Cách ly lỏng lẻo: Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát

Với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, Việt Nam bước đầu đã thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 không để lây lan ra cộng đồng. Trong khi cả xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, việc một số người thực hiện cách ly không nghiêm, thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng đã vô tình đẩy nguy cơ lây lan dịch bệnh cho xã hội.

Cần ý thức hành xử vì an toàn chung

Thời gian qua, có những trường hợp thuộc diện cách ly bắt buộc, cách ly tại nhà nhưng đã tránh cách ly, thực hiện cách ly không nghiêm và hậu quả là hàng loạt hệ lụy kèm theo, làm hại cả cộng đồng. Đơn cử như ca dương tính BN1342 mới công bố chiều 29/11. Việc người bệnh Covid-19 "tự cách ly tại nhà" thật đáng trách. Được biết, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý (số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) từ ngày 14-18/11, BN1342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (BN1325).

Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, BN1342 được về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Trong quá trình cách ly, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: Mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (SN1988, trú tại phường 3, quận 6, TP Hồ Chí Minh) có tới sống cùng.

Ngày 28/11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính. Ngay lập tức, 3 trường hợp tiếp xúc trực tiếp trên đây đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, người bạn nam cho kết quả dương tính (BN1347).

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điều đáng nói, trong thời gian từ 18-25/11, BN1347 đã đi dạy tại Trung tâm Anh ngữ KEY English (59 Nguyễn Bá Tuyển, phường 12, quận Tân Bình) và chi nhánh khác ở quận 10; tới quán café và quán karaoke. Tổng số tiếp xúc gần (F1) theo điều tra ban đầu là 38 (đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm); trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là 154 (trong đó có 62 người ở quận Tân Bình và 92 người ở quận 10).

Hay trước đó, trường hợp cô gái ở Bình Dương về né cách ly rồi livestream trên mạng xã hội. Bệnh nhân thứ 17 né cách ly, không khai báo rõ hành trình và tình trạng sức khỏe, làm lây bệnh ra 2 người khác và làm cả phố bị phong tỏa... cho thấy ý thức và trách nhiệm của họ rất kém. Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả những sai lầm của cá nhân đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, trước tiên và không đâu xa chính là những người thân trong gia đình. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đừng ai suy nghĩ "chuyện thiên hạ mặc kệ thiên hạ lo", sự thờ ơ của bất cứ ai cũng có thể phải trả giá bằng sự ân hận suốt đời.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, giai đoạn dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, các địa phương thực hiện quy định cách ly rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, việc cách ly bắt đầu chủ quan thấy rõ. "Việc để trường hợp có nguy cơ tiếp xúc nhiều những người khác trong thời gian cách ly là sai quy định và vô trách nhiệm. Khi tạo ra chùm lây nhiễm trong khu cách ly và lây ra cộng đồng, cả ngành y tế và cộng đồng phải cùng vào cuộc, tốn nhiều công sức hơn"- bác sĩ Khanh nhấn mạnh. Theo đánh giá từ các cơ quan chuyên môn, cho đến nay các ca nhiễm Covid-19 chiếm đến 80% có nguồn lây từ những thành viên trong gia đình. Do đó, bất cứ ai bước ra giao lưu với cộng đồng (ra nước ngoài) trở về, mỗi người phải hình dung được người đầu tiên có thể bị ảnh hưởng chính là những người rất gần gũi trong gia đình, sau đó mới tới bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng. Với việc khai báo chưa trung thực hay không thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà của một số người trong thời gian qua thật đáng trách. ‘Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng, mỗi cá nhân hành xử đúng thì sẽ tạo ra sức mạnh phòng bệnh hiệu quả chung cho cộng đồng. Mỗi người hãy tự ý thức bảo vệ bản thân mình, tức là đang góp phần bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh’-bác sĩ Khanh nói. Trong khi đó, theo một số chuyên gia, để cùng chung sức phòng tránh Covid-19, vai trò giám sát của cộng đồng cũng quan trọng, trong đó có vai trò kịp thời phát hiện những người không tuân thủ quy định cách ly.

Thực hiện cách ly triệt để

Theo PGS.TS Trần Như Dương-Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay, một trong những biện pháp giúp Việt Nam chống dịch nhanh chóng, đó là thực hiện cách ly triệt để, bài bản, cô lập nguồn lây và không cho có cơ hội lây lan ra cộng đồng. Đối với bệnh nhân, ngành y tế đã tổ chức cách ly nghiêm ngặt tại bệnh viện. Riêng đối với các trường hợp F1, khi truy vết đều được nhanh chóng đưa ngay ra khỏi cộng đồng, kiên quyết không được cho tự cách ly tại nhà.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, chưa nước nào tự tin có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất. Dự báo, mùa đông năm nay sẽ khốc liệt đối với các nước trong phòng, chống Covid-19. Đối với các địa phương, nguy cơ lây nhiễm luôn luôn thường trực, trong đó hai nguy cơ lớn nhất là từ người nhập cảnh (cả trái phép, hợp pháp), người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng.

Đến nay, nước ta vẫn kiên định các giải pháp phòng, chống dịch từ trước đến nay theo đúng 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hai trọng tâm cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh, và phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Với tinh thần quyết tâm khống chế hiệu quả dịch Covid-19, không để dịch bùng phát và lây lan rộng trong thời gian tới góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Bộ Y tế khuyến cáo người dân phải tiếp tục thực hiện tốt “5K”. Trong đó vấn đề đeo khẩu trang hết sức quan trọng, tuyên truyền, vận động để người dân không được chủ quan, lơ là và dứt khoát là phải đeo khẩu trang khi ra đường, khi ra nơi công cộng, khi tham gia giao thông và những nơi đông người.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cach-ly-long-leo-nguy-co-dich-covid-19-bung-phat-403143.html