Cách làm hay trong truyền thông phòng, chống HIV vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến hết tháng 9-2020, lũy tích HIV là 2.461 người; trong đó, số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 1.613 bệnh nhân, 848 người đã tử vong. Trong đó, gần 50% đối tượng nhiễm HIV là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, hằng năm Trung tâm đã tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở điều trị, trạm y tế các xã, phường; truyền thông qua các cuộc thi, giao lưu văn nghệ; phối hợp với các huyện tổ chức truyền thông, phát tờ rơi, treo băng zôn, biểu ngữ tuyên truyền về lây truyền HIV từ mẹ sang con và phòng, chống HIV/AIDS.
Trưởng thôn Kim Thu Ngà (thứ 2 từ trái sang), xã Kim Quan (Yên Sơn) tuyên truyền tới người dânvề cách phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Ông Lê Quân Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 27 ca nhiễm mới, giảm 6 ca so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền như: Huyện Yên Sơn, Sơn Dương phát huy hiệu quả Nhóm Giáo dục đồng đẳng; huyện Chiêm Hóa đẩy mạnh vai trò trưởng thôn, cán bộ y tế thôn bản trong công tác tuyên truyền miệng; huyện Na Hang phòng, chống ma túy, HIV/AIDS gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Với sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và hiệu quả từ hoạt động của Nhóm Giáo dục đồng đẳng huyện Yên Sơn nên tỷ lệ bệnh nhân HIV phát hiện mới giảm đáng kể qua mỗi năm. Từ sự bế tắc, tuyệt vọng, những mảnh đời lầm lỡ đã vượt qua mặc cảm bởi họ nhận được sự sẻ chia cho nhau khi sinh hoạt tại Nhóm Giáo dục đồng đẳng. Họ cũng chính là tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng trong việc tư vấn, tuyên truyền về HIV/AIDS; phát bao cao su, bơm kim tiêm... 5 năm qua, nhóm đã tổ chức được 20 buổi tuyên truyền tại các xã trong đó tập trung ở các xã vùng sâu, xa; phát trên 25.000 tờ rơi tuyên truyền về HIV/AIDS. Từ đó, nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị lây nhiễm HIV/AIDS.
Phát huy vai trò của đoàn thanh niên trong chiến dịch đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, đoàn thanh niên các xã đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Anh Trần Hồng Cảnh, Bí thư Đoàn xã Đông Lợi (Sơn Dương) cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền tại cộng đồng, phát tờ rơi, hàng năm, Đoàn xã phối hợp với các trường học tổ chức truyền thông trực tiếp cho học sinh các cấp; tuyên truyền cho đoàn viên tại buổi sinh hoạt đoàn, thành lập các nhóm giúp nhau phát triển kinh tế, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Không chỉ xóa đi mặc cảm, những mảnh đời lầm lỡ ở huyện Na Hang còn được hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tư vấn kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV, lây truyền từ mẹ sang con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Chị H.T.T, xã Năng Khả (Na Hang) phát hiện mình bị nhiễm HIV năm 2016, đó cũng là lúc chị biết mình mang thai. Tinh thần suy sụp, nhờ sự tư vấn của cán bộ trạm y tế xã về xét nghiệm sớm và điều trị uống thuốc dự phòng ARV, tuân thủ đúng phác đồ nên con chị khi sinh ra không bị lây nhiễm từ mẹ và bé được nuôi 100% bằng sữa ngoài. Trong quá trình nuôi con, chị cũng được cán bộ y tế tư vấn về cách chăm sóc và điều trị để tránh lây nhiễm sang con.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV ở vùng đồng bào DTTS còn gặp những khó khăn. Do đó, các địa phương cần tăng cường phối hợp với các ngành trong tuyên truyền, phòng chống HIV; rà soát, bổ sung danh sách các đối tượng có nguy cơ cao, tăng cường các hoạt động tư vấn xét nghiệm tại các thôn bằng hình thức xét nghiệm lưu động. Phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng xuống dưới 0,3% vào năm 2020, tiến tới không còn người nhiễm mới vào năm 2030.