Cách giảm đau lưng cho mẹ bầu
Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu nào cũng gặp phải tình trạng bị đau lưng dai dẳng. Vậy cần làm gì để giảm thiểu những cơn đau này?
Nguyên nhân gây đau lưng khi mang thai
Đau lưng khi mang thai nguyên nhân chính là do căng cơ lưng. Khi thai kỳ tiến triển thì tử cung của mẹ bầu trở nên nặng hơn. Trọng lượng tăng lên ở phía trước cơ thể, vì thế muốn giữ thăng bằng thì phải thường xuyên nghiêng người về sau, làm cho cơ lưng hoạt động mạnh hơn. Điều này gây ra các triệu chứng căng cứng, đau nhức cơ.
Ngồi sai tư thế cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau lưng. Khá nhiều thai phụ thích ngồi bệt, cố định gót chân xuống sàn nhà, chống hai tay ra phía đằng sau để giữ trọng lượng cơ thể. Kiểu ngồi này sẽ khiến vùng lưng phía dưới bị đặt trong tình trạng căng thẳng và gây đau.
Ngoài ra, tư thế đứng, di chuyển hoặc nhấc đồ vật không đúng cách cũng có khả năng gây tổn thương đến các cơ chằng vùng lưng. Nếu đứng hoặc ngồi sai tư thế liên tục thì khả năng bị đau lưng của của mẹ bầu càng lớn hơn.
Khi mang thai cơ bụng của mẹ bầu – nhóm cơ hỗ trợ cột sống và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của lưng – cũng trở nên căng ra, yếu đi. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ bị đau lưng khi đi lại. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, các dây chằng ở khớp xương có thể giãn hơn, nhưng chúng cũng có thể đồng thời gây đau lưng khi các khớp trở nên quá linh hoạt, lỏng lẻo.
Cách giảm đau lưng cho mẹ bầu
Nếu mẹ bầu bị đau lưng thì có thể giảm thiểu bằng cách massage vùng lưng dưới, điều này sẽ làm dịu cảm giác đau, mỏi. Bà bầu có thể ngồi áp mặt vào lưng ghế hoặc nằm nghiêng và nhờ người thân massage các cơ chạy dọc ở hai bên cột sống hoặc tập trung vào vùng lưng dưới. Tắm nước ấm, chườm khăn nóng hay sử dụng các tia nước ấm của vòi hoa sen xịt vào những vùng bị đau sẽ giúp giảm bớt cơn đau.
Để hỗ trợ nâng đỡ bụng bầu, có thể sử dụng đai đeo bụng loại chuyên dùng cho phụ nữ mang thai. Nếu phải ngồi làm việc với máy tính, nên đảm bảo ghế ngồi êm và phân bố trọng lượng của bạn đều khắp mông. Không nên mang giày cao gót vì chúng làm ảnh hưởng dáng đi, khiến bạn có xu hướng nghiêng người ra trước nhiều hơn tư thế bình thường. Tốt nhất là mang giày thấp và có hỗ trợ vòm chân.
Mẹ bầu nên nằm nghiêng khi ngủ, tốt nhất nghiêng sang trái, không được nằm ngửa khi ngủ. Có thể đặt thêm gối ở giữa hai đầu gối và vùng xung quanh bụng hoặc sử dụng gối ôm dài. Biện pháp này giúp bạn giảm cơn đau lưng khá hiệu quả. Bạn cũng nên kiểm tra xem tấm nệm đang nằm có hỗ trợ tư thế ngủ không. Nếu nệm lún và không thể giữ thẳng cột sống bạn thì nên đổi tấm nệm khác. Hoặc bạn có thể đặt dưới nệm tấm gỗ phẳng để hỗ trợ.
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường cơ bắp, gia tăng sự linh hoạt của cơ thể, điều này làm giảm áp lực lên cột sống của bạn. Đi bộ là các bài tập an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai.
Những bài tập trên sàn dành cho vùng xương chậu và vùng bụng dưới sẽ giúp hạn chế các cơn đau lưng khi mang thai. Để việc luyện tập được an toàn, dễ dàng, bà bầu cần tham khảo sự tư vấn và làm theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa. Chú ý thư giãn các cơ thật chậm sau khi kết thúc luyện tập. Bà bầu cần rèn luyện chế độ sinh hoạt cân bằng giữa ăn uống, lao động, nghỉ ngơi, tránh để cơ thể mệt mỏi hay quá sức, đồng thời bổ sung canxi theo hướng dẫn của bác sĩ thì những triệu chứng đau sẽ giảm.
Đau lưng khi mang thai khi nào cần đến bác sĩ?
Nếu tình trạng đau lưng của mẹ bầu kéo dài, đau quá dữ dội, hoặc dai dẳng hơn 2 tuần… thì nên liên hệ với bác sĩ của mình. Đây có thể là triệu chứng của sinh non, hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, hãy đến bác sĩ ngay lập tức nếu đau lưng có kèm theo sốt, nóng rát khi đi tiểu hoặc chảy máu âm đạo.
Vì sự an toàn của bé, mẹ bầu không nên uống thuốc giảm đau hoặc bất kỳ loại thuốc gì nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-giam-dau-lung-cho-me-bau-169240811125217504.htm