Cách để dạy con giao tiếp hiệu quả

Giao tiếp tốt sẽ mang tới cho trẻ nhiều lợi thế khi hòa nhập với môi trường mới. Muốn con trở thành một đứa trẻ dạn dĩ, nói năng trôi chảy, cha mẹ cần dạy con một cách bài bản.

 Cha mẹ thường xuyên nói chuyện với con sẽ giúp trẻ rèn phản xạ giao tiếp hiệu quả. Ảnh: M&C.

Cha mẹ thường xuyên nói chuyện với con sẽ giúp trẻ rèn phản xạ giao tiếp hiệu quả. Ảnh: M&C.

Giao tiếp tốt là một kỹ năng có thể trau dồi được. Có hai cách để bạn giúp con cái phát triển những kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Đầu tiên, trong những tương tác hàng ngày của bạn với trẻ và với người khác, hãy làm mẫu cho con thấy thế nào là giao tiếp tốt. Lắng nghe, hiện diện, đặt câu hỏi làm rõ nếu cần thiết, cởi mở với những quan điểm khác, giữ bình tĩnh và kiểm soát cơn nóng giận của bạn.

Thứ hai, tìm cơ hội để có những cuộc trò chuyện nho nhỏ với con cái về những kỹ năng giao tiếp mà bạn đang sử dụng. Ví dụ như: mọi người đang ở trong một cửa hiệu tạp hóa để chọn kem cho một bữa tiệc sinh nhật, và bạn đang rất vội vì bạn sợ là mình sẽ bị muộn. Trong lúc đứng chờ thanh toán, một khách hàng khác với một xe đẩy đầy hàng thô bạo cắt ngang bạn.

Một cuộc trò chuyện nho nhỏ có thể diễn ra thế này: “Con có nhớ cái lúc ở cửa hàng tạp hóa khi chúng ta đang vội đến sinh nhật của Lisa và có một người phụ nữ chen lên trước chúng ta không? Chà, mẹ khá là bực đấy và phản ứng đầu tiên của mẹ là rất tức giận với bà ta.

Nhưng con biết mẹ đã làm gì không? Mẹ đã hít một hơi thật sâu và rồi lại một hơi khác. Mẹ nhìn quanh và thấy tất cả các hàng đều đã đông người, nên có chuyển sang hàng khác cũng chẳng ích gì. Còn bà ấy thì đang có một đứa trẻ quấy khóc ngồi trên xe đẩy.

Mẹ đoán là bà ấy chỉ muốn đưa đứa trẻ về nhà thôi. Mẹ đã tự bảo với bản thân là chúng ta vẫn còn đủ thời gian. Những cái hít thở thật sâu ấy đã giúp mẹ bình tĩnh lại và nhận ra là mẹ có thể chọn không bực mình. Và, chúng ta vẫn đến bữa tiệc đúng lúc.”

Những cuộc trò chuyện như thế sẽ cho trẻ những bài học đáng quý về cách xử lý hiệu quả các tình huống trong cuộc sống thực. Và vì bạn đang nói đến cách bạn xử lý một chuyện nào đó, nên nó đỡ mang tính đe dọa hơn là khi bạn đang nói về một việc gì đó mà các con làm.

Tương tự, việc chia sẻ những ví dụ về cách bạn tập giữ bình tĩnh và nói chuyện hiệu quả với người cha/người mẹ ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới sẽ cung cấp một hình mẫu rõ ràng mà không chỉ trích, phán xét gì. Điều này sẽ khiến cho khoảng thời gian giáo dục con trẻ trở nên thoải mái hơn và con dễ tiếp thu hơn.

Khi con đang nói chuyện với bạn, hãy toàn tâm chú ý tới con. Đây là khoảng thời gian mà bạn phải gạt điện thoại và những thiết bị khác sang một bên. Những tương tác mặt đối mặt báo hiệu rằng bạn đang hiện diện hoàn toàn và chăm chú theo dõi những gì con đang nói. Nó khiến trẻ hiểu rằng những điều chúng muốn nói ra rất quan trọng với bạn.

Cha mẹ ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới thường có xu hướng chiếm sóng hầu hết thời gian trò chuyện của gia đình, bởi vậy điều tối quan trọng là con bạn có cơ hội lên tiếng và thực sự được lắng nghe, có cảm giác mình được trân trọng và nhu cầu của mình được đáp ứng. Chuyện này có thể mất thêm vài phút nữa nhưng nó lại đem tới sự hỗ trợ tuyệt vời cho lòng tự tôn lành mạnh của con bạn.

Margalis Fjelstad & Jean McBride/ Thái Hà Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-de-day-con-giao-tiep-hieu-qua-post1498751.html