Cách mạng Tháng Tám ở vùng ven đô thị Gia Lai
Trong tác phẩm 'Pơtao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jrai Đông Dương', Jacques Dournes-nhà nhân học người Pháp sống ở Tây Nguyên 25 năm (từ sau 1945) đã đề cập đến sự xung khắc, mâu thuẫn đối kháng giữa đám thực dân da trắng với cư dân bản địa vùng Tây Nguyên qua lời nhân vật bà Bơjau nói ra trong căm hờn: 'Các ngươi hãy nhớ lại cuộc nổi loạn ở Boloven… Hãy nhớ lại cái chết của Odendhal, kẻ đã muốn biết quá nhiều. Tất cả những cái đó đều do tay ta… Lấy quyền gì mà các ngươi được tự xưng là chủ? Đất đai này là của chúng ta… Ta căm ghét các ngươi vì nền đô hộ của các ngươi sẽ kéo theo sự sụp đổ tất cả những gì là sự nghiệp của chủng tộc chúng ta…'. Thực dân Pháp coi thời kỳ này là 'một biến cố đánh dấu sự mở đầu một kỷ nguyên rối loạn'.
Từ đầu năm 1929, sau sự kiện ở đồn điền Chầu Bầu với sự nổi dậy của dân làng Kon Bar cho đến năm 1936, khi 2 nhân vật Keh và Lui ở Bắc An Khê (vùng Kbang bây giờ) tiếp tục đứng lên chỉ huy đồng bào Bahnar bao vây tiến công đồn binh Pháp khiến chúng không dám bắt phu, thu thuế vùng này, phong trào đấu tranh của đồng bào ở khắp các buôn làng Gia Lai mỗi lúc một lan rộng khiến thực dân Pháp lo sợ. Chúng thừa nhận: “Đối phương là những người quả cảm, ngoan cường, có thực tiễn hoạt động núi rừng, có sức bền bỉ hiếm có, có tài năng khéo léo trong việc sử dụng vũ khí của mình nên khi lâm trận, họ là những người địch thủ đáng sợ” (theo La garde indigène de LIndochine). Đồng bào các buôn làng đã nhận thấy dã tâm của kẻ thù và nung nấu ý chí chống giặc ngoại xâm, cùng “đất nước đứng lên” đánh đuổi kẻ thù chung.
Từ sau năm 1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp ở nước ta nói chung, cũng như bộ máy cai trị ở Tây Nguyên nói riêng càng ra sức bóc lột hơn nữa đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân, nông dân, tạo ra sự mâu thuẫn dân tộc, giai cấp ngày càng gay gắt. Ở Kon Tum, chúng lập ra các căng an trí-nhà tù như ở Đak Tô, Đak Glei để đày ải, giam cầm các chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước chống lại chế độ thực dân. Chúng bắt phu ở các buôn làng để đi mở đường 14, 19 khiến bao gia đình oán thán, nhiều người đói khát, đau yếu bỏ mạng trong chốn rừng xanh. Trong bài “Tiếng hát đi đày” của Tố Hữu có đoạn nhắc đến cảnh núi rừng ở Kon Tum: “Đường lên Đak Sút, Đak Pao/Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh/Đìu hiu mấy ải đồn canh/Lòng đau lại nhớ các anh những ngày”. Tình hình vùng dân tộc thiểu số ở địa phương ngày càng bị thực dân Pháp o ép nên bắt đầu có những cuộc phản kháng từ hình thức bỏ làng vào sâu trong núi rừng đến việc vận động dân làng bất hợp tác, không nộp thuế, không đi xâu…
Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, các đảng viên cộng sản trong đồn điền Bàu Cạn, Ia Pếch, Ia Châm tổ chức tuyên truyền trong công nhân, lập Hội Cứu tế Đỏ đã bị địch tìm cách đàn áp. Phong trào đấu tranh của công nhân mà hạt nhân là các đảng viên trung kiên từ đây lan rộng trong các đồn điền Đak Đoa, Biển Hồ. Ở đồn điền Đak Đoa, công nhân đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống đã khiến bọn chủ lo sợ và phải chấp nhận yêu sách. Phong trào yêu nước của công nhân, nông dân ở Gia Lai, Kon Tum trong giai đoạn này tuy chưa có tổ chức Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng các hình thức đấu tranh với bọn chủ và thực dân Pháp xâm lược đã có nhiều tiến bộ, liên kết được nhiều tầng lớp và các dân tộc ít người ở địa phương nhắm đến kẻ thù và cùng chung mục đích giải phóng dân tộc. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Đoàn Thanh niên ở các đồn điền trong tỉnh hoạt động mạnh mẽ và liên kết cùng Đoàn Thanh niên tỉnh. Phong trào thanh niên đã bừng lên khí thế mới có ảnh hưởng trong hầu hết lực lượng thanh niên các dân tộc, các tầng lớp nhân dân khiến bọn Nhật lo sợ.
Phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những chuyển biến mới. Cuối tháng 8-1945, cuộc khởi nghĩa của nhân dân cả nước giành chính quyền từ tay phát xít Nhật đã bùng phát mạnh mẽ. Ở thị xã Pleiku và vùng ven đô, nhân dân các dân tộc ủng hộ chủ trương hành động của Đoàn Thanh niên Gia Lai là tuyên truyền, vận động quần chúng vũ trang giành chính quyền. Cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Gia Lai thắng lợi góp phần đưa cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám-1945 trên cả nước thành công, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
“…Ngày 23-8-1945, ngày mà đúng như lũ làng nói “ngày đổi đời”. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hò reo vang dậy khắp núi rừng; voi, cọp thảy đều thất kinh. Dân làng kéo nhau về tổng, huyện đông như kiến để giành chính quyền. Bộ máy cai trị của Nhật và tay sai từ huyện đến buôn làng đều bị tê liệt, tan rã hoàn toàn…”-(Tác phẩm Bok Wừu của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Gia Lai-Kon Tum-1977).
BÙI QUANG VINH
----------------
Bài viết có tham khảo các tài liệu nghiên cứu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) và Lịch sử Đảng bộ huyện Đak Đoa (1945-2015).