Nhà đầu tư lo ngại về chính sách mới của Meta
Nhà đầu tư lo ngại Meta cắt giảm phúc lợi nhân viên nhưng tăng thưởng lãnh đạo, có thể gây mất nhân tài và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực AI.
Giảm đãi ngộ nhân viên, tăng thưởng lãnh đạo
Theo Reuters, phần lớn nhân viên Meta (công ty mẹ của Facebook) được trả lương cơ bản, nhận thưởng và được cấp cổ phiếu như một phần trong gói đãi ngộ. Cổ phiếu này sẽ được tích lũy dần và chỉ có thể bán hoặc sử dụng sau mỗi quý trong khoảng thời gian 4 năm.
Tuy nhiên, trong năm nay, nhiều nhân viên đã được thông báo rằng phần cổ phiếu hỗ trợ sẽ giảm khoảng 10%, tùy thuộc vào công việc và khu vực làm việc của họ. Meta vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này.

Bất chấp việc cắt giảm 4.000 nhân viên, Meta vẫn quyết định tăng mạnh mức thưởng cho đội ngũ lãnh đạo để duy trì sức cạnh tranh trong ngành công nghệ. Ảnh minh họa: Francis Mascarenhas.
Trong khi giảm bớt cổ phiếu hỗ trợ cho nhân viên, Meta lại tăng mức thưởng hàng năm cho các giám đốc cao cấp. Theo các tài liệu gửi cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), Meta đã phê duyệt việc tăng mức thưởng cho các giám đốc điều hành từ 75% lên 200% mức lương cơ bản. Tuy nhiên, kế hoạch này không áp dụng cho Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg.
Theo các nguồn tin nội bộ, một số nhân viên Meta đã bày tỏ sự không hài lòng trên các diễn đàn công nghệ và mạng nội bộ. Một số nhân sự cấp cao đã rời đi và nhiều người lo ngại rằng sự cắt giảm này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút nhân tài của công ty. Việc mất đi các chuyên gia trong lĩnh vực AI và công nghệ cao có thể khiến Meta gặp bất lợi trước các đối thủ cạnh tranh.
Nhà đầu tư lo lắng
Kể từ năm 2022, Meta đã sa thải hơn 20.000 nhân viên và tiếp tục có kế hoạch tinh giản đội ngũ nhân sự. Vào tháng 1, công ty thông báo sẽ cắt giảm 5% nhân sự trong nhóm "hoạt động kém hiệu quả" và tuyển dụng lại cho các vị trí bị thay đổi.
CEO Mark Zuckerberg cũng cảnh báo rằng sẽ có thêm các đợt sa thải trong năm nay để "nâng cao tiêu chuẩn" trong quản lý hiệu suất.
Về phía nhà đầu tư, việc giảm đãi ngộ có thể khiến Meta gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân tài, đặc biệt khi các công ty công nghệ khác vẫn duy trì chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Nếu tình trạng chảy máu chất xám xảy ra, khả năng cạnh tranh của Meta có thể bị ảnh hưởng trong dài hạn.
Một số cổ đông đã lên tiếng lo ngại về hướng đi của công ty khi Meta dành phần lớn lợi nhuận để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng lại không đảm bảo sự ổn định của lực lượng lao động.
Trong khi Meta cắt giảm tùy chọn cổ phiếu cho nhân viên, các đối thủ như Google và Microsoft vẫn đang duy trì chính sách đãi ngộ hấp dẫn để giữ chân nhân tài. Theo báo cáo tài chính gần đây, Google tiếp tục cung cấp tùy chọn cổ phiếu dài hạn và thưởng hậu hĩnh cho nhân viên AI. Microsoft cũng có các chương trình khuyến khích tương tự để cạnh tranh trong lĩnh vực AI và điện toán đám mây.
Các chuyên gia nhận định rằng, nếu Meta tiếp tục siết chặt chi tiêu và cắt giảm phúc lợi, công ty có thể mất đi lợi thế trong việc tuyển dụng nhân tài hàng đầu, đặc biệt là trong mảng trí tuệ nhân tạo - nơi Google và Microsoft đang dẫn đầu.

Văn phòng Meta ở Chicago (Illinois, Mỹ). Ảnh: E. Jason Wambsgans/Chicago Tribune
"Nước cờ" mạo hiểm của Meta?
Cổ phiếu Meta đã tăng mạnh kể từ ngày 17/1, sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ duy trì lệnh cấm TikTok tại quốc gia này. Dù Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hoãn thi hành, lệnh cấm vẫn mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho Meta, đặc biệt là với các nền tảng như Facebook và Instagram.
Ngoài ra, Meta cũng được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư vào AI, sau khi ông Mark Zuckerberg tuyên bố kế hoạch chi tiêu tới 65 tỷ USD trong năm nay để mở rộng hạ tầng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, dù giá cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng vẫn còn những lo ngại về khả năng sinh lời thực sự từ khoản đầu tư AI đắt đỏ này. Nếu các dự án AI không đạt kỳ vọng, Meta có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", bao gồm cả việc giảm thêm các phúc lợi khác.
Các nhà phân tích cho rằng việc giảm đãi ngộ có thể là một tín hiệu tiêu cực đối với cả nhân viên và nhà đầu tư. Dù Meta hiện đang ở vị thế mạnh trên thị trường chứng khoán, việc tiếp tục điều chỉnh chính sách đãi ngộ có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của nhân viên và niềm tin của các cổ đông.
Meta từng thực hiện "năm hiệu quả" vào cuối 2022 và đầu 2023, khi sa thải hơn 20.000 nhân viên trong hai đợt.
Công ty chi hơn 3,5 tỷ USD để thu hẹp quy mô, gồm 2,5 tỷ USD cho việc hợp nhất cơ sở vật chất, tức đóng cửa và tinh gọn văn phòng, cùng một tỷ USD cho "chi phí thôi việc và chi phí nhân sự khác".
Theo CEO Zuckerberg khi đó, chiến lược giúp công ty hoàn thành mục tiêu đề ra của năm 2023 với doanh thu tăng 16% và lợi nhuận tăng 69%.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nha-dau-tu-lo-ngai-ve-chinh-sach-moi-cua-meta-375281.html