Cách đối phó với cơn bốc hỏa thời kỳ tiền mãn kinh

Bốc hỏa là một trong những rối loạn nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh mà đa số phụ nữ phải trải qua. Vậy cần làm gì để đối phó với triệu chứng này?

1. Biểu hiện của bốc hỏa thời kỳ tiền mãn kinh

TS.BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bốc hỏa là một trong những rối loạn nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh mà đa số phụ nữ phải trải qua. Phụ nữ bước sang giai đoạn tiền mãn kinh có thể phải chịu đựng từ 1 - 10 cơn bốc hỏa mỗi ngày.

Đây là hiện tượng xuất hiện cơn nóng bừng đột ngột từ phần ngực lên đến cổ, mặt rồi lan ra khắp cơ thể. Bốc hỏa có thể kèm theo các biểu hiện khác như tim đập nhanh, vã mồ hôi, mặt mũi nóng bừng, đỏ mặt, cảm giác ớn lạnh toàn thân, nóng bừng, bứt rứt, khó chịu…

Tình trạng này có thể kéo dài từ một đến hai năm, thậm chí 5 - 10 năm gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tâm trạng khó chịu, bực bội, cáu gắt bộc phát thường xuyên.

Ngoài ra, các cơn bốc hỏa tiền mãn kinh kéo đến thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, tim mạch, đôi khi còn là tác nhân gây bệnh trầm cảm.

Bốc hỏa là một trong những rối loạn nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Bốc hỏa là một trong những rối loạn nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.

2. Cách khắc phục bốc hỏa tiền mãn kinh không dùng thuốc

Để khắc phục hiện tượng bốc hỏa tiền mãn kinh, chị em phụ nữ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn uống khoa học, cân bằng các chất dinh dưỡng vừa giúp duy trì cân nặng, vừa hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp và các vấn đề về sức khỏe khác.

Các loại thực phẩm chứa phytoestrogen rất tốt cho phụ nữ tiền mãn kinh như hạt lanh, đậu nành, quả óc chó, cá hồi, súp lơ xanh, hạt dẻ cười, khoai lang…

- Uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể đào thải chất cặn bã, điều hòa thân nhiệt.

- Điều hòa nhịp thở: Luyện tập hít thở sâu có tác dụng giảm 50% số cơn bốc hỏa sinh ra. Ngoài ra, việc hít thở sâu, chậm rãi (từ 8 - 16 lần/phút) còn có thể giúp giảm căng thẳng, giải độc và từ đó máu sẽ được lưu thông tốt hơn.

- Ngủ sớm và ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, stress

- Quan hệ điều độ: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người phụ nữ có đời sống tình dục điều độ, đều đặn sẽ giảm tần suất các cơn bốc hỏa.

- Duy trì cân nặng hợp lý: Những người phụ nữ béo phì, có chỉ số khối cơ thể cao thường xuyên cơn nóng bừng nhiều hơn những người gầy hoặc cân đối.

- Tập thể dục điều độ: Tập thiền, yoga và các hoạt động thể dục thể thao hàng ngày cũng hỗ trợ quá trình trao đổi chất, điều chỉnh tâm trạng, kiểm soát cân nặng và cải thiện các triệu chứng tuổi tiền mãn kinh như mất ngủ, tiểu đêm, đổ mồ hôi…

Phụ nữ tiền mãn kinh nên tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất khoáng.

Phụ nữ tiền mãn kinh nên tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất khoáng.

3. Một số loại thuốc và thực phẩm bổ sung giúp đối phó với chứng bốc hỏa

3.1. Các loại thuốc có chứa hormon

Liệu pháp thay thế hormon là biện pháp được sử dụng để giảm bốc hỏa và các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh nói chung. Việc dùng hormon như thế nào là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người và cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nội tiết.

Một số loại thuốc hormon thay thế để điều trị các triệu chứng mãn kinh là estrogen và progestogen. Sử dụng liệu pháp hormon thay thế nhằm giúp bổ sung estrogen, giảm các triệu chứng vận mạch của cơ thể, đẩy lùi lão hóa da và giảm thiểu các triệu chứng teo khô sinh dục của phụ nữ, đồng thời mang lại lợi ích cho hệ cơ xương khớp, hạn chế và giảm tỷ lệ gãy xương hiệu quả.

Tuy nhiên, một số đối tượng sau đây không thể bổ sung estrogen như:

Người có tiền sử ung thư vú hoặc mắc bệnh mạch vành;
Phụ nữ có một biến cố về huyết khối tĩnh mạch trước đó hoặc đột quỵ;
Người có bệnh lý về gan;
Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân;
Nguy cơ cao mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung hoặc thiếu máu cục bộ thoáng qua.

3.2. Thuốc chống trầm cảm

Các thuốc điều trị trầm cảm nhẹ như paroxetine, venlafaxine, desvenlafaxine, citalopram... cũng có thể sử dụng trong trường hợp điều trị cơn bốc hỏa tiền mãn kinh.

Trường hợp phụ nữ không thể sử dụng liệu pháp hormon có thể sử dụng thuốc này để điều trị chứng bốc hỏa tiền mãn kinh theo đơn của bác sĩ.

3.3. Thực phẩm bổ sung hỗ trợ điều trị bốc hỏa

Để ứng phó với triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh, có thể sử dụng thực phẩm bổ sung với các thành phần như:

Phytoestrogen: Isoflavone là một loại phytoestrogen có nguồn gốc từ thực vật. Sử dụng liều 100mg isoflavone mỗi ngày ở phụ nữ sau mãn kinh, có tác dụng làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi, mất ngủ kéo dài.
Canxi, vitamin D: Chống loãng xương ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Cao đương quy, dầu dừa, sữa ong chúa...: Có tác dụng giúp cân bằng nội tiết tố nữ, làm đẹp da, giảm khô hạn, tăng cường chức năng sinh lý, đồng thời hỗ trợ điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh như bốc hỏa, mất ngủ, đổ mồ hôi, mệt mỏi…

Lưu ý trước khi bổ sung bất cứ loại thực phẩm bổ sung nào, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo lựa chọn sản phẩm phù hợp thể trạng và sử dụng đúng liều lượng.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Đẩy lùi bệnh hô hấp ở trẻ nhờ ăn những thực phẩm này I SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-doi-pho-voi-con-boc-hoa-thoi-ky-tien-man-kinh-169230331105026107.htm