Cách Guyana phát triển du lịch bền vững: Việt Nam có thể học hỏi
Theo trang Stabroek News, du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Guyana – một quốc gia Nam Mỹ.
Theo thống kê, ngành du lịch Guyana đã đóng góp khoảng 30,1 tỷ USD vào phát triển kinh tế trong năm 2018.
Không giống như vàng hay dầu khí, du lịch không phải là một ngành công nghiệp khai thác nhưng được xem là có tiềm năng tồn tại lâu hơn các ngành khai khoáng, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và bảo tồn trong dài hạn.
Kế hoạch Hành động Chiến lược Du lịch Guyana giai đoạn 2019-2025 định hướng giải quyết nhu cầu này.
Giá trị quyết định chiến lược
Theo thống kê, số lượng khách du lịch đến Guyana đã tăng 15,9% trong năm 2018, trong đó số lượng khách du lịch giải trí tăng 21% (tổng cộng 183.639) và số lượng khách đến công tác tăng 15% (28.466). Các chuyên gia cho rằng nếu xu hướng hiện tại tiếp tục tăng thì Guyana sẽ thu hút hơn 500.000 người mỗi năm vào đầu năm 2025 và dự kiến số lượng du khách sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Chắc chắn nếu không có môi trường chính sách và đầu tư mạnh mẽ hơn để phát triển du lịch thì Guyana khó có thể đáp ứng nhu cầu du khách.
Theo kế hoạch, ngành du lịch Guyana tiếp tục đặt mục tiêu phát triển nhiều sản phẩm hơn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, chất lượng và bền vững. Cách tiếp cận tổng thể sẽ tập trung vào việc triển khai thực tiễn tốt nhất để quản lý và phát triển điểm đến bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng và tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội và bảo tồn trong dài hạn.
Guyana gần đây được vinh danh là điểm đến "Tốt nhất về du lịch sinh thái" và là 1 trong 10 Điểm đến Bền vững do Tổ chức Điểm đến Xanh tại ITB Berlin công nhận. Thông qua điều này và những thành tựu gần đây khác, Guyana nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn tiếp theo cho du lịch. Ngày càng có nhiều du khách muốn đến thăm và hiện ngành du lịch đang được kỳ vọng rất cao.
Theo truyền thống, quá trình phát triển du lịch thành công sẽ dựa vào số lượng khách du lịch tăng hàng năm tại một điểm đến. Guyana được xem là điểm đến đắt đỏ đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
"Chúng tôi đang cạnh tranh với mọi điểm đến khác trên thế giới. Đây là lý do tại sao chiến lược của chúng tôi tập trung vào những điểm khác biệt duy nhất của Guyana so với các điểm đến cạnh tranh khác", tác giả Lacey Pfalz viết.
Theo trang báo, mục tiêu phát triển du lịch của Guyana sẽ lưu ý đến các khía cạnh là thiên nhiên/động vật hoang dã; văn hóa/di sản; hoạt động/khám phá; nuôi chim; khoa học/nghiên cứu/giáo dục.
Những người yêu thích du lịch tự nhiên cũng có xu hướng ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn trong kỳ nghỉ. Đây cũng là cách làm du lịch thúc đẩy tăng trưởng cho ngành nói chung.
Bảo vệ di sản thiên nhiên
Hệ thống các khu bảo tồn quốc gia của Guyana (NPAS) hướng đến quá trình phát triển xanh.
Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng Sinh học ghi nhận đến năm 2020, Guyana sẽ dành 17% diện tích trên mặt đất để bảo tồn. Guyana tiếp tục cam kết theo Thỏa thuận Paris dành 2 triệu héc-ta diện tích được bảo vệ trên mặt đất để đóng góp vào bể chứa carbon toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu.
Cam kết này sẽ làm tăng số lượng các khu vực cần được bảo vệ như ở Vùng đất ngập nước Bắc Rupununi và thúc đẩy bảo tồn cộng đồng mới ở lưu vực sông Rewa và vùng nước của bộ lạc Apoteri từ đầm phá Yakatu đến Thác King George. Bảo vệ môi trường sống ở cấp độ cảnh quan sẽ giúp bảo vệ các loài chim, động vật hoang dã và thủy sinh.
Dựa trên những cam kết này, Guyana có thể sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực du lịch bảo tồn. Du lịch bảo tồn được định nghĩa là các hoạt động du lịch thương mại có đóng góp tích cực vào việc bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Cuối cùng, du lịch không chỉ giúp trang trải phần lớn chi phí quản lý công viên, mà còn có thể mang lại lợi ích kinh tế cho các cộng đồng bản địa trong và lân cận các khu vực được bảo vệ.
Phát triển du lịch cộng đồng
Phát triển du lịch cộng đồng ở Guyana định hướng theo nhu cầu. Điều đó có nghĩa, phát triển du lịch bền vững phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng tiếp cận thị trường, sự sẵn sàng của du khách hoặc dòng khách du lịch.
Du lịch cộng đồng sẽ giúp tăng chi tiêu trong các cộng đồng, tăng niềm tự hào về di sản văn hóa và giảm di cư. Vì vậy, kế hoạch đặt mục tiêu thu hút ngày càng nhiều cộng đồng tham gia vào công việc này.
Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng cũng sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực, chính thức hóa các tuyến du lịch được liên kết với các dịch vụ vận tải hiện có và các luồng du khách chiến lược hiện có. Trong vòng 5 năm tới, các nhà lãnh đạo khu vực và cộng đồng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc quản lý và tiếp thị du lịch.
Nâng cao nhận thức và thúc đẩy nhu cầu thị trường
Ngành du lịch Guyana tập trung vào việc củng cố thương hiệu đất nước trên thị trường toàn cầu. Kế hoạch hành động chiến lược và truyền thông sẽ giúp tiếp cận hiệu quả với tất cả các đối tượng khách hàng bởi những sản phẩm du lịch quốc gia.
Kế hoạch cũng tiếp cận đến các phương pháp tiếp thị thông qua in ấn và kỹ thuật số, tập trung tại các thị trường cốt lõi của Bắc Mỹ và Vương quốc Anh cũng như các thị trường đầu tư của Đức, Áo, Thụy Sĩ, Hà Lan, Luxemburg và Bỉ. Khi các thị trường này trưởng thành hơn thì các thị trường đầu tư mới ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh sẽ được lựa chọn dựa trên tỷ lệ tăng trưởng về số lượng khách đến từ các quốc gia này.
Guyana hiện ghi dấu ấn độc đáo trong hành trình phát triển du lịch. Trong khi nhiều điểm đến chỉ chọn cung cấp một sản phẩm du lịch đồng nhất và hàng hóa phù hợp với du lịch đại chúng thì điểm mạnh của Guyana nằm ở chỗ thúc đẩy tạo nên thương hiệu. Bằng cách bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa, đồng thời đầu tư vào con người và phát triển doanh nghiệp, ngành du lịch Guyana đang đạt được thành công ấn tượng đến năm 2025 và hơn thế nữa./.