Cách ly xã hội: Giải pháp kịp thời ngăn chặn dịch Covid-19
Sau 22 ngày thực hiện cách ly xã hội đã góp phần giảm số ca mắc mới, mang lại những hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trên cả nước, đặc biệt tại các điểm nóng như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy, việc triển khai quyết liệt cách ly xã hội là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn được nguồn lây lan dịch bệnh.
Quyết liệt cách ly xã hội, ngăn chặn lây lan dịch bệnh
Là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất cả nước, ngay khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách PCD Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND thành phố. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn thành phố. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa... Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, qua thăm dò dư luận xã hội, những ngày qua, đa phần cán bộ, đảng viên, nhân dân đều đồng thuận, ủng hộ việc thực hiện cách ly xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng thuận của đa số người dân trong những ngày cách ly toàn xã hội, vẫn có có hiện tượng một số người dân ý thức chưa cao; một số cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm quy định của UBND thành phố. Tại các công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng, tình trạng người dân đến tập thể dục, không tuân thủ khoảng cách an toàn vẫn xuất hiện. Trong khi đó, theo ghi nhận, nhiều cửa hàng kinh doanh vẫn mở cửa hờ và bố trí người đón khách. Đặc biệt, khi lực lượng công an phường đến kiểm tra, nhắc nhở thì chủ cửa hàng đóng cửa và tiếp tục mở khi đoàn kiểm tra đi qua. Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nhưng do chưa được duy trì thường xuyên nên một số người dân thiếu ý thức đã lợi dụng để cố tình vi phạm.
Trước hiện tượng lơi lỏng trong thực hiện cách ly toàn xã hội, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, UBND các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến PCD Covid-19. Tại nhiều địa điểm công cộng, lực lượng công an, tổ dân phố đã lập chốt, tuần tra liên tục, cử cán bộ nhắc nhở người dân trở về nhà và nghiêm cấm tái phạm. Thực tế được ghi nhận cho thấy, khi chính quyền cơ sở vào cuộc mạnh mẽ thì tình trạng vi phạm các quy định về cách ly xã hội trên địa bàn giảm hoặc chấm dứt. Theo thống kê từ ngày 1-4 đến nay, các địa phương đã xử phạt hàng nghìn trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra đường không vì lý do cấp thiết. Theo báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội, từ ngày 1-4 đến nay, các địa phương đã xử phạt gần 11.000 trường hợp vi phạm các quy định về cách ly xã hội trong PCD Covid-19. Các địa phương có số trường hợp xử phạt cao thời gian qua là: Đống Đa (2.069 trường hợp), Nam Từ Liêm (790 trường hợp), Hoàng Mai (655 trường hợp), Đan Phượng (525 trường hợp)... Các lỗi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là do mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra đường không có lý do cấp thiết...
Không được chủ quan dù nới lỏng việc thực hiện cách ly xã hội
Đến thời điểm hiện tại, sau 6 ngày, Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm mới, nhưng quan điểm của các chuyên gia dịch tễ vẫn khẳng định, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn hiện hữu nếu chúng ta chủ quan khi thời gian giãn cách xã hội được nới lỏng. PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều trường hợp bệnh không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, không vào bệnh viện. Như vậy, vẫn có thể tồn tại ca bệnh ở cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ. Chưa hết thời gian giãn cách xã hội, nhiều người dân đã chủ quan, vội vàng từ bỏ nỗ lực “ở yên trong nhà” để trở lại cuộc sống đời thường, bất chấp dịch bệnh vẫn rất phức tạp, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Bài học của các nước trên thế giới và diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam cho thấy, nguy cơ dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại, có những ca bệnh tái nhiễm hay tình trạng phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng trước khi được phát hiện. Ví dụ điển hình là Singapore, cuối tháng 3 còn là mẫu hình về chống dịch Covid-19, song bước sang đầu tháng 4, do để “lọt” các F0 ngoài cộng đồng, mà giờ đây, cùng với Indonesia là hai “tâm” dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo nhận định của PGS, TS Trần Đắc Phu, chúng ta khống chế được các “ổ dịch” lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán Bar Buddha (TP Hồ Chí Minh), mới đây là thôn Hạ Lôi và huyện Thường Tín (Hà Nội). Các ổ dịch này, đến nay đều được khống chế, không phát hiện ca nhiễm mới. Khi tiến hành phong tỏa, thực hiện mọi biện pháp chống dịch sẽ cách ly được người mang mầm bệnh với người khỏe mạnh, quản lý được người dương tính. “Về cơ bản, phong tỏa các ổ dịch 28 ngày sẽ kiểm soát được tình hình. Nhưng với quy mô lớn như một tỉnh, thành phố, hay một quốc gia, để cắt đứt 100% sự lây lan là bất khả thi. Vì thế, việc quan trọng nhất hiện nay là làm sao hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng”, PGS, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ca bệnh, ổ dịch mới nên rất cần mỗi người dân không được phép lơ là, chủ quan mất cảnh giác. Bởi chính tâm lý chủ quan sẽ dẫn đến những hành vi thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội.
Dịch bệnh sẽ chấm dứt khi có vắc-xin, nhưng đến thời điểm này trên thế giới vẫn chưa biết khi nào sẽ có. Vì chưa có vắc-xin, nên chúng ta phải “chấp nhận sống chung”, song để sống chung một cách an toàn, đòi hỏi mỗi người dân cần nâng cao ý thức về giãn cách xã hội, không tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi đi ra đường và tại nơi làm việc…