Cách giúp mắt khỏe mạnh trong mùa hè
Mùa hè là thời điểm gia tăng các bệnh về mắt. Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng bệnh và bảo vệ đôi mắt.
Nguy cơ các bệnh lý ở mắt vào mùa hè
Nắng nóng là thời điểm côn trùng sinh sôi, phát triển mạnh nên các trường hợp đau mắt (viêm kết mạc, viêm giác mạc) do côn trùng bay vào mắt cũng gia tăng.
Các tai nạn chủ yếu là côn trùng tiết túc (loại có dịch tiết, chân có đốt và sắc). Khi bệnh nhân dụi, ngạnh ở chân sắc nhọn gây chấn thương mắt, sẽ gây đau đớn. Đốt chân gãy ra còn xiên thủng vào các mô mắt. Đặc biệt, khi bị day dụi, côn trùng sẽ tiết dịch (tương tự axit) khiến mắt cảm giác phải bỏng, rát, phù nề mi, sưng tấy.
Ngoài ra, mùa hè dưới ánh nắng gắt làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể do tiếp xúc nhiều với bức xạ tia cực tím. Các ghi nhận cho thấy ngày càng có nhiều bằng chứng về việc tiếp xúc với tia cực tím (UV) góp phần làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm ở mắt. Tổn thương ở mắt có thể là tức thời hoặc lâu dài sau khi hấp thụ tia UV có trong ánh nắng mặt trời.
Đối với kết mạc, giác mạc sự tiếp xúc với tia cực tím có cường độ quá mạnh có thể gây bỏng giác mạc với các triệu chứng như cộm, khó chịu, đỏ mắt, chói mắt, chảy nước mắt và tình trạng này thường sẽ đỡ đi sau 48 giờ.
Khi nhìn lâu hoặc trực tiếp vào mặt trời nhất là vào khoảng thời gian giữa trưa, có thể gây nên tình trạng bỏng võng mạc (viêm võng mạc do ánh nắng). Tình trạng này cũng thường thấy sau khi xem nhật thực mà không dùng kính bảo vệ mắt.
Thông thường, sau khi bị tia cực tím chiếu, từ 6-15 giờ, bệnh nhân có những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng. Thông thường, nếu tiến triển tốt, sau 8 giờ, những triệu chứng này sẽ tự khỏi.
Trường hợp cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia cực tím còn có khả năng gây các chứng bệnh về mắt trầm trọng hơn, như suy hoại võng mạc, cườm mắt, lòa thậm chí mù mắt.
Bảo vệ đôi mắt vào mùa hè
Cần chú ý vệ sinh mắt
Người dân cần có thói quen thường xuyên vệ sinh bàn tay, đôi mắt bằng nước sạch. Nhất là khi đi ra ngoài đường về.
Khi bị bụi và nước bẩn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt gây xước giác mạc. Nếu không được cần đến cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị chuyên khoa mắt để lấy bụi, gắp dị vật và tra thuốc sát khuẩn.
Tránh để mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng
Hạn chế ra ngoài trời, nhất là vào những lúc nhiệt độ tăng cao nhất (buổi trưa). Nếu phải ra ngoài thì hãy đội mũ, che ô và nên sử dụng kính mát có chức năng cản tia UV khi ra ngoài để làm dịu mắt. Vào thời điểm tia cực tím lớn nhất trong ngày, khoảng từ 10h sáng đến 15h chiều vẫn cần tránh đi ra ngoài đường.
Khi đi bơi cần chú ý
Không tắm ở những khu vực nước biển, sông, hồ, ao tù… bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh. Bể bơi cũng có thể là tác nhân lây nhiễm của các bệnh về mắt nói chung và bệnh viêm kết mạc nói riêng rất nhanh. Đây là nơi ở lý tưởng của vi khuẩn Chlamydia Trachomatis là tác nhân gây bệnh viêm kết mạc. Bệnh này nếu ủ lâu và không được chữa trị kịp thời dễ gây rối loại thị giác, dẫn đến mù lòa. Nước bể bơi chứa rất nhiều clo, do vậy sẽ gây nên khô mắt và viêm nhiễm tại mắt nếu như mắt không được bảo vệ và chăm sóc đúng cách. Vì vậy, khi đi bơi cần chú ý sử dụng kính bơi và rửa mắt sau khi bơi xong.
Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt
Uống nhiều nước (khoảng 6-8 cốc nước mỗi ngày) để cung cấp đủ nước, độ ẩm cần thiết cho mắt. Cần có chế độ ăn uống hợp lý, không ăn nhiều chất cay nóng, hạn chế uống rượu, bia... Nên bổ sung đủ dưỡng chất cho mắt, tránh làm việc quá sức.
Nên ăn nhiều các thực phẩm như cá, rau xanh, bơ, trứng, sữa, phô-mai, cà rốt, đu đủ, cam, chanh… sẽ cung cấp các vitamin A, vitamin C, DHA sẽ giúp mắt sẽ không bị khô, chống lão hóa và giúp cải thiện thị lực. Những loại đậu hay rau màu xanh chứa chất chống oxy hóa dồi dào sẽ giúp bảo vệ võng mạc và ngăn ngừa một số bệnh về mắt.
Ngoài ra, cần ngủ đủ giấc để trẻ hóa đôi mắt của bạn một cách tự nhiên. Tập những bài tập đơn giản cho mắt để tăng sự linh hoạt của các cơ, dây thần kinh ở mắt.
Để cho mắt có thời gian nghỉ ngơi nếu bạn phải làm việc liên tục với thiết bị điện tử, máy tính (ví dụ: cứ sau 30-60 phút làm việc thì nhắm mắt lại trong vài giây để mắt được thư giãn).
Khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý về mắt mùa hè, người bệnh nên đến khám sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt để được tư vấn và dùng thuốc hiệu quả. Tuyệt đối không được tự ý mua, sử dụng thuốc tra, nhỏ mắt theo mách bảo sẽ khiến tình trạng bệnh kéo dài và sẽ trở nên trầm trọng.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-giup-mat-khoe-manh-trong-mua-he-169240608191529435.htm