Cách mạng tháng Tám và tự hào của những người sinh năm 1945

Cách đây 75 năm, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới cho độc lập dân tộc. Thành quả to lớn ấy thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhất tề đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến. Tự hào là những người sinh ra vào năm Cách mạng tháng Tám thành công và Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, từ vinh dự đó, tròn 75 năm sống, chiến đấu và xây dựng quê hương đất nước, những người sinh ra trong mùa thu tháng Tám luôn tự hào với chiến thắng long trời, lở đất mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã làm nên.

TỰ HÀO MÙA THU THÁNG TÁM

Là người con của quê hương Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), đang sinh sống tại xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, ông Phạm Hồng Sơn sinh ra đúng năm Cách mạng tháng Tám thành công. “Hồi nhỏ không biết gì về Cách mạng tháng Tám, đến lúc biết năm 1945 đã diễn ra cuộc cách mạng long trời lở đất, nhân dân ta giành thắng lợi vẻ vang, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tôi tự hào vì mình được sinh ra đúng thời khắc lịch sử đó” - ông Sơn cho biết. Tuy không được chứng kiến quá trình dẫn đến cuộc cách mạng làm nên lịch sử của dân tộc, song trong tiềm thức ông Sơn, khi nói về Cách mạng tháng Tám, ông như đang sống trong những giây phút ấy: Nhờ Bác Hồ và Đảng ta đã vận dụng các phong trào quần chúng nổi dậy, mọi lực lượng tham gia tạo thành sức mạnh như triều dâng, thác đổ, đưa cách mạng thành công. Kết quả của sự thành công này là ngày 2-9-1945, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ông Phạm Hồng Sơn

Đối với ông Võ Hồng Thái, trú phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Cách mạng tháng Tám được biết đến qua lời kể khi ngồi trên ghế nhà trường trong các lớp học của học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. “Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ, hơn 20 triệu đồng bào ta nhất tề đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa long trời, lở đất. Chỉ trong vài tuần khởi nghĩa, toàn bộ chính quyền đã về tay nhân dân. Khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh, thì tại Quảng trường Ba Ðình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập. Cách mạng tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có trên bản đồ thế giới. Tên tuổi của nước ta lừng lẫy năm châu, bốn biển” - ông Thái kể lại với sự tự hào khi sinh năm 1945. Vinh dự là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, với những kiến thức được đào tạo, ông đã đóng góp về khoa học - kỹ thuật cho tiền tuyến trong suốt thời gian kháng chiến.

Ông Võ Hồng Thái

“Tôi ấn tượng với hình ảnh đồng bào chết vì đói, vì quá khổ khi sống trong cảnh “một cổ hai tròng”, Cách mạng tháng Tám đã thay đổi vận mệnh người dân, như Bác Hồ đã nói trong bản Tuyên ngôn Độc lập, đó là ai cũng có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” - ông Đặng Thanh Hùng ở xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản nói. Ông Hùng sinh năm 1945, khi còn nhỏ chưa biết đến cuộc cách mạng thần thánh mùa thu tháng Tám, nhưng sau khi lớn nghe kể lại thì ông hiểu rõ ý nghĩa cuộc cách mạng và vì sao được gọi là “long trời, lở đất”.

TRỞ THÀNH NGƯỜI CÁCH MẠNG TRUNG KIÊN

“Tôi đi làm mướn, địch càn vô bắt, lôi tôi lên, hỏi bao nhiêu tuổi. Tôi nói 16 tuổi. Chúng nó không tin rồi báo cáo thằng đại úy ngụy. Thằng đại úy kêu tôi ngước mặt lên, tôi ngước lên. Thằng đại úy nói: Còn nhỏ, thôi thả nó đi. Tôi quay lên nói: nhất mày nhì tao, không bao giờ mày gặp lại tao lần thứ hai. Từ đó tôi quyết tâm đi bộ đội để “dứt” mấy thằng lính này” - đây là sự việc “giọt nước làm tràn ly” khi ông Đặng Thanh Hùng bắt đầu tham gia cách mạng. Trước đó, ông đã chứng kiến sự hống hách, bắt bớ, ức hiếp vô cớ của bọn quay lưng với đồng bào, với Tổ quốc nên ông xin gia đình cho đi bộ đội. Tuy nhiên, gia đình đã có 6 anh chị em tham gia cách mạng nên ông được khuyên ở nhà phụ canh gác cho các cuộc hội họp kín. Song niềm tự tôn dân tộc, với ý thức trách nhiệm của người trai trẻ, ông quyết tâm “các anh không cho tôi theo thì tôi theo người khác làm cách mạng”. Vậy là năm 1962 tham gia cách mạng, đến năm 1964 ông Hùng được kết nạp Đảng.

Ông Đặng Thanh Hùng

Cách mạng tháng Tám vẫn là kim chỉ nam cho hành động của ông, trước những khó khăn, thiếu thốn trong quá trình kháng chiến, ông Hùng luôn kể về cuộc sống của triệu triệu đồng bào đói khổ trước năm 1945 để đồng đội cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt. Sau chiến tranh trở về làm trợ lý động viên Huyện đội Bình Long đến năm 1978, sau đó tham gia phát triển kinh tế tại Nông trường cao su Đồng Nơ (Công ty TNHH MTV cao su Bình Long), người con của cái nôi cách mạng Củ Chi vẫn nêu cao tinh thần của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, trách nhiệm với quê hương. Từ năm 2003 đến nay, khi về nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, ông Hùng tiếp tục mỗi tháng dành ra một khoản lương hưu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã. “Tôi được như ngày hôm nay là nhờ Đảng, nhờ cách mạng. Tôi sẽ tiếp tục sống xứng đáng với niềm tự hào của đảng viên 55 năm tuổi Đảng” - ông Hùng khẳng định.

Từ khi là thiếu niên, ông Phạm Hồng Sơn đã có ý thức tham gia cách mạng. Đầu năm 1964, ông xung phong vào bộ đội ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325A. Qua 4 tháng huấn luyện, ông cùng đồng đội hành quân bộ vượt qua dãy Trường Sơn đi đánh giặc. Ông từng tham gia các trận đánh ở đèo An Khê, sau đó hoạt động trên địa bàn 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk. Năm 1968, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng với thành tích đánh càn ở Phú Yên, bắt tù binh và thu giữ súng đạn của địch. Sau khi tham gia 26 trận đánh lớn nhỏ, năm 1990 ông về hưu với thương tật 56%. Giờ đây tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi khi nói về cách mạng Việt Nam thì ông lại như người thanh niên thuở nào mới tham gia cách mạng. Dù những vết đạn còn mang trên người, ông Sơn vẫn hằng ngày đóng góp xây dựng xã Minh Lập bằng việc làm gương mẫu của đảng viên 52 năm tuổi Đảng.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng: “Mười chín tháng Tám/ Ánh sao tự do đưa tới/ Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng/ Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn/ Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề/ Mười chín tháng Tám/ Chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam/ Toàn dân Việt Nam”. Khí thế của ngày 19-8 đã truyền vào nhạc sĩ Xuân Oanh để ông sáng tác bài hát sống mãi với thời gian “Mười chín tháng Tám”. Giờ đây cứ mỗi độ thu về, người dân Việt Nam lại xốn xang cảm xúc yêu thương và rất đỗi tự hào khi nhớ về ngày tháng lịch sử này!

Hồng Cúc

Xem thêm: Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2020)

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/cach-mang-thang-tam-va-tu-hao-cua-nhung-nguoi-sinh-nam-1945-462217