Cách dùng một số thuốc trị thiếu máu
Thiếu máu là hiện tượng rất thường gặp, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu và tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Một số thuốc sau thường được sử dụng trong điều trị.
Thuốc bổ sung sắt
Bổ sung sắt được dùng trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt. Đây là một dạng phổ biến của bệnh thiếu máu. Sắt có vai trò rất quan trọng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và bà mẹ mang thai. Sắt cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển oxy cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em.
Khi thiếu hụt sắt, cơ thể không chỉ có thay đổi sự tạo máu, mà còn thay đổi chức năng của nhiều enzym quan trọng. Do vậy, bổ sung sắt là biện pháp rất quan trọng trong các trường hợp thiếu máu thiếu sắt do các nguyên nhân khác nhau; phụ nữ có thai, cho con bú, chứng xanh lướt của phụ nữ, trẻ em đang lớn (nhu cầu sắt tăng cao)...
Trong điều trị, sắt có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp với một số các vitamin khác. Sắt có thể dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch chậm. Dùng đường tiêm tĩnh mạch khi bệnh nhân không dung nạp hoặc rối loạn hấp thu sắt theo đường uống... và được thực hiện bởi nhân viên y tế. Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn dạng uống cho người bệnh ngoại trú.
Đối với các chế phẩm chứa sắt khi dùng, cần chú ý: Dùng đường uống người dùng có thể thấy lợm giọng, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, kích ứng đường tiêu hóa. Ngoài ra, đối với chế phẩm dạng nước nếu uống trực tiếp có thể thấy đen răng (răng bị nhuộm màu), có thể uống qua ống hút để khắc phục tình trạng này. Khi uống sắt, một số người còn thấy có hiện tượng phân đen. Đây là tình trạng không nguy hiểm nên người bệnh không cần phải lo lắng nếu gặp phải. Khi dùng đường tiêm có thể thấy đau tại chỗ tiêm.
Cần lưu ý, để sắt hấp thu được tốt nhất, khi uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt thì nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thu sắt như: Bưởi, cam, quýt, chuối, xoài...; không dùng cùng các chế phẩm chứa canxi hoặc thức ăn giàu canxi (việc bổ sung đồng thời cả canxi và sắt làm cản trở hấp thu của cả 2 và bị đào thải ra ngoài. Vì thế, thời gian bổ sung sắt phải cách thời gian bổ sung canxi ít nhất 2 tiếng); nên uống sắt vào lúc dạ dày rỗng (lúc đói), sắt sẽ hấp thu tốt hơn.
Chế phẩm chứa vitamin B
12
Vitamin B12 được dùng trong các bệnh về máu như: Thiếu máu ác tính tự phát hoặc sau khi cắt dạ dày, bệnh tiêu chảy mỡ và các bệnh khác do thiếu vitamin B12 do hấp thu kém...
Khi thiếu vitamin B12 gây nên thiếu máu ưu sắc hồng cầu to (thiếu máu ác tính Biermer), tổn thương neuron hệ thần kinh (phù nề, mất myelin), có thể gây chết neuron thần kinh ở tủy sống, vỏ não, gây rối loạn cảm giác, vận động ở chi, rối loạn trí nhớ, rối loạn tâm thần.
Khi dùng thuốc cần chú ý đến phản ứng phản vệ (nhất là khi dùng đường tiêm), sốt; ngoài da có thể gặp phản ứng dạng trứng cá, mày đay, ngứa, đỏ da... Không dùng thuốc cho người dị ứng với thuốc và người bị ung thư các thể khác nhau (do vitamin B12 làm tăng trưởng các mô có tốc độ sinh trưởng cao, nên có nguy cơ làm u tiến triển); người bệnh có cơ địa dị ứng như hen, eczema).
Vitamin B12 có thể dùng dưới dạng đơn chất hoặc kết hợp với các vitamin và các muối kim loại để uống hoặc tiêm bắp hay tiêm dưới da. Dùng dạng thuốc nào, liều lượng ra sao do bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào nguyên nhân và tổn thương do thiếu vitamin B12 gây ra.
Thuốc chứa acid folic (vitamin B9)
Acid folic là yếu tố không thể thiếu được cho tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu bình thường; thiếu acid folic gây ra thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Thuốc được dùng trong các trường hợp thiếu máu hồng cầu to không có dấu hiệu tổn thương thần kinh do thiếu acid folic (do kém hấp thu, tiêu chảy kéo dài); thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu hạt, mất bạch cầu hạt và dự phòng thiếu hụt acid folic khi dùng một số thuốc; bổ sung acid folic cho phụ nữ có thai, cho con bú (đặc biệt nếu đang được điều trị sốt rét hay lao)...
Mặc dù thuốc được dung nạp tốt, nhưng cần đề phòng với bất lợi (tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra) như: ngứa, nổi ban, mày đay hoặc rối loạn tiêu hóa... khi dùng thuốc.
Về liều lượng và cách dùng, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, bởi trong từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng và cách dùng phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-dung-mot-so-thuoc-tri-thieu-mau-n186127.html