Cách làm mới của Hà Tĩnh

Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung Chương trình OCOP đến mọi tầng lớp nhân dân, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Cuộc thi Chương trình OCOP trên mạng internet, tạo 'sân chơi' bổ ích, lý thú cho cộng đồng.

Gameshow "OCOP là gì?" ghi hình số đầu tiên tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh

Gameshow "OCOP là gì?" ghi hình số đầu tiên tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh

Theo đó, cuộc thi được tổ chức qua 2 hình thức: Gameshow truyền hình "OCOP là gì?" và Trắc nghiệm trực tuyến trên mạng internet. Cụ thể, đối với Gameshow truyền hình "OCOP là gì?", sẽ diễn 2 vòng: Cấp huyện và chung kết tỉnh. Các đội chơi sẽ trải qua 4 phần thi: Tìm hiểu kiến thức chung về Chương trình OCOP; giới thiệu sản phẩm OCOP; vui cùng OCOP và lấy ý kiến bình chọn của khán giả.

Đối với trắc nghiệm trực tuyến trên mạng internet, mỗi người có thể tham gia dự thi nhiều lần trong cuộc thi tuần, nhưng chỉ được công nhận 1 kết quả đúng và có thời gian trả lời sớm nhất trong số các lần dự thi. Kết thúc mỗi tuần thi, 3 người tham gia trả lời đúng các câu hỏi với thời gian nhanh nhất và dự đoán số người trả lời đúng gần nhất sẽ nhận được giải thưởng tuần. Kết thúc chương trình trắc nghiệm trực tuyến, người tham gia có số tuần tham dự nhiều nhất, kết quả đạt cao nhất sẽ nhận được 1 giải đặc biệt trị giá 10 triệu đồng.

Theo ông Trần Huy Oánh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, với sự tập trung cao, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự hưởng ứng, nỗ lực của cộng đồng, các chủ thể sản xuất, chương trình đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Hà Tĩnh coi công tác truyền thông và cuộc thi về Chương trình OCOP trên mạng internet là một trong những sáng kiến để nâng cao nhận thức, kiến thức, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.

Hiện nay, Hà Tĩnh đã có 72 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 69 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao. Năm 2020, 255 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đã được cấp huyện xét chọn và Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh kiểm tra, chấp thuận 192 ý tưởng sản phẩm đủ điều kiện lập phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD) để tham gia chương trình. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP. Năm 2019, toàn tỉnh có 59 cơ sở SXKD tham gia chương trình được hưởng chính sách với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Năm 2020, dự kiến kinh phí hỗ trợ chính sách Chương trình OCOP hơn 40 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình OCOP, công tác quản lý chất lượng sản phẩm luôn được Hà Tĩnh chú trọng. Sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ được dán tem OCOP do Văn phòng Điều phối NTM tỉnh phát hành có mã QR để truy xuất nguồn gốc và các thông tin liên quan về sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác quảng bá và xúc tiến thương mại cũng được tỉnh quan tâm giới thiệu, quảng bá. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 13 cửa hàng bán sản phẩm OCOP tại các huyện và tại các điểm dừng xe trong tỉnh. Năm 2019, so với năm 2018, doanh thu bán hàng của các sản phẩm OCOP đạt 323,8 tỷ đồng (tăng 36%); lợi nhuận 66,2 tỷ đồng (tăng 49,7%); 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu 126,2 tỷ đồng, lợi nhuận 19 tỷ đồng.

Chương trình OCOP Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến hết năm 2020, có thêm ít nhất 90 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao; trong đó, 10 sản phẩm được công nhận từ 4 sao trở lên; phát triển mới 3 - 5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh…

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cach-lam-moi-cua-ha-tinh-143946.html