Cách để hạn chế tai nạn đường sắt tại lối đi tự mở
Ít nhất 70% các vụ tai nạn giao thông đường sắt trên cả nước xảy ra tại lối đi tự mở, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong ngày 28 và 29/1, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn giao thông va chạm giữa tàu hỏa với xe ô tô.
Vụ tai nạn tại Km7 + 528 ngày 29/1 tại địa phận thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), chủ xe ô tô đã va chạm với tàu SE36 di chuyển từ hướng Thường Tín – Giáp Bát. Hậu quả, khiến đoạn barie chắn tàu giao cắt ngõ 148 Ngọc Hồi đã bị ô tô đâm gãy, ô tô bị biến dạng phần đầu. Đoàn tàu đã kịp dừng trước khi kéo lê ô tô một đoạn dài.
Ngày 28/1, vụ va chạm giữa tàu hỏa và xe đầu kéo rơ-moóc tại Km 203 +800 QL1A khiến đầu máy kéo tàu bị bẹp phần đầu, hỏng không thể tiếp tục chạy được phải xin cứu viện…
Dù không thiệt hại về người, nhưng sau 2 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp nói trên một lần nữa vấn đề nan giải được nêu lên: Bao giờ hết cảnh tai nạn đường sắt ở đường ngang tự mở?
Theo thống kê của ngành đường sắt, tai nạn giao thông liên quan xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 70 - 80%. Trong khi đó, mạng lưới đường sắt quốc gia hiện vẫn còn hơn 3.600 lối đi tự mở.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (Đề án 358). Cùng với việc đưa ra giải pháp, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5 - 10% hàng năm…
Tuy nhiên, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sau hơn 2 năm triển khai Đề án 358, tính đến cuối tháng 9/2022, mới xóa bỏ được 418 lối đi tự mở, con số còn lại tới 3.606.
Thực tế, trong số hơn 3.600 lối đi tự mở còn lại có rất nhiều đường ngang vào làng xã, khu dân cư với hàng nghìn hộ dân sinh sống, nếu xóa bỏ hẳn thì dân sẽ không có lối đi.
Ngay tại Hà Nội, năm 2011 để xóa lối đi tự mở tại Km11 + 850 vào làng Ngọc Hồi, đường sắt đã đầu tư làm 500m đường gom và hàng rào để nối lại đường ngang có gác chắn tại Km11 + 350.
Tuy nhiên, sau đó người dân đã phản đối không đồng ý vì đi như vậy phải đi vòng, xa hơn đường cũ; việc rào đường làm mất phong thủy của làng.
Dù ngành đường sắt và chính quyền địa phương nhiều lần rào đóng nhưng vẫn không được. Sau đó ngành đường sắt phải chấp nhận cho lối đi này tồn tại và nâng lên thành đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động.
Giải pháp nào để giảm tai nạn đường sắt?
Để giải quyết bài toán hạn chế tai nạn giao thông tại lối đi tự mở, giải pháp đưa ra cần cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa địa phương và ngành đường sắt. Việc này cần thực hiện cụ thể với từng lối đi, từng khu vực, từng địa phương.
Với khu vực đô thị, phải xây dựng đường gom hàng rào với đường sắt, đồng thời tổ chức lại giao thông lắp biển cảnh báo phương tiện, bố trí người gác chắn để cảnh giới mỗi khi tàu đi qua lối đi tự mở. Đặc biệt với lối đi tự mở hẹp phải lắp biển cảnh báo quy định xe tải trọng lớn không được đi qua đường ngang.
Với khu vực nông thôn, cần tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác. Chỉ “xóa” lối đi tự mở với những đường lẻ tẻ, vào một hoặc ít hộ gia đình. Với đường làng liên thôn, liên xã thì địa phương phải tổ chức chốt gác kết hợp cắm biển báo, thu hẹp đường để hạn chế phương tiện qua lại.
Ngoài ra phải thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua đã có không ít vụ tai nạn đường sắt do lỗi từ nhân viên gác chắn thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống khi tàu chạy qua. Do vậy cần phải tăng cường tập huấn, nâng cao nghiệp vụ an toàn cho nhân viên gác chắn; đồng thời phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương lơ là, để xảy ra tai nạn tại các đường ngang.
Ngoài các giải pháp đưa ra, thì ý thức của người tham gia giao thông cần được nhắc đến như một điều kiện đặc biệt quan trọng để giảm tai nạn giao thông đường sắt. Trước khi qua đường ngang giao cắt với đường sắt, người tham gia giao thông cần chú ý quan sát biển báo chỉ dẫn, chấp hành nghiêm hiệu lệnh giao thông để tránh xảy ra tai nạn không đáng có.