Cách làm hay của Thành Đoàn Đà Nẵng trong tuyên truyền, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến
Những năm qua, Thành Đoàn Đà Nẵng là một trong những đơn vị triển khai tốt công tác phối hợp, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên (TTN) chậm tiến, vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều mô hình hay, việc làm có ý nghĩa nhân văn đã được các cấp bộ Đoàn triển khai, qua đó góp phần xây dựng 'thành phố 4 an' của thành phố.
Trong quá trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Thành Đoàn Đà Nẵng luôn chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung lẫn hình thức. Đơn cử, Thành Đoàn đã tham mưu, phối hợp với ngành Công an, Ban An toàn giao thông TP (ATGT) tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ATGT trong đoàn viên thanh niên như: Lễ Tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT hằng năm; hướng dẫn duy trì, phát triển các đội hình Thanh niên tình nguyện tham gia tuyên truyền, đảm bảo trật tự ATGT tại cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Cổng trường ATGT”; tham mưu tổ chức Diễn đàn “Thanh niên với ATGT” tại Lễ Ra quân Tháng hành động Vì an toàn giao thông cấp quốc gia.
10 năm qua (2013 đến nay), Thành Đoàn đã tổ chức được 242 buổi tuyên truyền về pháp luật tại 56 xã, phường trên địa bàn TP, thu hút gần 120.400 lượt đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Đặc biệt, những năm gần đây, Thành Đoàn Đà Nẵng là một trong những đơn vị làm tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật như tổ chức các cuộc thi trực tuyến: thiết kế infographic với chủ đề “Tuổi trẻ Đà Nẵng chung tay đẩy lùi ma túy”, “Thiết kế sản phẩm tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ”; “Thi trực tuyến tìm hiểu về Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030”, “Cuộc thi sáng tác phim ngắn về phòng chống ma túy”.
Chị Lê Thị Lành – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành Đoàn chia sẻ, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành xây dựng các infographic tuyên truyền pháp luật với nhiều nhóm chủ đề khác nhau đăng tải trên các trang mạng xã hội, chỉ đạo các cơ sở Đoàn đồng loạt đăng tải tuyên truyền. Thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”, Ban Tuyên giáo Thành Đoàn cũng đã tham mưu triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội cùng với cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục đăng tải, chia sẻ các tấm gương thanh thiếu niên có hành động dũng cảm vì cộng đồng, gương người tốt, việc tốt, có tính định hướng giá trị sống, tạo hiệu ứng xã hội cao.
Bên cạnh đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, Thành Đoàn cũng là đơn vị triển khai nhiều mô hình sáng tạo trong giúp đỡ, giáo dục và cảm hóa TTN chậm tiến, vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội tái hòa nhập cộng đồng. Để công tác này phát huy được hiệu quả, chị Lê Thị Lành cho biết, Ban Tuyên giáo Thành Đoàn đã tiến hành khảo sát, điều tra số liệu thực tế tại các địa phương, tạo căn cứ để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đánh giá, phân loại các nhóm TTN chậm tiến, từ đó xác định phương pháp cảm hóa, có chương trình hỗ trợ giúp đỡ phù hợp.
Theo đó, đối với hoạt động giúp đỡ, cảm hóa TTN chậm tiến, Thành Đoàn đã triển khai mô hình “3+1”. Một em TTN chậm tiến sẽ do 1 cán bộ Thành Đoàn cùng với 1 cán bộ Quận, Huyện Đoàn và các Bí thư Đoàn Phường trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ. Các đồng chí được phân công đến tận nhà các em động viên, thăm hỏi; khảo sát nhu cầu nguyện vọng của từng em; hỗ trợ và nộp học phí học nghề, tặng xe đạp cho các em với sự chứng kiến của gia đình.
Ngoài ra, một trong những hoạt động ý nghĩa của Thành Đoàn được ghi nhận, đánh giá cao trong những năm qua là triển khai các mô hình “Thắp sáng niềm tin”, “Sống có trách nhiệm - Tâm sáng hướng thiện”, “Đến với những mảnh đời lầm lỡ” tại Cơ sở Xã hội Bàu Bàng, Trường Giáo dưỡng số 3 và tại địa bàn dân cư gắn với các bộ phận TTN chậm tiến, TTN nghiện ma túy, thanh niên sử dụng ma túy lần đầu. Các mô hình được triển khai với các hình thức đa dạng, trên tinh thần tiếp xúc gần gũi, bầu bạn, sẻ chia cùng lực lượng TTN chậm tiến trong chính cuộc sống sinh hoạt đời thường với mục tiêu cảm hóa, giáo dục các em. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành Đoàn đã hướng dẫn, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn nhận hỗ trợ, cảm hóa, giáo dục được 112 TTN chậm tiến, 84 thanh niên lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy, số tiến bộ đạt trung bình đến 87%, vượt chỉ tiêu được giao là 70%.
Theo chị Lê Thị Lành, để có được kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền pháp luật và giáo dục cảm hóa TTN chậm tiến nói chung, cần tiếp tục đề ra những giải pháp đổi mới toàn diện trong công tác tuyên truyền. Đặc biệt, mỗi cán bộ Đoàn tham gia vào công tác hỗ trợ TTN chậm tiến phải có tấm lòng và tinh thần trách nhiệm cao. “Cần đến với những người trẻ chậm tiến bằng tình cảm, sự chân thành, gần gũi và cần là một chuyên gia tâm lý, thấu hiểu tâm tư, cá tính của người mà mình giúp đỡ. Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, các hội, đoàn thể tại địa phương, đơn vị”- chị Lành tâm sự.