Cách mạng Tháng Tám 1945: Cuộc cách mạng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Trong chiều sâu thẳm nhất - chiều sâu văn hóa - Cách mạng Tháng Tám vĩ đại năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng vì các giá trị làm người chân chính, tạo ra xung lực diệu kì giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người theo hướng tiến bộ và văn minh.
Cách đây tròn 74 năm, chỉ trong khoảng hai tuần cuối tháng Tám năm 1945, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã nhất tề vùng lên trong một cuộc Tổng khởi nghĩa có một không hai, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tất yếu của 15 năm chuẩn bị chu đáo của Đảng ta, là kết quả của cuộc đấu tranh yêu nước rộng lớn của dân tộc, sự hy sinh anh dũng của đồng bào, đồng chí cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với thắng lợi này, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của đế quốc, thực dân và lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, nước Việt Nam là của người Việt Nam, Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật, trở thành Đảng cầm quyền.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam không chỉ mở ra một kỉ nguyên mới cho Việt Nam, mà còn là thắng lợi của cách mạng giành chính quyền chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, nhưng mang lại thành công lớn nhất và triệt để nhất trong lịch sử nhân loại.
Có được thành quả to lớn ấy, công đầu thuộc về sự nghiệp cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam nhưng để có được thắng lợi vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải bôn ba năm châu bốn biển, đúc kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, lựa chọn con đường cách mạng vô sản duy nhất đúng cho dân tộc Việt Nam. Người đã nắm chắc thời cơ và khi thời cơ chín muồi, cũng chính Người đã “chớp lấy” kịp thời nhất cùng toàn thể dân tộc đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám 1945.
Cách mạng Tháng Tám 1945 đã tạo nên bài học cực kì quý báu về quy tụ nhân tâm, quy tụ lòng người; bài học về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân thành một như là quy luật lịch sử tất yếu khách quan. Tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu dân tâm là một truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, trở thành một giá trị tiêu biểu trong nền văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại.
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin; năm 1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quy tụ những thanh niên - trí thức yêu nước ưu tú, mở nhiều lớp huấn luyện để đào tạo họ thành một lớp cán bộ tài năng, chuẩn bị cho sự nghiệp dựng Đảng, cứu nước vĩ đại. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn vào năm 1930 là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo và cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng cũng như công cuộc phục sinh, chấn hưng, phát triển của dân tộc.
Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) của Đảng và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Kể từ đây, chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng “Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên một trình độ mới, một chất lượng mới - Đại đoàn kết quy tụ dân tâm có hệ tư tưởng, có tổ chức, có lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, tất cả những quyết định của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh đều đã được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân ủng hộ.
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 thắng lợi khẳng định ngọn cờ đoàn kết dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết và Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân đã không những được khôi phục, củng cố, mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra xung lực hồi sinh mạnh mẽ để bùng phát kịp thời, khi thời cơ đến. Và ở đó, dân tộcViệt Nam, nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình lại càng vô cùng yêu quý, khâm phục, tôn vinh thiên tài lãnh đạo và tổ chức thực hiện cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản mà giá trị số một là quyền được sống trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng cao đẹp, là kết quả của sự phát huy các nguồn lực con người, trí tuệ và cả của cải của nhân dân, nhằm giải phóng chính bản thân họ, để từ thân phận nô lệ, đói nghèo, trở thành người làm chủ; là hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc, trong thời khắc bước ngoặt lịch sử dưới ngọn cờ chói lọi tinh thần yêu nước của Mặt trận Việt Minh do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141602