Để dập tắt chính biến ở thủ đô Praha, tiên phong trong lực lượng Quân đội Liên Xô tràn ngập Thủ đô Tiệp Khắc là lính dù, gọi là lực lượng đổ bộ đường không. Những động thái chính trị có chiều hướng ngả về Phương Tây của quốc gia Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tiệp Khắc đã tới đỉnh điểm vào năm 1968.
Hành động trên đã bị Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng cộng sản Đông Âu khác phản đối. Họ cho rằng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Dubsek và nhóm lãnh đạo nước này có thể tạo ra nguy cơ tan rã Khối Hiệp ước Quân sự Warszawa.
Rạng sáng ngày 21/08/1968, Quân đội Liên Xô là nòng cốt, cùng quân đội các nước khối Warszawa đã bất ngờ “đổ” vào Tiệp Khắc, trong thời gian rất ngắn, phong tỏa mọi cơ cấu chính quyền, khống chế mọi lực lượng ở nước này. Người ta gọi đó là Chiến dịch Dunai, tên con sông hiền hòa chảy dọc Đông Âu.
Chỉ trong một đêm, hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn binh lính cùng rất nhiều xe tăng đã tiến vào Tiệp Khắc để dập tắt cuộc chính biến. Tiên phong là lực lượng Binh chủng nhảy dù Liên Xô, gọi là lực lượng đổ bộ đường không (ĐBĐK).
Khi đó tác chiến điện tử hiệu quả còn thấp, nhưng trình độ tổ chức cơ động đường không, tính bất ngờ, quy mô lớn cho thấy quân đội khối Warszawa, trong đó Liên Xô là trụ cột luôn chủ động tính trước mọi diễn biến.
Chỉ mấy giờ trong đêm “lính dù” đã đánh chiếm ngoạn mục sân bay trung tâm, xung kích tiến về khống chế những mục tiêu trọng yếu của Thủ đô. Quân đội quốc gia Tiệp Khắc bị động hoàn toàn. Những tài liệu giải mật sau này cho thấy, cuộc đổ bộ vào Tiệp Khắc được Quân đội Liên Xô trù liệu từ trước.
Không phải chỉ cho tình thế ở Tiệp Khắc, mà quân dù của Liên Xô luôn thích ứng hiệu quả với các hình thái tác chiến “viễn chinh”, phức tạp, dù xảy ra ở đâu, khi đối phương gây suy yếu và xâm phạm đến lợi ích của Liên bang Xô Viết và Khối hiệp ước Quân sự Warszawa.
Được biết Bộ Tổng chỉ huy "Chiến dịch Dunai" đóng tại Legnitsa (Ba Lan). Chỉ huy chiến dịch là Đại tướng I.G.Pavlovsky, Tư lệnh Lục quân Liên Xô. Trong cuốn sách có tên "Chúng tôi bay tới Tiệp Khắc" của Đại tá Kukushkin A.V. một sĩ quan người Nga đã về hưu. Ông mô tả các động thái cụ thể các đơn vị thuộc Sư đoàn ĐBĐK cận vệ số 7 dưới sự chỉ huy của tướng Gorelov.
Quân dù vừa nhận được thiết bị mới, đó là loại dù D-1-8, cho phép lính dù nhảy từ rất cao, độ tin cậy trong khi lái dù tốt, tiếp đất chính xác. Nhảy bằng dù D-1-8 là một chương trình tuần tự cơ bản mới, cho phép Liên Xô đào tạo cán bộ, binh sĩ nhảy từ tất cả các loại máy bay hiện đại, khổng lồ, tốc độ bay lên đến 400 km/h.
Binh chủng này có khả năng huy động lực lượng cực lớn tham chiến. Trong đó binh sĩ thiện chiến nhảy dù cùng nhiều xe chiến đấu, pháo tự hành. Đã từng có cuộc thao diễn, hơn một ngàn binh sĩ nhảy dù cùng lúc từ trên không, đều tiếp đất chính xác.
Hồi ký của Kukushkin viết: Từ tháng 7/1968 sư đoàn của ông được biên chế đầy đủ, ra phi trường nhằm tiến hành tập trận. Theo điều lệnh đội ngũ chiến thuật “lính dù”, để đưa lên không trung toàn bộ một sư đoàn ĐBĐK, như Sư đoàn cận vệ số 7, thì cần có 5 sư đoàn không quân vận tải, bảo đảm bằng 500 máy bay.
Trong bài tập giả định, nếu đổ bộ xuống Thành phố như Praha bằng phương pháp hạ cánh thì sẽ phải sử dụng ít nhất 3 sân bay mới không xảy ra chồng chéo bởi “cả dàn” phi cơ với mật độ dày đặc trên bầu trời.
Chiều tối ngày 20/08/1968, các sĩ quan được triệu tập gấp tới Câu lạc bộ sĩ quan nghe phổ biến: “Ngay từ phút này, cấm trại 100%. Sĩ quan ăn tối tại doanh trại, không điện về nhà riêng, chờ lệnh”. Trong màn đêm, các phân đội báo động, lên máy bay trong tư thế chiến đấu đường dài. Lệnh tác chiến chỉ được giao cho binh sĩ khi tàu bay đã ở trên không.
Trước đó ít ngày, tin tình báo cho hay, trong số 3 sân bay ở Tiệp Khắc thì có 2 đã đóng cửa. Như vậy là việc sử dụng các sân bay để lực lượng đổ bộ hạ cánh là không thể. Vì đường băng đã bị chất đầy các xe công trình công binh khác nhau như máy ủi, máy kéo, cần trục, làm vật cản. Rõ ràng “ai đó” ở Tiệp Khắc đã dự liệu trước việc này.
Lệnh từ Bộ Tham mưu Binh chủng nhảy dù quyết định sẽ đổ bộ toàn Sư đoàn chỉ trên một sân bay. Nhắc lại, phương pháp đổ bộ là hạ cánh. Cảm giác đường bay tới Praha khá dài. Trong không trung, các máy bay tiêm kích MiG-21 hộ tống trên, dưới, trước, sau các phi cơ vận tải An-12 nặng nề chở quân dù.
Rồi ánh đèn đêm Praha cũng hiện ra. Gần tới phi trường, những người lính Liên Xô nhìn rõ đèn dọc đường hạ cánh. Khi có lệnh "cởi dù!" Lúc này các binh sĩ mới biết là không phải nhảy. Máy bay tiến vào tim đường băng, hạ cánh dưới hai vệt đèn dạ hàng, vừa đúng lúc 4 giờ sáng (còn nữa). Nguồn ảnh: Warhistory.
Thái Hòa