Tăng cường các biện pháp phòng bệnh sau mưa lũ

Trong những ngày ngập lụt, rất nhiều chất thải đã trôi theo dòng nước, kéo theo đó là các vi sinh vật gây bệnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện các loại bệnh truyền nhiễm, ngoài da. Thêm vào đó là tình trạng nóng ẩm (nắng mưa đan xen) khi thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa càng khiến các loại vi khuẩn, vi-rút và vật trung gian truyền bệnh có môi trường thuận lợi để sinh sôi. Trước tình hình này, người dân cần hết sức chú ý đến việc phòng tránh bệnh tật nhằm bảo đảm sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khám da liễu cho bệnh nhân điều trị nội trú.

Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khám da liễu cho bệnh nhân điều trị nội trú.

Bác sĩ Lương Minh Tuấn, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện A Thái Nguyên, chia sẻ: Trong môi trường lũ lụt, khi tiếp xúc lâu với nước bẩn thì nấm sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể con người. Đối với những người không may bị xây xát ngoài da, gặp môi trường mất vệ sinh sẽ rất dễ gây tổn thương, nhiễm khuẩn. Một số bệnh về da thường gặp sau lũ lụt là nấm da (hay gặp ở bàn chân, bẹn, thân mình, bàn tay), thường có triệu chứng viêm đỏ, dày da hoặc xuất hiện mụn nước, bọng nước kèm ngứa nhiều; bệnh ghẻ (mụn nước riêng rẽ hay gặp ở kẽ ngón tay, ngón chân, nách, bẹn) gây ngứa nhiều về đêm, lây lan nhanh theo đường tiếp xúc; bệnh viêm da tiếp xúc với nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó thường gặp là các vết sần đỏ, có thể có mụn nước, sưng nề gây ngứa, rát, khó chịu. Nhóm bệnh về da do vi-rút (như thủy đậu, sốt phát ban...) cũng có thể bùng phát thành dịch. Với những người sẵn có bệnh về da có thể sẽ bị nặng lên sau khi tiếp xúc với nguồn nước không bảo đảm vệ sinh trong một thời gian.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn nêu trên, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có nhiều công văn gửi trung tâm y tế, phòng y tế các địa phương và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện về việc triển khai các biện pháp phòng chống những bệnh thường gặp sau mưa lũ. Gần đây nhất, ngày 17-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn về việc triển khai các biện pháp phòng chống các bệnh về da sau mùa mưa lũ.

Trong đó, Trung tâm đề nghị các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường và nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng chống các bệnh dịch về da. Khi phát hiện những triệu chứng, biểu hiện của bệnh về da, người dân cần sớm đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. Quan tâm dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, nguồn nước tù đọng lâu ngày; tránh tình trạng nước và mồ hôi ứ đọng trên da trong thời gian dài; tắm xà phòng hoặc sữa tắm để làm sạch da sau khi tiếp xúc với nguồn nước không bảo đảm…

Cùng với các bệnh về da, đau mắt đỏ cũng là loại bệnh dễ có khả năng bùng phát sau mưa lũ. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 1-2 ngày gần đây, tại một số địa phương bị ngập nặng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một vài trường hợp bị bệnh viêm kết mạc. Các trường hợp này sau khi đến khám tại cơ sở y tế ở địa phương đã được chỉ định dùng thuốc và thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh lây lan bệnh trên diện rộng.

Còn tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên những ngày này, số người đến khám, điều trị các bệnh về mắt vẫn ở mức ổn định (từ 150-180 người/ngày), trong đó chiếm tỷ lệ đáng kể là những người đến khám để mổ mắt. Bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân vào khám, điều trị vì bị đau mắt đỏ liên quan đến lũ lụt. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là sẽ không xuất hiện dịch bệnh về mắt sau mưa lũ, vì chỉ cần một vài trường hợp mắc mà không có biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả thì sẽ rất dễ lây lan ra cộng đồng.

Bác sĩ Đỗ Quang Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, khuyến cáo: Để phòng, chống dịch đau mắt, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân (thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…); vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Khi nghi ngờ hoặc đã bị đau mắt đỏ thì cần hạn chế tiếp xúc với người khác; đeo khẩu trang, đeo kính khi đến nơi công cộng…

Còn theo bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Khi xuất hiện bất cứ biểu hiện gì của các loại bệnh kể trên, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Không tự ý sử dụng thuốc theo lời giới thiệu, mách bảo của những người không có chuyên môn, hoặc những loại thuốc không rõ nguồn gốc cũng như theo đơn thuốc của người khác… để tránh những biến chứng có thể gặp phải do điều trị sai cách.

Có thể nói, nguy cơ xuất hiện một số loại dịch bệnh sau bão lũ là điều rất dễ xảy ra ở bất cứ địa phương nào. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt công tác dự báo để phòng chống kịp thời thì chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua dịch bệnh. Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thì rất cần ý thức tự giác của mỗi người trong việc tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân, gia đình, từ đó phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Việt Bắc

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202409/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-benh-sau-mua-lu-a3e1424/