Cách làm cầm đồ chẳng giống ai của Digiworld

Quy mô chuỗi cầm đồ của Digiworld vẫn đang tỏ ra khiêm tốn so với các doanh nghiệp trong ngành, dù đã có hơn một năm tái cấu trúc.

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld) đã chia sẻ về kế hoạch phát triển hệ thống Vietmoney, sau hơn một năm bước chân vào lĩnh vực cầm đồ.

Cụ thể, từ quý IV/2023, Digiworld đã nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi cầm đồ Vietmoney lên hơn 72%. Thời điểm đó, Vietmoney có 16 chi nhánh trên toàn quốc, một quy mô khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng ngành như F88, hay Người bạn vàng.

Theo Chủ tịch Đoàn Hồng Việt, Vietmoney hiện vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc, thay đổi toàn bộ từ danh mục sản phẩm đến bộ nhận diện thương hiệu.

Đồng thời, chuỗi này sẽ hướng tới là đơn vị duy nhất trong ngành trả lại tiền cho khách hàng nếu bán sản phẩm cầm cố thu được nhiều tiền hơn số tiền mà khách đang nợ.

"Ví dụ khách hàng cần 10 triệu đồng, dù sản phẩm thế chấp có thể vay tối đa 20 triệu nhưng sẽ không vì chạy theo doanh thu mà muốn khách hàng vay toàn bộ 20 triệu đồng. Chúng tôi sẽ chỉ khuyến khích khách hàng vay vừa đủ, tránh gánh nặng lãi suất cao", ông Việt cho biết.

Người đứng đầu Digiworld cho rằng, "cầm đồ" là ngành hàng có thể dễ dàng tăng doanh thu rất nhanh nếu "dễ dãi" hơn trong việc cho vay, tuy nhiên hệ lụy sau đó sẽ là nợ xấu. Do đó, Digiworld không lựa chọn hướng đi này, danh mục cho vay cầm cố sẽ cần giảm xuống, quy mô các cửa hàng cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn.

Vietmoney có quy mô khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng ngành như F88, hay Người bạn vàng. Ảnh: VM

Vietmoney có quy mô khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng ngành như F88, hay Người bạn vàng. Ảnh: VM

Bên cạnh đó, nhận dạng thương hiệu cũng sẽ được thay đổi nhằm thân thiện hơn với người dùng, không phải hình ảnh của một tổ chức "cho vay nặng lãi", mà nhấn mạnh tính nhân văn và chính trực.

Trước đó, lãnh đạo Digiworld đầu tư vào Vietmoney với mục tiêu kinh doanh các sản phẩm đã qua sử dụng, chủ yếu là điện thoại, laptop.

Theo đánh giá của Digiworld, thị trường điện thoại và laptop đã qua sử dụng là khá lớn, và chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào thị trường này.

Ông Việt lấy ví dụ từ thống kê của các nhà mạng, tại cùng thời điểm có hơn 40% điện thoại đang kết nối mạng là iPhone, trong khi iPhone bán mới chỉ từ 13 - 18% thị phần theo quý. Điều này có nghĩa số lượng iPhone đang hòa mạng lớn gấp đôi lượng máy mới.

Một chiếc iPhone thường có vòng đời khoảng sáu năm và thường dùng 2-3 năm là đổi máy mới, nên thị trường điện thoại đã qua sử dụng rất lớn. Biên lợi nhuận của các sản phẩm này theo lãnh đạo Digiworld cũng cao hơn máy mới.

Do đó, Vietmoney sẽ vừa có thể mở rộng hoạt động để vừa làm dịch vụ tài chính vừa kinh doanh các sản phẩm máy cũ.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/cach-lam-cam-do-chang-giong-ai-cua-digiworld-d39096.html