Cách giáo dục con cái tốt nhất là 'dạy mà như không dạy', liên quan tới thói quen của cha mẹ
Cách giáo dục con cái tốt nhất hóa ra lại bắt nguồn từ những câu chuyện cha mẹ nói với nhau hằng ngày và cả thói quen của họ trong cuộc sống.
Zeng Shiqiang (Tăng Sĩ Cường) là một nhà Hán học Trung Quốc nổi tiếng với việc nghiên cứu Kinh Dịch, bộ kinh điển lâu đời nhất của Trung Quốc. Ông được từng là hiệu trưởng của trường Đại học Quản lý Hsing Kuo và là giáo sư tại Đại học Quốc gia Chiao Tung.
Trong một lần chia sẻ, ông từng đưa ra quan điểm rằng: "Cách tốt nhất để giáo dục con cái là thông qua việc trò chuyện của vợ chồng, chứ không phải chỉ đơn thuần là dạy cho chúng những điều cần học".
Ý nghĩa của câu này là việc trò chuyện giữa vợ chồng là một cách hiệu quả để giáo dục trẻ em. Bởi vì trong quá trình trò chuyện, cha mẹ có thể truyền đạt cho con mình những kiến thức, giá trị quan trọng thông qua các trải nghiệm và chia sẻ của riêng mình.
Việc này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tư duy và cảm nhận về thế giới xung quanh một cách tự nhiên và đầy sáng tạo hơn là chỉ đơn thuần học theo những giáo trình hoặc sách vở.
Khi Tăng Sĩ Cường còn nhỏ, ông thường nghịch ngợm và gây rắc rối nhưng bố mẹ lại ít khi trực tiếp dạy dỗ con mình ngay. Họ chưa bao giờ phàn nàn con mình sai chỗ này hay chỗ kia, mỗi khi cậu gặp rắc rối, bố mẹ lại ngồi nói chuyện và bàn tán với nhau mà không đề cập tới việc cậu mắc lỗi.
Lúc đó, Tăng Sĩ Cường cảm thấy rất khó hiểu trước hành động này của cha mẹ nhưng sau này khi trở thành chuyên gia, được học hỏi nhiều kiến thức về giáo dục, ông nhận ra bố mình là những người hiểu rõ được bản chất của giáo dục nhất.
Theo ông, trẻ con rất thích nghe trộm những gì cha mẹ và người lớn nói chuyện với nhau. Cha mẹ lại là đối tượng trẻ dễ bắt chước và học hỏi nhất.
Để giáo dục con cái, thay vì cố gắng lý luận, tốt hơn là nên chuyển đối tượng giao tiếp sang người bạn đời và đưa việc giáo dục vào sự tương tác hằng ngày giữa vợ chồng. Vì cách cha mẹ nói chuyện với nhau ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của con cái.
Khang Hóa Lan là một nhà văn và học giả nghiên cứu văn hóa dân tộc Trung Quốc đã từng chia sẻ rằng: "Mỗi cuộc trò chuyện giữa vợ và chồng ở nhà sẽ để lại dấu ấn trong lòng đứa trẻ. Nội dung cuộc trò chuyện giữa cha mẹ sẽ quyết định thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị sống của đứa trẻ".
Đừng nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ để hiểu bất cứ điều gì. Mỗi lời bạn nói, đứa trẻ đều lắng nghe và dần dần sẽ "đưa nó" vào cuộc sống của mình.
Trên Zhihu có một chủ đề: "Cha mẹ bạn ảnh hưởng đến bạn như thế nào?"
Có một cư dân mạng trả lời rằng: "Một lần đi học về, tôi tình cờ nghe được bố mẹ nói chuyện. Nghe nói việc kinh doanh thịt bò của bố mẹ ế ẩm, bị người khác chèn ép dẫn đến mất đi một lượng lớn khách hàng.
Sau khi dò hỏi, mới biết một số người bán hàng khác đã bơm nước vào thịt bò để hạ giá nhằm thu hút khách hàng.
Tôi vốn tưởng rằng bố mẹ sẽ chạy theo xu lợi nhuận, không ngờ họ nói: Làm người tử tế, nhất định không thể không có lương tâm. Nếu như không có lương tâm, mất lòng tự trọng, cho dù hiện tại kiếm tiền, cũng không đi được xa. Trung thực luôn là ưu tiên hàng đầu trong kinh doanh.
Tuy bố mẹ tôi ít học, luôn bận rộn với cuộc sống mưu sinh, ít quan tâm tới con cái nhưng tôi học được cách đối nhân xử thế nhờ việc lắng nghe những cuộc trò chuyện của bố mẹ".
Một chuyên gia giáo dục người Mỹ Betsy Evans cho biết: "Khi trẻ em nhìn thấy người lớn sử dụng những hành vi không phù hợp này khi giải quyết vấn đề, chúng có thể dễ dàng hiểu những hành vi không phù hợp này là có thể chấp nhận được".
Trẻ em không có khả năng phân biệt đúng sai, chúng chỉ có thể nói và hành động giống như cha mẹ chúng.
Nếu muốn con mình trở thành một người chân thành, thẳng thắn, trung thực, cha mẹ phải từ bỏ thói quen xấu. Vì lời nói và việc làm của cha mẹ đang định hình tính cách của con mình.
Muốn con lễ phép thì cha mẹ phải cẩn trọng trong lời nói và việc làm trong giao tiếp hàng ngày, làm gương tốt cho con cái. Nếu cha mẹ thường xuyên phàn nàn và có những lời lẽ tục tĩu trong giao tiếp, con cái sẽ trở thành bản sao y như cha mẹ mình.