Cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống đuối nước trẻ em
Trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em, chủ yếu trong kỳ nghỉ hè. Trước thực trạng này, chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, phát động phong trào dạy bơi cho học sinh. Nổi bật là huyện Di Linh với những cách làm sáng tạo để tất cả các trẻ ở lứa tuổi học sinh trên địa bàn huyện đều biết bơi.
Huyện Di Linh có diện tích tự nhiên lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, với 5 hồ thủy điện, 38 hồ thủy lợi, hơn 7.000 ao hồ nhỏ phục vụ nông nghiệp. Cũng từ điều kiện tự nhiên này nên trên địa bàn xảy ra nhiều vụ đuối nước, chủ yếu ở trẻ em. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 9 vụ trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Chính quyền huyện Di Linh đã quyết liệt vào cuộc với những cách làm sáng tạo. Cụ thể, UBND huyện đã tiến hành song song 2 nhiệm vụ, vừa đầu tư các bể bơi cho hầu hết các xã, thị trấn, vừa tổ chức dạy bơi một cách bài bản, chuyên nghiệp cho tất cả học sinh các trường đã được đầu tư bể bơi.
Ông Vũ Đức Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: Từ năm 2011, huyện đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng 5 hồ bơi tại thị trấn Di Linh và 4 xã khác. Đến năm 2022, từ nguồn ngân sách huyện tiếp tục đầu tư 5 hồ bơi di động cho 5 xã khác. Đến nay, trên toàn huyện có 17 hồ bơi, trong đó có 9 hồ cố định và 8 hồ di động; cùng với 3 hồ bơi cố định đang hoàn thiện, toàn huyện có 15/19 xã, thị trấn có hồ bơi.
Một cách làm mang tính chất đột phá của Di Linh là đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi. Thay vì mời huấn luyện viên từ nơi khác tới dạy mỗi khóa như trước đây, UBND huyện đã mời những huấn luyện viên giỏi từ 2 trường Đại học Thể dục thể thao của Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng tới dạy cho toàn bộ giáo viên thể dục của tất cả các trường từ bậc Tiểu học đến Trung học Phổ thông trên toàn địa bàn. Huyện bỏ kinh phí và tổ chức, ngành chức năng tỉnh cấp chứng chỉ, nên toàn bộ 133 giáo viên thể dục trong hệ thống giáo dục của huyện đã đủ điều kiện để dạy môn bơi. Đặc biệt, lãnh đạo UBND huyện đã ra những văn bản quyết liệt, yêu cầu tất cả các trường đã được trang bị bể bơi phải đưa môn dạy bơi làm môn ngoại khóa bắt buộc và 100% học sinh của trường phải tham gia môn bơi lội.
Kết quả từ năm 2022 đến nay, các trường học, UBND xã, thị trấn và các hồ bơi tư nhân trên địa bàn huyện đã tổ chức 44 lớp, dạy bơi cho gần 1.700 trẻ; dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho gần 19.000 trẻ. Tháng 5/2023, lần đầu tiên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức Giải bơi bậc Tiểu học - Trung học Cơ sở toàn huyện với 250 học sinh tham gia, tạo khí thế sôi nổi trong các trường học. Mục tiêu huyện đặt ra cho năm học tới là toàn bộ các trường từ bậc Tiểu học (đã được đầu tư bể bơi) trở lên đều tham gia giải bơi của huyện và trở thành một sân chơi truyền thống.
Theo lãnh đạo UBND huyện Di Linh, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức dạy bơi cho toàn bộ trẻ em trong lứa tuổi học sinh trên địa bàn, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho người dân, nhất là đối tượng trẻ em. Cụ thể, huyện đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, hồ đập, ao hồ nhỏ. Hiện toàn bộ 5 hồ đập thủy điện đã có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm cấm bơi lội; 38/38 hồ thủy lợi được cảnh báo phòng, chống đuối nước; có 3.370/7.020 ao, hồ chứa nước được rào chắn, cảnh báo. Trong huyện còn khoảng 3.450 ao hồ nhỏ do người dân tự đào trong đất sản xuất của gia đình chưa có cảnh báo, rào chắn. Các hộ này đã được tuyên truyền, cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước cho con em mình; thả dây bám, phao, cây nổi xung quanh bờ ao, hồ chứa nước của gia đình, nhất là các hồ trải bạt chống thấm trong lòng gây trơn trượt…
Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, hầu hết các huyện, thành phố nằm ở độ cao lớn so với mực nước biển. Khí hậu của 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc cũng như các địa phương từ đèo Bảo Lộc trở lên đều mát mẻ hoặc lạnh, người dân rất ngại đi bơi lội ở các sông suối, ao hồ ngoài trời nên trẻ em hầu hết không biết bơi.
Trong khi đó, nền nông nghiệp chủ yếu là trồng các loại cây công nghiệp, rau, hoa và cây ăn trái với quy mô lớn. Người dân đào rất nhiều hồ chứa nước trong vườn, rẫy để trữ nước tưới cây cho mùa khô. Hầu hết các hồ chứa nước đều trải bạt nylon chống thấm nên nếu có người bị rơi xuống, bạt bao quanh bờ hồ rất trơn và không có chỗ bám; nếu không được cứu kịp thời thì kể cả người lớn cũng dễ gặp nguy hiểm.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có những giải pháp quyết liệt, chỉ đạo các địa phương phát động phong trào bơi lội; có chế tài xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra đuối nước. Nhờ đó, trong 2 năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã chú ý đến việc dạy bơi và triển khai các giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ khá thành công.