
Nhiều cha mẹ có quan điểm ở bên con càng nhiều càng tốt vì "chúng sẽ không ở độ tuổi đó lâu nữa".
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hôn nhân và Gia đình năm 2015 cho thấy lượng thời gian cha mẹ dành cho trẻ em trong độ tuổi 3-11 không ảnh hưởng đến việc chúng sẽ trưởng thành ra sao.
Nghiên cứu khác năm 2020 của Kei Nomaguchi, nhà xã hội học tại Đại học bang Bowling Green cho thấy, nếu cha mẹ dành thời gian với con khi bản thân đang căng thẳng, thiếu ngủ hoặc lo lắng thì thời gian đó với chúng sẽ có hại.
Vậy chính xác thì thế nào được coi là "thời gian chất lượng" với trẻ?
Tùy theo độ tuổi, điều đó có thể bao gồm những việc như đọc sách cho trẻ nghe, ăn cùng nhau, nói chuyện với trẻ và tương tác trực tiếp.
Tất cả những điều này có tác động tích cực đối với trẻ, thay vì ở bên chúng cả ngày nhưng luôn trong trạng thái tinh thần không tốt.
Melissa Milkie, nhà xã hội học tại Đại học Toronto, cho biết nghiên cứu này sẽ làm giảm bớt cảm giác tội lỗi của các bậc cha mẹ về lượng thời gian họ dành ra cho con.
Điều quan trọng không phải là lượng thời gian bạn dành cho con cái mà chất lượng của sự kết nối bạn có với chúng khi ở bên nhau mới là điều quan trọng.
Lượng thời gian dành cho trẻ em không ảnh hưởng gì đến các khía cạnh sức khỏe tâm lý này.