Cách để có bụng phẳng trong 1 tuần

Cách để cho bụng phẳng trong 1 tuần không nhất thiết phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ… đôi khi chỉ cần những thay đổi nhỏ kiểm soát được, làm tăng cường trao đổi chất, giúp bụng phẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

1. Thực hiện bài tập gập bụng (Crunch) giúp tăng cường cơ lõi giúp bụng phẳng

Crunch là một bài tập bụng cổ điển, nhắm vào cơ bụng thẳng, cơ chịu trách nhiệm cho vẻ ngoài "sáu múi" mà nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, không chỉ là thẩm mỹ, cơ lõi khỏe còn giúp cải thiện tư thế, giảm nguy cơ đau lưng dưới, bạn có thể tham gia các hoạt động thể chất khác dễ dàng hơn.

Cách tập gập bụng:

Nằm ngửa: Đặt bàn chân phẳng trên mặt sàn, đầu gối cong. Khoanh tay trước ngực hoặc đặt tay ra sau đầu.
Tập trung vào cơ thể: Siết chặt cơ bụng, thở ra đồng thời từ từ nhấc vai lên khỏi sàn (ấn lưng dưới xuống sàn), tập trung vào việc sử dụng các cơ cốt lõi để nâng phần thân trên lên.
Hít vào, từ từ hạ thân trên xuống, duy trì sự căng thẳng ở cơ bụng trong suốt động tác.

Bài tập gập bụng (Crunch) giúp tăng cường cơ lõi giúp bụng phẳng.

Bài tập gập bụng (Crunch) giúp tăng cường cơ lõi giúp bụng phẳng.

Các động tác gập bụng cơ bản này kích hoạt đáng kể cơ bụng thẳng, khiến chúng trở thành một trong những bài tập hiệu quả nhất để tăng cường sức mạnh cốt lõi, giúp bụng phẳng, eo thon. Hãy đặt mục tiêu thực hiện 3 hiệp, mỗi hiệp 15 - 20 lần lặp lại, để bắt đầu thấy kết quả.

2. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ là một chất dinh dưỡng rất quan trọng trong việc giúp bụng phẳng. Chất xơ giúp no lâu, giảm lượng calo nạp vào và thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đặc biệt, chất xơ hòa tan tạo thành một chất giống như gel trong ruột, làm chậm quá trình tiêu hóa, giảm cảm giác thèm ăn.

Thực phẩm giàu chất xơ:

Trái cây: Táo, lê và quả mọng...
Rau: Bông cải xanh, cà rốt...
Các loại đậu: Đậu, đậu lăng và đậu xanh...
Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, quinoa, hạt kê…

3. Giảm chứng đầy hơi bằng thực phẩm giàu kali

Đầy hơi có thể khiến bụng phồng to hơn thực tế. Kali giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể, giảm tình trạng giữ nước và đầy hơi. Thực phẩm giàu kali là đồng minh của bạn trong cuộc chiến chống lại tình trạng đầy hơi, trướng bụng.

Một số thực phẩm giàu kali:

Chuối: Giàu kali và chất dinh dưỡng.
Khoai lang: Chứa nhiều kali và chất xơ.
Rau bina: Một loại lá xanh giàu dinh dưỡng và kali.
Bơ: Có nhiều kali và chất béo lành mạnh.

4. Uống trà xanh để chống oxy hóa

Trà xanh là loại đồ uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chất chống oxy catechin có trong trà xanh, làm tăng cường trao đổi chất và đốt cháy chất béo, đặc biệt là khi tập thể dục.

Mục tiêu là uống 2-3 tách trà xanh mỗi ngày. Hãy dùng trà mới pha thay vì các loại trà đóng chai để tối đa hóa lợi ích sức khỏe.

Nếu bạn nhạy cảm với caffeine, hãy cân nhắc uống trà sớm hơn trong ngày để tránh mất ngủ vào ban đêm.

5. Bổ sung gừng

Gừng là một loại thảo mộc giúp hỗ trợ tiêu hóa, có tác dụng thư giãn các cơ tiêu hóa, giảm viêm, giúp ngăn ngừa (hoặc giảm) đầy hơi và chướng bụng – tình trạng khiến bụng to hơn bình thường.

Cách sử dụng gừng:

Dạng trà: Pha vài lát gừng tươi vào trong nước nóng, rồi uống ấm.
Nấu ăn: Thêm gừng vào bữa ăn để tăng thêm hương vị và lợi ích cho sức khỏe…

Bích Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-de-co-bung-phang-trong-1-tuan-169240614142632844.htm