Cách dùng thuốc corticoid tại chỗ trị viêm da cơ địa
Có thể kiểm soát viêm da cơ địa bằng cách sử dụng thuốc đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các corticoid tại chỗ…
1. Viêm da cơ địa là gì ?
Viêm da cơ địa là một bệnh mãn tính gây viêm, mẫn đỏ và kích ứng da, có giai đoạn thuyên giảm và bùng phát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh thường bệnh khởi phát từ thời thơ ấu và không có cách chữa trị viêm da cơ địa, nhưng có thể kiểm soát tình trạng viêm da và giúp da khỏe mạnh.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phát ban chàm thường xuất hiện trên da đầu, đầu gối, khuỷu tay và má. Ở người lớn, có thể thấy trên các nếp gấp của cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, mặt và cổ.
Da khô làm tình trạng ngứa và phát ban trở nên trầm trọng hơn. Chà xát và gãi da gây kích ứng nhiều hơn và do đó ngứa nhiều hơn. Khi bị viêm da cơ địa trong một thời gian dài, vùng da bị ảnh hưởng có thể trở nên dày hơn. Nhiễm trùng có thể xảy ra nếu tình trạng viêm và ngứa không được kiểm soát tốt.
Liệu pháp tích cực với chất làm mềm da là một biện pháp can thiệp quan trọng đối với bệnh nhân viêm da cơ địa. Corticoid tại chỗ là phương pháp điều trị chính cho các đợt bùng phát.
Có hơn 30 loại corticoid tại chỗ, từ hiệu lực thấp đến cao. Hầu hết các chất này đều có sẵn ở các nồng độ và liều lượng khác nhau. Corticoid tại chỗ làm giảm viêm da, ức chế miễn dịch, giảm tấy đỏ, bớt ngứa và đau, giúp da mau lành. Một liệu trình ngắn thường sẽ làm hết các đợt bùng phát của bệnh.
2. Lựa chọn thuốc corticoid sao cho phù hợp?
Mục đích của điều trị là ngăn chặn bùng phát và sau đó ngừng điều trị bằng steroid.
2.1. Lựa chọn thuốc dựa vào hiệu lực của thuốc
Có sự khác biệt giữa các loại corticoid về hiệu lực tác dụng, thường có thể được chia thành 4 nhóm: Hiệu lực thấp (hydrocortisone và prednisolone); hiệu lực vừa (prednicarbate, methylprednisolone và triamcinolone); hiệu lực mạnh (betamethasone và mometasone); hiệu lực rất mạnh (clobetasol).
Lưu ý khi dùng:
- Hiệu lực của corticoid tại chỗ càng lớn thì tác dụng giảm viêm càng cao nhưng nguy cơ tác dụng phụ càng tăng khi tiếp tục sử dụng.
- Thông thường chỉ sử dụng corticoid bôi tại chỗ có hiệu lực thấp nhất để loại bỏ cơn bùng phát, đặc biệt là khi điều trị cho trẻ em. Vì trẻ em có tỷ lệ diện tích bề mặt da so với khối lượng cơ thể tương đối cao hơn so với và người lớn và do khả năng hấp thu toàn thân của các thuốc này tăng lên.
- Nếu không có sự cải thiện sau 3-7 ngày, một loại corticoid bôi tại chỗ mạnh hơn thường được kê đơn. Đối với những đợt bùng phát nghiêm trọng, có thể kê toa một loại corticoid bôi ngoài da rất mạnh ngay từ đầu.
- Đôi khi hai hoặc nhiều chế phẩm có hiệu lực khác nhau được sử dụng cùng một lúc. Ví dụ, một loại corticoid nhẹ dành cho vùng da mỏng, dễ kích ứng (mặt, bẹn, nách, cổ) và một loại corticoid hiệu lực vừa dành cho vùng da dày hơn ở cánh tay hoặc chân.
- Corticoid hiệu lực cao và hiệu lực rất cao không nên được sử dụng trên các vết phát ban bao phủ một vùng da rộng.
- Nên sử dụng corticoid tại chỗ cho đến khi cơn bùng phát biến mất hoàn toàn và sau đó ngừng sử dụng chúng. Một đợt điều trị trong 7-14 ngày là đủ để loại bỏ các đợt bùng phát của bệnh chàm. Trong một số trường hợp có thể cần một liệu trình dài hơn.
Sau khi hoàn thành một liệu trình bôi corticoid, tiếp tục sử dụng chất làm mềm mỗi ngày để giúp ngăn ngừa bùng phát thêm.
2.2. Lựa chọn corticosteroid dựa vào dạng bào chế
- Kem corticoid (có màu trắng) thường là loại kem tốt nhất để điều trị các vùng da ẩm hoặc chảy nước.
- Thuốc mỡ (trong, không phải màu trắng) thường là tốt nhất để điều trị các vùng da bị ảnh hưởng bị khô hoặc dày lên.
- Lotion (giống như kem mỏng) có thể hữu ích để điều trị những vùng có nhiều tóc chẳng hạn như da đầu.
Thuốc mỡ thường mạnh hơn kem nhưng có thể có vẻ ngoài nhờn. Nên tránh dùng thuốc mỡ trên các tổn thương hở hoặc rỉ dịch và ở các nếp gấp. Chúng cũng không nên được sử dụng ở vùng khí hậu nóng ẩm.
Sản phẩm corticoid hoạt động tốt như thế nào sẽ phụ thuộc vào thành phần hoạt chất của thuốc, dạng bào chế và nhiều yếu tố khác, bao gồm:
- Liều lượng sử dụng.
- Vùng da dùng thuốc: Da mỏng hơn sẽ hấp thụ nhiều corticoid hơn so với da dày hơn. Ví dụ, da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân hấp thụ một lượng thuốc corticoid tương đối nhỏ, trong khi da trên mặt và da đầu của bạn hấp thụ nhiều hơn. Da trên mí mắt và bộ phận sinh dục của bạn đặc biệt nhạy cảm.
- Cách bôi: Corticoid tại chỗ có tác dụng tốt hơn khi bôi lên da ướt so với khi bôi lên da khô. Hiệu quả thậm chí còn mạnh hơn nếu da được băng lại hoặc quấn ướt sau khi bôi thuốc corticoid. Điều này làm tăng đáng kể lượng steroid được hấp thu.
3. Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc
Khi sử dụng trong 4 tuần để điều trị các đợt bùng phát viêm da cơ địa, corticoid tại chỗ được coi là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều đợt bùng phát có thể được kiểm soát với một liệu trình điều trị ngắn hơn.
Các tác dụng phụ tại chỗ thường gặp bao gồm rạn da, chấm xuất huyết, giãn mao mạch, mỏng da, teo da và mụn trứng cá nặng hơn.
Các tác dụng phụ toàn thân, chủ yếu là ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận, giảm chiều cao ở trẻ em và thay đổi mật độ xương ở người lớn là những tác dụng phụ đáng lo ngại nhất liên quan đến corticoid.
Để giảm thiểu độc tính, corticoid tại chỗ nên được sử dụng trong thời gian ngắn nhất cần thiết để kiểm soát cơn bùng phát. Sau khi hết bùng phát, nên sử dụng các chiến lược phòng ngừa tối đa để kiểm soát bệnh.