Cách ly tập trung người từ TP.HCM về Hà Nội 7 ngày có hợp lý?

Không ít chuyên gia đã lên tiếng sau khi UBND Hà Nội có chủ trương yêu cầu người từ TP.HCM về phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19 và phải cách ly tập trung 7 ngày, phải tự trả chi phí cách ly cũng như chi phí xét nghiệm.

UBND TP. Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải tham gia ý kiến đối với việc mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến thủ đô. Trong đó, Hà Nội yêu cầu người từ TP.HCM về phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19, phải cách ly tập trung 7 ngày và phải tự trả chi phí cách ly cũng như chi phí xét nghiệm.

Liệu yêu cầu này của Hà Nội có đang làm khó người dân? Nhiều chuyên gia đã lên tiếng trả lời câu hỏi này. Có câu trả lời đồng tình, vì cho rằng người tiêm đủ liều vaccine và có xét nghiệm âm tính trước khi bay ra Hà Nội thì chỉ cần theo dõi y tế tại nhà. Nhiều trường hợp phải giải quyết công việc trực tiếp cần ra Hà Nội vài ngày, nhưng cách ly quá lâu như vậy sẽ gây khó khăn.

Với những ý kiến khác, các chuyên gia không khỏi quan ngại trước nguy cơ lây nhiễm dịch vì thực tế, các địa phương đón người từ vùng dịch về đã ghi nhận rất nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cảnh giác với nguy cơ lây lan dịch

Trao đổi với PV VOV.VN, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, TP.HCM cũng giống như một vùng có dịch. Nếu một người từ nước ngoài về Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế cũng phải cách ly tập trung 7 ngày trong trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và cách ly 14 ngày nếu chưa tiêm đủ 2 mũi, thì người về từ TP.HCM cũng như vậy.

Theo chuyên gia này, hiện nay, tại TP.HCM vẫn ghi nhận ở con số hàng nghìn ca mỗi ngày, vì vậy, việc di chuyển ra khỏi thành phố cũng như bay ra Hà Nội đều có nguy cơ lây nhiễm.

TS. Thái nêu rõ, chỉ khi TP.HCM kiểm soát được dịch và số ca mắc ở mức rất thấp (dưới 50 ca/ngày) thì khi đó mới có thể dần dỡ bỏ các giới hạn cho người trở về từ TP.HCM và vẫn phải chấp nhận việc cách ly tập trung.

“Hiện TP.HCM đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa dần. Mặc dù thành phố đã có cố gắng nhưng mỗi ngày số ca mắc vẫn cao nên nguy cơ lây nhiễm là như nhau và chưa thể dỡ bỏ các giới hạn”- TS Thái cho biết.

Hỗ trợ chi phí cách ly người gặp khó khăn

Còn theo BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, việc Hà Nội yêu cầu người về từ TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 đi cách ly tập trung là hợp lý. Bởi vì, những người về từ vùng dịch lưu hành nặng, mặc dù đã tiêm chủng 1 đến 2 mũi thì vaccine chỉ đảm bảo bảo vệ cho người đó trước nguy cơ mắc, giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng và nguy cơ tử vong. Đây là ý nghĩa của việc tiêm chủng, nhưng vaccine không hoàn toàn ngăn nguy cơ người đã tiêm chủng bị mắc bệnh.

BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội yêu cầu người về từ TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 đi cách ly tập trung là hợp lý.

BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội yêu cầu người về từ TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 đi cách ly tập trung là hợp lý.

Điều này đã được chứng minh tại nhiều nước trên thế giới khi tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng số ca mắc mới vẫn tăng, song số ca nhập viện và tử vong giảm. Do vậy những người đã tiêm vaccine vẫn có thể là nguồn lây bệnh.

Ông Hà cũng nêu rõ, TP. Hà Nội, đến nay đã kiểm soát tình hình dịch tốt. Hà Nội là một đô thị lớn tập trung đông dân, với cái đặc trưng sinh sống của người dân ở trong các phố, ngõ đông người. “Là trung tâm đầu não của cả nước, việc dịch mất kiểm soát ở Hà Nội là rất nguy hiểm. Do vậy, chủ trương của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Hà Nội đã được nâng lên một mức quan trọng”, ông Hà nói.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Hà, việc TP. Hà Nội yêu cầu cách ly người về từ TP.HCM 7 ngày đã giảm so với trước đây là 21 ngày và 14 ngày và đúng với quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, vẫn phải xét nghiệm trong ngày đầu tiên khi về Hà Nội và ngày cuối cùng cách ly. Ngoài ra, sau khi kết thúc cách ly tập trung trở về, họ sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày tiếp theo. Đây là điều cần thiết về chống dịch.

Ông Hà cho biết, vấn đề băn khoăn hiện nay là những người đi về từ vùng dịch lưu hành nặng như TP.HCM thì có nhiều đối tượng khác nhau trong đó nhiều người trở về Hà Nội vì mục đích công việc hay có điều kiện kinh tế thì việc chi trả chi phí cách ly có thể không ảnh hưởng với họ. Còn với những người lao động khó khăn, họ vẫn phải cách ly thì cần có chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ những đối tượng này.

“Về chủ trương mở cửa giao thương, mở đường bay vẫn phải thực hiện. Với Hà Nội vẫn phải kiểm soát dịch vì chúng ta đã có bài học từ TP.HCM và không thể để dịch bùng phát lại. Không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác vẫn có những biện pháp chống dịch theo quy định của Bộ Y tế”, ông Hà cho biết./.

Lê Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cach-ly-tap-trung-nguoi-tu-tphcm-ve-ha-noi-7-ngay-co-hop-ly-896981.vov