Ngày 7/6/2021, đánh dấu 40 năm kể từ khi Không quân Israel bắt đầu Chiến dịch Opera để phá hủy một lò phản ứng hạt nhân của Iraq cách Baghdad 17 km. Hành động này đánh dấu cuộc tấn công phòng ngừa đầu tiên của Israel và lần đầu tiên máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon của Mỹ được sử dụng trong chiến đấu.
Iraq không có ngành công nghiệp hạt nhân phát triển và lò phản ứng hạt nhân duy nhất có tên Osirak do Pháp cung cấp, phải phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên Pháp.
Mặc dù không có bằng chứng xác thực nào cho thấy Iraq dự định phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng nước này có động cơ rõ ràng để theo đuổi chúng nhằm mang lại lợi thế chiến lược trước nước láng giềng Iran và chống lại kho vũ khí hạt nhân của Israel.
Israel đã bắt đầu trang bị vũ khí hạt nhân vào cuối những năm 1960 và sau cuộc tấn công vào Osirak, nước này đã đưa ra học thuyết chính thức về sự cần thiết phải ngăn chặn các quốc gia Trung Đông khác phát triển vũ khí hạt nhân, để đảm bảo Israel độc quyền về lực lượng hạt nhân.
Cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạt nhân Iraq diễn ra vào thời điểm Baghdad đang là đối tác quan trọng hàng đầu của phương Tây trong thế giới Ả Rập, với việc Tổng thống Saddam Hussein lên nắm quyền vào năm 1979 đã xoay trục đất nước hợp tác chặt chẽ với khối phương Tây và chống lại các đối thủ truyền thống của phương Tây trong khu vực như Syria và Nam Yemen.
Năm 1980, Iraq đã xâm lược nước láng giềng Iran với sự hỗ trợ đáng kể của phương Tây. Và hành động tấn công cơ sở hạt nhân Iraq của Israel đã nhận phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nước phương Tây.
Phó Tổng thống Mỹ George HW Bush, đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt kinh tế để trừng phạt Israel, trong khi Mỹ ủng hộ lên án các hành động của Israel tại Hội đồng Bảo mật Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Mỹ sau đó đã tạm thời đóng băng việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 mới cho Israel. Thời điểm xảy ra vụ tấn công của Israel, khoảng ba tuần trước cuộc bầu cử quốc hội Israel, khiến dư luận đồn đoán rằng đây là hành động được khởi xướng để cải thiện triển vọng bầu cử của chính phủ.
Cuộc tấn công vào lò phản ứng Osirak cho đến ngày nay vẫn được nhiều người coi là thời khắc quan trọng nhất của Không quân Israel. Không quân nước này đã sử dụng các máy bay chiến đấu mới được chuyển giao bao gồm 8 máy bay phản lực F-16A Fighting Falcon và 6 máy bay phản lực F-15A Eagle.
F-15 là loại máy bay có khả năng tác chiến tốt hơn với các cảm biến ưu việt và độ bền cao hơn, F-15 được giao nhiệm vụ hộ tống những chiếc F-16A trong trường hợp chúng bị các máy bay chiến đấu của Iraq tấn công trên không.
Những chiếc F-16 mang bom Mark-84 và những quả bom hạng nặng nặng tới 900kg, mỗi chiếc chỉ có thể mang hai quả bom. Không quân Iraq cũng trang bị một số máy bay phản lực chiến đấu tiên tiến nhất ở Trung Đông như MiG-25 Foxbat.
Tuy nhiên, tình trạng rối loạn của hệ thống phòng không Iraq và các máy bay MiG-25 của Iraq chưa thực sự sẵn sàng chiến đấu vì vậy không thể tạo ra mối đe dọa đối với lực lượng tấn công Israel.
Do đó, thảm họa của Iraq không phải do thiếu thiết bị, mà là do thiếu sự chuẩn bị. Israel là khách hàng nước ngoài đầu tiên của cả F-15 và F-16 và ngày nay không quân nước này vẫn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào cả hai loại máy bay chiến đấu này.
Israel và Ấn Độ đều xem xét các biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Pakistan, ngoài ra Israel cũng sẵn sàng ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran và đã tham gia vào các cuộc tấn công mạng vào chương trình hạt nhân của Iran.
Mỹ cũng xem xét các cuộc tấn công vào lò phản ứng hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên dưới thời chính quyền Bill Clinton. Với 9 quốc gia đang triển khai vũ khí hạt nhân hiện nay, liệu các cuộc tấn công ngăn chặn tiếp theo có được thực hiện để ngăn các quốc gia khác phát triển vũ khí như vậy trong tương lai hay không. Nguồn ảnh: Pinterest.
Tiêm kích chiến đấu F-15 của Mỹ hoạt động tại Trung Đông. Nguồn: USAF.
Thái Hòa