Cách ly tập trung hay tại nhà nên để người dân lựa chọn

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhận định nguy cơ lây nhiễm chéo tại khu cách ly tập trung là rất rõ ràng và các địa phương nên nhanh chóng thay đổi khi tình trạng quá tải chưa xảy ra.

Theo thống kê hàng ngày của các sở y tế trên nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua, tình trạng số người nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện trong khu cách ly tập trung khá lớn.

Trong ngày 4/11, Hà Nội ghi nhận tới 31 ca nhiễm trong khu cách ly trên tổng số 104 trường hợp dương tính với nCoV. Tương tự tại một số “điểm nóng” Covid-19 khác như An Giang (144 ca trong khu cách ly tập trung trên 413 người nhiễm mới), Cần Thơ (106 trên 314), Bạc Liêu (84 trên 218),...

Xét trên thực tế đó, trong cuộc trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, khẳng định nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung là rất lớn và rõ ràng.

Không đủ điều kiện đảm bảo an toàn trong khu cách ly

Theo PGS Hùng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong khu cách ly là họ đã nhiễm virus từ trước nhưng chưa được phát hiện thông qua xét nghiệm lần đầu tiên. Chỉ tới khi được lấy mẫu các lần sau đó tại khu cách ly, những người này mới cho kết quả dương tính.

“Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly là rất rõ ràng và đã xảy ra. Nguyên nhân dễ thấy nhất là chúng ta không đủ điều kiện để đảm bảo an toàn trong khu cách ly tập trung. Tình trạng 4-5 người cách ly trong cùng một phòng vẫn rất phổ biến. Khi đó, một người nhiễm nCoV có thể nhanh chóng lây cho những thành viên còn lại trong phòng”, vị chuyên gia này giải thích.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng mang đến nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly tập trung là khu vực tắm rửa, vệ sinh được các phòng sử dụng chung tại nhiều nơi.

 Người dân tại một ổ dịch trên địa bàn Hà Nội chuẩn bị đồ trước khi đi cách ly tập trung. Ảnh: Nhật Sinh.

Người dân tại một ổ dịch trên địa bàn Hà Nội chuẩn bị đồ trước khi đi cách ly tập trung. Ảnh: Nhật Sinh.

Theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo cũng là một trong những lý do khiến nhiều người dân ngại đi cách ly tập trung, thậm chí có hành vi chống đối, không khai báo y tế.

“Ví dụ trường hợp nhiễm nCoV và từng qua nhà một người bạn chơi. F0 này sẽ có suy nghĩ nếu khai báo y tế, cả gia đình của người bạn kia sẽ phải đi cách ly tập trung. Phía gia đình đó cũng có thể gây áp lực lên F0 để người này không khai báo. Điều này mang đến mối nguy lớn cho cộng đồng”, PGS Hùng đưa ra giả thiết.

Ông đánh giá giải pháp cách ly tập trung chưa thực sự tối ưu, nhất là trong bối cảnh chúng ta cần phát huy tối đa vai trò của người dân trong phòng, chống dịch.

Để người dân lựa chọn

PGS Nguyễn Việt Hùng cho biết Chính phủ và Bộ Y tế thời gian qua đều đã khuyến khích các địa phương cho phép người dân cách ly tại nhà. Thậm chí những trường hợp đã nhiễm nCoV nhưng không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ cũng có thể tự theo dõi và cách ly tại nhà.

“Đây là một trong những giải pháp phù hợp khi chúng ta đã quyết định sống chung an toàn với SARS-CoV-2”, ông khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng hiện nay, trừ một số trường hợp công nhân, người lao động quá khó khăn, đa số gia đình tại Việt Nam đủ điều kiện để tự cách ly như phòng riêng, có người chăm sóc. Do đó, chúng ta nên tạo điều kiện để người dân tự lựa chọn hình thức cách ly phù hợp.

 Nhân viên y tế tới hướng dẫn người dân test nhanh tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Nhân viên y tế tới hướng dẫn người dân test nhanh tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Thực tế, nhiều tỉnh, thành phố vẫn tiếp tục triển khai cách ly tập trung bắt buộc với các trường hợp liên quan ca nhiễm nCoV. Ông Hùng cho rằng nguyên nhân đến từ việc các địa phương vẫn giữ suy nghĩ cũ về dịch, còn lo ngại và chưa thực sự tin tưởng người dân.

“Nếu không tin tưởng người dân, chúng ta vẫn còn tổ dân phố, hàng xóm, thậm chí pháp luật để quản lý. Mọi người đều phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Với trường hợp không tuân thủ, chúng ta vẫn có các quy định của pháp luật để xử lý”, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nói.

Theo ông, chính việc cách ly tập trung cũng mang đến cho người dân tâm lý chủ quan khi cho rằng những trường hợp nguy cơ không còn trong cộng đồng. Ngược lại, nếu thực hiện cách ly tại nhà, nhiều người sẽ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm mỗi khi tới một khu vực nào đó và nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tuân thủ khuyến cáo về phòng dịch.

PGS Hùng chia sẻ: “Vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhắc nhở Hà Nội về vấn đề triển khai cho người dân cách ly tại nhà trong bối cảnh dịch vẫn chưa quá tầm kiểm soát. Đây cũng là lúc chúng ta cần phát huy vai trò của cả hệ thống y tế, thực hiện tập duyệt, tránh để xảy ra quá tải như TP.HCM thời gian qua. Việc để quá tải rồi mới triển khai cách ly tại nhà là quá muộn”.

Ông kết luận việc cách ly tập trung trong thời điểm hiện tại mang đến những nguy cơ rất lớn. Ngược lại, ý nghĩa quan trọng nhất của việc tổ chức cách ly tại nhà là nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức từ người dân trong tham gia phòng, chống dịch.

Trên cơ sở đó, vai trò của các tổ chức, cơ quan chính quyền hay y tế cơ sở trong việc giám sát, hướng dẫn người dân cũng phải được nâng cao.

“Chúng ta luôn nói rằng thời gian tới phải cải thiện, nâng cao vai trò của y tế cơ sở. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương đó, chúng ta cũng cần tạo điều kiện để các đơn vị này làm việc, trau dồi kỹ năng thông qua việc tổ chức cách ly tại nhà ở địa phương”, PGS Hùng bổ sung.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-ly-tap-trung-hay-tai-nha-nen-de-nguoi-dan-lua-chon-post1275120.html