Cách dùng ứng dụng VNeID thay cho giấy xác nhận cư trú

Người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trong ứng dụng VNeID để thực hiện các thủ tục hành chính thay giấy xác nhận cư trú.

Theo Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú bằng giấy không còn giá trị sử dụng kể từ ngày 1-1-2023.

Trong quá trình thực hiện quy định bỏ SHK, trước đây tại một số địa phương vẫn còn vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, cũng còn một số nơi yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận thông tin nơi cư trú.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cán bộ khi giải quyết hành chính liên quan không yêu cầu người dân xuất trình SHK, giấy xác nhận cư trú.

Thực hiện theo chỉ đạo trên, một số địa phương địa đã tự xác minh thông tin hoặc tra cứu thông tin cá nhân qua tài khoản định danh định tử (TKĐDĐT) của công dân từ ứng dụng VNeID để giải quyết các thủ tục cho người dân.

Thời gian qua, PLO có nhận được một số thắc mắc của bạn đọc về TKĐDĐT. Cụ thể như TKĐDĐT là gì, ai được cấp TKĐDĐT, TKĐDĐT được sử dụng như thế nào,...

Nghị định 59/2022 về định danh và xác thực điện tử quy định về các vấn đề liên quan danh tính điện tử, định danh điện tử và xác thực điện tử.

Cá nhân, tổ chức được cấp TKĐDĐT để đăng nhập và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNelD, trang thông tin định danh điện tử. TKĐDĐT được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.

Đối tượng được cấp TKĐDĐT

- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, trường hợp chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo TKĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo TKĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

TKĐDĐT có hai mức độ gồm: Mức độ 1 của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính. Nếu là người nước ngoài thì có thêm các thông tin về quốc tịch; thông tin về hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

TKĐDĐT mức độ 2 gồm những thông tin ở mức độ 1 và có thêm thông tin về sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay.

Người dân đến UBND phường 5, quận Gò Vấp thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: NH

Người dân đến UBND phường 5, quận Gò Vấp thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: NH

Cách đăng ký TKĐDĐT mức độ 1

Đăng ký TKĐDĐT mức độ 1 qua ứng dụng VNelD đối với công dân đã có thẻ CCCD gắn chíp điện tử.

Bước 1: Công dân sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNelD.

Bước 2: Công dân sử dụng ứng dụng VNelD để nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD.

Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Cách đăng ký TKĐDĐT mức độ 2

Đăng ký TKĐDĐT mức độ 2 đối với công dân đã được cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử.

Bước 1: Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để làm thủ tục cấp TKĐDĐT.

Bước 2: Công dân xuất trình thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào TKĐDĐT.

Bước 3: Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu CCCD và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập TKĐDĐT.

Bước 4: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Cơ quan Công an tiến hành cấp TKĐDĐT mức độ 2 cùng với cấp thẻ CCCD với trường hợp công dân chưa được cấp CCCD gắn chíp điện tử.

Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 để giải quyết thủ tục hành chính

Từ các thông tin nói trên cho thấy, công dân cần đến Công an xã, phường, thị trấn để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2; thực hiện cài đặt ứng dụng VNeID; kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký tài khoản thành công theo các bước trong ứng dụng VNeID.

Sau khi được kích hoạt, công dân thực hiện đăng nhập một lần trên cổng dịch vụ công quốc gia (liên thông với cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương) với tên tài khoản là số định danh cá nhân và mật khẩu để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Tùy từng dịch vụ công trực tuyến, thông tin của công dân sẽ được điền vào biểu mẫu điện tử (Form), người dân không phải điền và không sửa được thông tin.

Thông tin hiển thị trên VNeID gồm: Số CCCD; Họ và tên; Ngày sinh; Giới tính; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; CCCD có giá trị đến; Đặc điểm nhận dạng; Ngày cấp, Số điện thoại.

Người dân có thể sử dụng các thông tin dân cư được tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự.

Cách dùng VNeID thay cho giấy xác nhận cư trú:

Hiện nay ứng dụng VNeID phiên bản 2.0.7 đã cập nhật, tích hợp tính năng xác nhận thông tin cư trú hộ gia đình ngay trên ứng dụng. Do đó, người dân có thể dùng VNeID thay giấy xác nhận cư trú của công an xã khi cần chứng minh thông tin về cư trú.

Cách dùng VNeID thay cho giấy xác nhận cư trú như sau:

Bước 1: Truy cập ứng dụng VNeID => Chọn Ví giấy tờ => Chọn tính năng Thông tin cư trú.

Bước 2: Để kiểm tra được thông tin cư trú, người dùng sẽ phải nhập mật khẩu. Sau khi nhập mật khẩu, thông tin cư trú sẽ được hiển thị đầy đủ, bao gồm:

- Thông tin về hành chính như: Họ tên, số định danh cá nhân, dân tộc, quốc tịch, quê quán…

- Thông tin cư trú: Nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại.

- Thành viên khác trong hộ gia đình: Họ tên, ngày sinh, giới tính, quan hệ với chủ hộ…

VÕ HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-dung-ung-dung-vneid-thay-cho-giay-xac-nhan-cu-tru-post723414.html