CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - MỘT KỲ TÍCH LỊCH SỬ

GS.TS VŨ VĂN HIỀN - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Đoàn người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ Phủ (Hà Nội). Ảnh tư liệu.

Đoàn người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ Phủ (Hà Nội). Ảnh tư liệu.

Đối với lịch sử phát triển nhân loại, sau cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Cách mạng tháng Tám ghi đậm dấu ấn vào phong trào cách mạng chung trong thế kỷ XX, chặt đứt một mắt xích xung yếu nhất của chủ nghĩa thực dân cũ, là gương sáng và sự khích lệ mạnh mẽ cho hàng loạt các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh vùng dậy phá xiềng xích, giành độc lập dân tộc; vì vậy cách mạng tháng Tám là ngọn đèn tỏa sáng đối với phong trào giải phóng dân tộc thế giới.

Đối với nước ta, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong suốt 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cuộc vận động dân chủ những năm 1936 - 1939, đến Phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945, mặc dù có lúc cách mạng bị chìm trong biển máu.

Cuộc Cách mạng tháng Tám là một trong những sự kiện trọng đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong một thời gian ngắn, với khí thế cách mạng sôi sục và trào dâng chưa từng có, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lập nên kỳ tích tháng Tám, thực hiện đồng thời trọn vẹn bốn mục tiêu: chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm; chấm dứt chế độ thuộc địa dưới sự đô hộ của thực dân Pháp suốt gần một trăm năm và gần 5 năm phát xít Nhật khống chế; thống nhất đất nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau; giành chính quyền về tay nhân dân, dựng nên Nhà nước Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Xô Viết Nghệ - Tĩnh, cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930 - 1931. Ảnh tư liệu

Xô Viết Nghệ - Tĩnh, cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930 - 1931. Ảnh tư liệu

Ôn lại những sự kiện lịch sử của những năm tháng hào hùng đó, chúng ta sẽ càng thêm tự hào về Đảng ta, về nhân dân ta.

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc. Phát xít Đức sắp sửa bị tiêu diệt ở châu Âu. Phát xít Nhật cũng bị nguy khốn ở mặt trận Thái Bình Dương. Để loại trừ nguy cơ bị Pháp đánh sau lưng, Nhật làm đảo chính lật đổ Pháp ngày 9.3.1945. Ngay trong đêm đó, ban Thường vụ Trung ương Đảng ta đã họp, thống nhất nhận định và ra Chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Một trong những nhận định và quyết định quan trọng nhất của Đảng ta trong Hội nghị này là: Nhật nhất định sẽ hất được cẳng Pháp và ta sẽ phát động cao trào kháng Nhật thật mạnh mẽ, tiến tới tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền từ tay Nhật.

Đó là một quyết định vô cùng chính xác và sáng suốt; khi ấy, phát xít Đức - Ý - Nhật từng làm mưa gió trên thế giới đã đến giờ cáo chung, châu Âu đã được Liên Xô giải phóng, phát xít Đức đã đầu hàng vô điều kiện. Tiếp đó Liên Xô tuyên chiến với Nhật và quân đội Xô viết đang giáng cho đội quân phát xít Nhật một đòn chí mạng tại mặt trận Đông Bắc Trung Quốc, kéo theo sự tan rã và đầu hàng. Như vậy, trong cục diện chung, phát xít Nhật lúc đó là con rắn độc đã bị đập nát đầu, ở Việt Nam quân Nhật chỉ là khúc đuôi ngoe nguẩy. Đây là thời điểm thuận lợi nhất mà ta có thể vùng lên cướp chính quyền.

Nhận định đúng tình hình, xác nhận đúng kẻ thù trực tiếp, Đảng và Bác Hồ của chúng ta lại khẩn trương chuẩn bị lực lượng và chuẩn bị tốt các điều kiện bên trong. Khi ấy chúng ta đã có mặt trận Việt minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân được nhân dân hết lòng ủng hộ. Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã cùng Cứu quốc quân đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Việt Bắc, khởi nghĩa Ba Tơ ở Quảng Ngãi thắng lợi, nhiều cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra liên tiếp ở khắp Bắc - Trung - Nam.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22.12.1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng)

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22.12.1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng)

Tình hình càng khẩn trương thì việc chỉ đạo của Đảng ta càng sâu sát, cụ thể và khoa học. Đảng họp Hội nghị toàn quốc ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15.8.1945, ra Nghị quyết lãnh đạo toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đề ra đường lối đối nội, đối ngoại trong tình hình mới. Sau Hội nghị của Đảng, Đại hội quốc dân họp vào ngày 16.8.1945. Đây là Hội nghị lịch sử quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, quy định Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi thư đến toàn thể đồng bào kêu gọi quốc dân đoàn kết xung quanh Ủy ban khởi nghĩa để nổi dậy.

Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, của Mặt trận Việt minh và Ủy ban khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề nổi dậy tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngày 19.8, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23.8, thắng lợi ở Thừa Thiên Huế, lật đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, buộc vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 25.8, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn. Như vậy Cách mạng tháng Tám đã giành thắng lợi trên cả nước trong vòng nửa tháng.

Ngày 2.9.1945, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn nhân dân ở vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

Để có một nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân, ngay trong phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời, ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi sớm tổ chức một cuộc tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu để nhân dân ta bầu chọn những người có đức, có tài ra gánh vác công việc của nước nhà. Thực hiện chủ trương vô cùng sáng suốt ấy, ngày 6.1.1946, nhân dân ta ra sức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Khóa I - cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta, gồm 333 đại biểu. Ngày tổng tuyển cử đó đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một trang sử vàng chói lọi ghi dấu sự khởi đầu sáng ngời khí phách của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Đây cũng là dấu ấn mang tầm thời đại của những nền dân chủ mới được xác lập tại các nước giành độc lập từ tay chủ nghĩa thực dân để làm chủ vận mệnh của mình.

Những trang vàng truyền thống đó của lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi in sâu vào ký ức của các thế hệ hôm nay và mai sau. Từ thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám và lập ra nước Việt Nam mới, chúng ta đã bước tiếp những chặng đường cách mạng dù vô cùng gian khổ, nhưng đã làm nên những chiến thắng vẻ vang, oanh liệt, đánh thắng cả chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới để có một Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, một Việt Nam đổi mới sáng tạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với tiềm lực và khả năng ngày càng to lớn hôm nay, chúng ta càng thấy ý nghĩa trọng đại và tầm vóc lớn lao của Cách mạng tháng Tám.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88652