Cách hành xử vô đạo đức của Công ty nước sạch sông Đà
Câu chuyện 'nước bẩn' cung cấp cho dân nội đô Hà Nội cho thấy sự vô cảm, vô trách nhiệm vô hạn của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà.
Việt Nam ở vào vùng “dư địa” của nước. Có đến Phi châu mới cảm nhận được “tiềm năng nước” của Việt Nam đáng giá như thế nào. Nhưng đáng tiếc, con người - chủ nhân của vùng đất “giàu có” về nước lại không ý thức được sự may mắn của mình. Tất nhiên, việc “quản trị” nước của Việt Nam rất có vấn đề.
Hậu quả là, nước bị ô nhiễm về tất cả các “phương diện”: Tụt nước ngầm gây xói lở, sụt lún nghiêm trọng; gần như các dòng sông, dòng suối ít nhiều đều bị ô nhiễm. Nhiều sông trong đô thị, gần khu công nghiệp đã và đang “chết hẳn”, thậm chí bốc mùi hôi thối khiến nhiều người đề xuất lấp luôn lại cho đỡ khổ. Gần như trong chính sách quốc gia chưa đặt sự quan trọng của “an ninh nước” lên hàng đầu.
Câu chuyện dân nội thành Hà Nội mấy ngày qua phải dùng nước có mùi lạ đã gióng lên tiếng chuông cấp báo về “an ninh nước”.
Chuyện “nước bẩn” được cung cấp bởi một công ty "nước sạch" cho thấy sự vô trách nhiệm vô hạn của những người kinh doanh trong lĩnh vực này.
Cụ thể là: Phát hiện dầu loang từ sớm nhưng Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) không báo cáo sự việc mà tự tăng hóa chất xử lý nước. Đây là nguyên nhân khiến người dân sử dụng nước có mùi nồng nặc mà không biết lý do. Thật kinh hãi với cách xử lý vô đạo đức như vậy. Về mặt nào đó là sự “độc ác” với đồng loại.
Chính quyền xã sở tại thuộc huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình khi đi kiểm tra đã phát hiện vết dầu loang ở gần chân dốc con suối Khại, đoạn chạy qua địa bàn xã Phúc Tiến. Vụ việc được chính quyền địa phương báo cáo lên huyện, tỉnh. Nước từ con suối này chảy thẳng vào hồ Đầm Bài, nơi nhà máy lấy nước xử lý và cung cấp cho người dân.
Theo chính quyền ở đây, khi đến gần suối thì mùi khét lẹt bốc lên khiến nhiều người buồn nôn. Viwasupco thuê mỗi người với giá 400 -500 ngàn đồng/ngày để vớt chỗ váng dầu nói trên. Sau đó, nhiều người bị dị ứng, găng tay bở nát, quần áo giặt không hết mùi khét. Kinh không, thế mà họ hầu như không hề biết sợ lại im lặng bán nước nhiễm độc cho dân.
Khi báo chí loan tin, họ cũng không hề trả lời kịp thời, thậm chí không chủ động thông báo cho khách hàng, khiến cư dân nhiều quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông hoang mang nháo nhác đi mua nước bình, không dám dùng nước máy. Họ biện minh phải chờ đoàn liên ngành yêu cầu báo cáo nên thời điểm này mới làm và khẳng định nước vẫn an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Không chỉ Công ty kinh doanh nước gây ra “sự cố”, sự phản ứng của chính quyền Hà Nội cũng quá chậm trễ.
Tất cả những gì Hà Nội làm trong những ngày qua kể từ khi người dân phát hiện sự cố là cử một đoàn liên ngành đánh giá chất lượng nước sông Đà. Tuy nhiên cũng không hề đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người dân sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và giải pháp xử lý nước bốc mùi đã bán cho người dân ra sao?
Năm 2019 chưa qua nhưng câu chuyện “bưng bít”, “ém nhẹm” thông tin ô nhiễm môi trường khi cháy Rạng Đông và lần này là cung cấp nước “bẩn” thực sự làm dân thắt ruột thắt gan khi nghĩ tới môi trường sống của mình.
Nhiều người hài hước và cay đắng nói, may mà ô nhiễm dầu thải, độc thì cực độc đấy nhưng lại có mùi khiến dân phát hiện ra.
Chứ nói dại, có kẻ phá hoại đổ trộm hóa chất không màu không mùi thì cả thành phố không biết vào viện vì lý do gì.
Thiệt hại rõ mười mươi, người dân nháo nhác, khốn khổ, cuộc sống đảo lộn mà chính quyền thì chậm trễ, thờ ơ. Ai sẽ bảo vệ người dân nếu có những thảm họa không được cảnh báo kịp thời? Ai sẽ bảo vệ người dân nếu các công ty cung cấp dịch vụ thiết yếu làm ăn vô đạo đức? Nhịn ăn cả tuần còn sống được chứ không ai nhịn uống được để tồn tại.
Người dân vẫn đang chờ xem ai phải chịu trách nhiệm vụ ô nhiễm thủy ngân khi cháy nhà máy Rạng Đông và giờ là “nước sạch" mùi khét lẹt, bốc mùi hôi thối do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà cung cấp.