Cách làm hay xóa bất bình đẳng ở Minh Dân
Bao lâu nay, tư tưởng 'trọng nam khinh nữ' khiến cuộc sống người phụ nữ Dao ở Minh Dân (Hàm Yên) khá vất vả. Trước đây, quanh năm người đàn ông Dao thường ở nhà, đi chơi, tụ tập… Người vợ đảm nhiệm mọi công việc đồng áng, kiếm tiền, chăm sóc, nuôi dạy con cái, không được tham gia hoạt động xã hội. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã đã có nhiều cách làm hay xóa bỏ khoảng cách bất bình đẳng giới trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Dân khẳng định, xóa bỏ tư tưởng, quan niệm lạc hậu “trọng nam khinh nữ”, “đàn bà phục vụ đàn ông” thì phải nâng cao nhận thức, trình độ cho người dân nơi đây. Bởi thực tế, nhiều phụ nữ người Dao từng được học chữ nhưng do lâu ngày không được sử dụng nên đã bị tái mù chữ. Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với giáo viên trường Tiểu học Minh Dân tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức chữ Tiếng Việt cho các hội viên. Qua lớp học, các học viên được ôn lại cách đọc, cách viết.
Chị Triệu Mùi Bính, thôn Nước Mỏ tâm sự: “Trước đây mình được học chữ rồi, quanh năm làm lụng, lâu không dùng nên quên mất mặt chữ. Hội Phụ nữ xã tổ chức lớp học ôn tập lại chữ viết, trong vòng 1 tháng mình đã đọc thông, viết thạo trở lại. Nhờ đó mà khi được Hội Phụ nữ phát các tài liệu, kiến thức mình đều đọc và hiểu được”.
Hội Phụ nữ xã đã thành lập Câu lạc bộ “Gia đình bình đẳng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” thu hút nhiều thành viên tham gia, trong đó có cả nam giới. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình… Qua đó giúp các cặp vợ chồng biết được vị trí, vai trò cũng như quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.
Chị Đặng Thị Poóng, thôn Đồng Mới chia sẻ, nay chồng mình đã hiểu và giúp đỡ công việc gia đình với mình. Chẳng hạn như: Vợ nấu cơm thì chồng cho lợn, gà ăn, cả hai cùng nhau nuôi dạy các con chăm ngoan. Tương tự như vậy, anh chị Bàn Văn Trọng và Đặng Thị Lân, thôn Nước Mỏ lấy nhau hơn 10 năm. Anh chị đã tạo dựng cơ ngơi với ngôi nhà có đầy đủ tiện nghi. Thế nhưng hiện nay điều chị Lân vui nhất không phải là của cải trong nhà, mà là sự cảm thông từ phía người chồng. Anh Bàn Văn Trọng nói, tất cả công việc không thể khoán trách nhiệm cho vợ hết, mà cần có sự sẻ chia từ những việc nhỏ nhất. Thế nên hai vợ chồng mình cùng nhau làm từ việc nhà, đồng áng và nuôi dạy con cái.
Từ việc đẩy lùi các tập tục lạc hậu trong quan hệ gia đình, phụ nữ xã Minh Dân đã có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, điển hình là phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở. Xã chú trọng phát triển phong trào thể thao dân tộc thiểu số với các môn bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, tung còn... Minh Dân có rất nhiều đội gia đình thể thao dân tộc thiểu số, tiêu biểu là gia đình anh Lục Văn Vằn, thôn Thác Đất; anh Bàn Văn Quang, thôn Làng Vai.
Đặc biệt trong những năm gần đây, bóng đá nữ xã Minh Dân ngày càng phát triển. Vào dịp 8-3, 20-10 hàng năm, xã tổ chức thi đấu bóng đá nữ giữa các thôn. Cuối buổi, phần thưởng của các chị là được ăn một bữa cơm do chính tay các ông chồng nấu. Chị Bàn Thị Dong, thôn Nước Mỏ cho biết, đó là sự sắp xếp khéo léo của các chị cán bộ phụ nữ xã. Đàn ông người Dao vào bếp xưa nay là chuyện hiếm, ban đầu trông họ thật lóng ngóng nhưng cuối cùng cũng nấu nướng đâu ra đấy. Bữa cơm tưởng chừng như giản dị, nhỏ nhoi ấy, nhưng đối với người phụ nữ lại là niềm vui rất lớn.
Đến nay, phong trào văn nghệ tại các thôn, bản trên địa bàn xã hoạt động rất sôi nổi. Toàn xã có 12 đội văn nghệ; mỗi năm, các đoàn thể xã tổ chức được 6-8 hội diễn, bà con tham gia hào hứng, nhiệt tình. Điển hình như bà Phạm Thị Thành, bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Ngòi Khang thường xuyên biểu diễn nhiều tiết mục hát Then, Cọi, Páo Dung tại liên hoan văn nghệ quần chúng của xã.
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đời sống bà con nơi đây dần thay đổi. Toàn xã hiện có 85 mô hình kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Đến nay, tất cả 12 thôn, bản của xã đều có nhà văn hóa với khuôn viên rộng rãi phù hợp với việc sinh hoạt và giao lưu văn hóa ở các thôn, bản. Trung bình mỗi năm, xã có gần 90% số hộ đạt Gia đình văn hóa.