Cách gộp mẫu xét nghiệm nCoV tại Đà Nẵng được thế giới ghi nhận
Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng chiến lược gộp mẫu xét nghiệm để sàng lọc nhanh người mắc Covid-19.
Mới đây, phương án gộp mẫu xét nghiệm để tìm SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại Đà Nẵng do các chuyên gia Việt Nam thực hiện được đăng tải trên Tạp chí Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ (AJTMH) - tạp chí y khoa uy tín trên 100 năm tại Mỹ.
Thành viên nhóm nghiên cứu gồm bác sĩ Tôn Thất Thạnh và các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, bác sĩ Đỗ Thái Hùng và các chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang, tiến sĩ Lê Văn Tấn - Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (TP.HCM), tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và các chuyên gia từ Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, khoa Y Nuffield thuộc Trung tâm Y học Nhiệt đới và Sức khỏe toàn cầu của Đại học Oxford (Anh), Công ty Việt Á.
Nhóm nghiên cứu cho biết để xét nghiệm cho cộng đồng với số lượng lớn tại Đà Nẵng, phương án gộp mẫu xét nghiệm được đề xuất triển khai trong thời gian từ ngày 8 đến 21/8/2020.
Cụ thể, Đà Nẵng đã lấy mẫu dịch mũi, họng từ 96.123 người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng bệnh và tạo ra 22.290 mẫu gộp. Mỗi nhóm chứa 2-7 mẫu bệnh phẩm.
Nếu xét nghiệm SARS-CoV-2 của nhóm mẫu cho kết quả dương tính, kỹ thuật viên sẽ thu thập từng mẫu riêng lẻ để làm xét nghiệm rRT-PCR.
Sau 24 giờ, kỹ thuật viên xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 tồn tại trong 24 nhóm với 104 mẫu bệnh phẩm. Sau khi xét nghiệm lại bằng kỹ thuật rRT-PCR, 32 mẫu được xác định dương tính.
32 cá thể dương tính với SARS-CoV-2 gồm 21 nữ và 11 nam, độ tuổi trung bình từ 14 đến 73. Các trường hợp dương tính mới không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào tại thời điểm thu thập mẫu bệnh phẩm. Ngoài ra, 22 người trong số này không có tiền sử tiếp xúc với ca dương tính xác định. Đặc biệt, gia đình trong nhóm mẫu gộp có đến 8 thành viên cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Theo nhóm nghiên cứu, thử nghiệm này hoàn thành trong vòng 14 ngày và sàng lọc được số lượng lớn người trong cộng đồng có nguy cơ cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng chiến lược xét nghiệm cá nhân riêng lẻ như giai đoạn trước, Đà Nẵng cần ít nhất 64 ngày để hoàn thành sàng lọc.
Nhóm nghiên cứu kết luận so với xét nghiệm mẫu riêng lẻ, phương pháp gộp mẫu xét nghiệm không ảnh hưởng độ nhạy của PCR nhưng tiết kiệm được 77% chi phí (khoảng 1,5 triệu USD). Chiến lược này có thể được áp dụng tại khu vực thiếu sinh phẩm, tỷ lệ lưu hành bệnh thấp nhưng nhu cầu xét nghiệm cao.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng phương pháp gộp mẫu xét nghiệm để sàng lọc người dương tính với virus gây bệnh Covid-19.
Tại Israel, các nhà khoa học chứng minh kết quả 184 mẫu bệnh phẩm khi xét nghiệm gộp nhóm với thực hiện riêng lẻ không có sự sai khác đáng kể. Quốc gia này cũng phát hiện 31 bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng nhờ phương pháp nói trên. Chiến lược gộp mẫu giúp tăng công suất xét nghiệm gấp 7,3 lần, trong khi vẫn duy trì độ nhạy ở mức cao.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nếu tỷ lệ đang mắc Covid-19 trong cộng đồng dưới 10%, xét nghiệm gộp mẫu giúp tiết kiệm gần 69% năng lực xét nghiệm.
Tại Việt Nam, xét nghiệm gộp nhóm được sử dụng nhiều năm, nhằm sàng lọc các mầm bệnh trong túi máu như HIV, HBV, HBC gan...