Cách giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh khi các kỳ thi đang đến gần
Do ảnh hưởng của COVID-19, cùng với việc học trực tuyến kéo dài, khi quay trở lại trường, học sinh lại bước vào kỳ thi cuối năm và các kỳ thi chuyển cấp quan trọng… điều này đã khiến không ít học sinh bị áp lực và rơi vào khủng hoảng tâm lý.
TS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP. Hà Nội cho rằng, diễn biến áp lực tâm lý sau dịch COVID-19 chỉ là nhất thời, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện và giải quyết áp lực cho các em ra sao.
Áp lực dồn dập...
TS. Nguyễn Thanh Sơn đã chỉ ra nhiều áp lực mà các em gặp phải trong cuộc sống.
Đầu tiên và lớn nhất đó chính là áp lực từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nhưng các em đừng oán thán bố mẹ bởi đó là một mong ước rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình trung đã tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các cháu.
Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh mình để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt. Mình thắng được mình là điều không dễ.
Và áp lực cuối cùng đó là áp lực từ chính các em. Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao và sẽ có một bộ phận phải "vượt sướng" để thành công, mà điều đó sẽ khó hơn vượt khó rất nhiều vì sướng quá sẽ không còn động lực để phấn đấu. Thắng được chính mình sẽ càng khó hơn.
Giải quyết áp lực ra sao?
Với học sinh, TS. Nguyễn Thanh Sơn đưa ra lời khuyên: Các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết.
Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp. Trong cuộc sống sẽ không ai thương mình bằng bố mẹ đâu, luôn yêu thương các con vô điều kiện.
Nếu là áp lực từ phía nhà trường thì hãy chọn thầy cô nào mà mình thấy gần gũi nhất để mạnh dạn tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ của mình và các thầy cô sẽ căn chỉnh, hướng ta đến cái tốt đẹp hơn.
"Với điều kiện sống hiện nay, các em đang có rất nhiều thuận lợi từ công nghệ, các em có điều kiện tốt hơn để học tập, phấn đấu. Tuổi trẻ của các em rất đẹp, lớn lên trong lúc đất nước ta đang rất phát triển, điều kiện sống rất tốt, tương lai sáng lạn. Tôi mong muốn các em hãy học tập làm việc hết mình, mở lòng đón nhận những cái tốt của xã hội", TS. Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.
Tại Diễn đàn "Điều em muốn nói" do Hội đồng Đội Trung ương, báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Ba Đình tổ chức mới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Thời nào cũng có áp lực, thời "mưa bom bão đạn" cũng áp lực kinh khủng lắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực và không có áp lực.
Ở lứa tuổi học sinh, điều quan trọng nhất là học tập. Học và học giỏi là điều không khó. Có hai môn quan trọng Toán và Văn. Toán thì phải tìm được đáp số như vào ngôi nhà thì phải mở được cánh cửa. Muốn mở cửa phải chìa khóa. Vậy chìa khóa của Toán là các định lý... Còn Văn, các em chỉ cần đọc sách".
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, áp lực trong lứa tuổi học trò còn đến từ bạn bè. Muốn cởi bỏ áp lực này, các học sinh cần hiểu bạn mình. Bên cạnh đó, học sinh cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước mỗi kỳ thi về việc thi đỗ và thi không đỗ để tránh bị "sốc". "Nếu thi đại học không đỗ, chỉ có một cánh cửa khép nhưng còn muôn vàn cánh cửa khác mở ra, có điều chúng ta có bình tĩnh để nhìn thấy những cơ hội mới đó không", nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết.
Đỗ Vi