Cách mạng tinh giản bộ máy - bài 2: 'Siêu bộ' nhập thêm bộ

Hơn 20 năm sau đổi mới kinh tế, cải cách nền hành chính nhà nước theo các chủ trương của Đảng bước đầu phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập. Tuy vậy, đến năm 2007, nhìn lại, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá tổ chức bộ máy vẫn còn khá cồng kềnh, trùng lắp cần giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian và tiếp tục hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Bộ đa ngành, đa lĩnh vực

Sáng 19/7/2007, Quốc hội khóa XII bước vào kỳ họp thứ nhất với nhiều niềm vui sự phấn khởi, khi kinh tế, xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, cuối năm 2006, sau hơn 11 năm kiên trì và nỗ lực đàm phán, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở “cánh cửa” lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập.

Tuy nhiên, so với sự đổi mới về kinh tế và hội nhập thì cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách tổ chức bộ máy vẫn còn chậm. Quốc hội khóa X (từ 1997-2002), dù đã có nhiều cải cách, thu gọn đầu mối nhưng cơ cấu tổ chức của Chính phủ vẫn còn tới 48 đầu mối. Sang khóa XI, nhiệm kỳ Chính phủ 2002-2007 còn 38 đầu mối, gồm: 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ.

Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 cơ bản vẫn giữ nguyên số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ như nhiệm kỳ 2007- 2011.

Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 cơ bản vẫn giữ nguyên số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ như nhiệm kỳ 2007- 2011.

Ông Vũ Trọng Kim - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - nhớ lại, sau Đại hội X của Đảng, vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy là nội dung được Đảng quan tâm. Tháng 7/2007, Ban Chấp hành T.Ư đã họp Hội nghị lần thứ 5 với nhiệm vụ quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Cải cách hành chính đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, nền hành chính nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chưa đủ rõ, còn trùng lặp và chưa bao quát hết các lĩnh vực quản lý nhà nước. Cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chưa phù hợp. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng kịp yêu cầu; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Trên tinh thần đó, Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

“Đây là chủ trương đúng đắn, nhận được sự đồng thuận rất cao”, ông Kim nhớ lại. Theo ông, sau quá trình sáp nhập các bộ, ngành lại với nhau cho thấy tính hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, qua việc sáp nhập Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng thành Bộ Công nghiệp, hay sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì thấy, không chỉ giúp bộ máy được tinh gọn mà tính hiệu lực, hiệu quả cũng cao hơn.

“Nếu cứ chia khúc giữa các bộ, ngành có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau thì chỉ riêng việc hỏi qua, hỏi lại để thống nhất với nhau thôi, có khi cũng mất cả tháng”, ông Kim nói.

Tinh gọn và liên thông

Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành T.Ư, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII, Chính phủ trình Quốc hội cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới, trong đó có việc thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ. Cụ thể, Chính phủ đề nghị: hợp nhất Bộ Thủy sản với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công thương; hợp nhất Ủy ban Thể dục thể thao với Bộ Văn hóa - Thông tin, đồng thời giao Bộ này quản lý Tổng cục Du lịch và đổi tên thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chính phủ đồng thời cũng đề nghị giải thể Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, chuyển các chức năng quản lý nhà nước của ủy ban này sang các bộ khác có liên quan. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chức năng nhiệm vụ và đổi tên Bộ Bưu chính - Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy, so với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007, Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011, dự kiến giảm 4 bộ, ngành.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XII.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XII.

Nhớ lại thời điểm trên, ông Lê Như Tiến khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XII, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) kể, khi thảo luận tại Quốc hội, ông và các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ rất cao đối với phương án cơ cấu tổ chức bộ máy mà Chính phủ trình. Bởi những bộ, ngành được đề xuất hợp nhất, xóa bỏ có chức năng nhiệm vụ khá tương đồng với nhau, sáp nhập lại sẽ giúp giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Tiến, sau một thời gian thực hiện sắp xếp các bộ, ngành lại với nhau theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi đại biểu đều nhìn thấy rõ tính hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị sau khi được hợp nhất. Ví dụ, lĩnh vực nông nghiệp, sau hơn 10 năm thực hiện sáp nhập các bộ lại thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì thấy, không chỉ giúp giảm được đầu mối mà quan trọng hơn còn tạo ra sự liên thông, giúp việc hoạch định chính sách, triển khai công việc nhanh hơn, thuận lợi hơn, lợi ích tạo ra lớn hơn so với thời kỳ còn là 3 bộ riêng biệt.

Tương tự, sau khi Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng sáp nhập thành Bộ Công nghiệp thì hoạt động cũng hiệu lực, hiệu quả hơn. “Việc thành lập bộ đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế tất yếu. Nếu mỗi bộ chỉ thực hiện một công việc chuyên ngành thì số lượng các bộ sẽ rất lớn, không thể tinh gọn được bộ máy”, ông Tiến nhớ lại.

“Nếu cứ chia khúc, cắt khúc giữa các bộ, ngành có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau thì chỉ riêng việc hỏi qua, hỏi lại để thống nhất với nhau thôi có khi cũng mất cả tháng”.

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng

Đặt lợi ích chung lên trên hết

Tuy vậy, cải cách bộ máy là lĩnh vực liên quan đến con người, đến từng tổ chức, có ý nghĩa cả về chức vụ, quyền lợi, công việc nên luôn có sự phức tạp. Ông Vũ Trọng Kim kể, khi thực hiện việc hợp nhất các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau cũng có những khó khăn, băn khoăn, tâm tư nhất định. Trong đó, khó khăn vướng mắc lớn nhất là vấn đề giải quyết con người, là sắp xếp công tác cán bộ như thế nào?

“Có nhiều người hỏi ý kiến tôi, bây giờ sáp nhập bộ, ngành lại với nhau như thế dẫn đến công việc bị ảnh hưởng, theo anh em nên như thế nào? Khi đó tôi cũng nói thẳng, nếu thấy phù hợp thì tiếp tục nỗ lực, cố gắng, còn nếu thấy không hợp nữa thì có thể xin điều chuyển công tác, thậm chí xin nghỉ ra ngoài để làm những việc mình thích”, ông Kim kể.

Với những lãnh đạo quản lý, ông Kim cho hay, khi tâm sự ông cũng nói với họ rằng: “Vì việc lớn, vì việc chung của xã hội, cá nhân mình chỉ là hạt cát thôi, vấn đề quan trọng là vì lợi ích chung của đất nước nên ủng hộ. Còn chức vụ thì cứ làm tốt công việc, làm xuất sắc nhiệm vụ đi rồi cái gì đến sẽ đến”, ông Kim cho hay.

Theo đánh giá của ông Vũ Trọng Kim, những bộ, ngành được đề xuất hợp nhất nhiệm kỳ 2007-2011 có quan hệ với nhau, “không cách biệt, đa ngành nhưng không tách rời”. “Việc hợp nhất các bộ, ngành có chức năng nhiệm vụ tương đồng giúp tăng hiệu lực, hiệu quả, để khỏi phải hỏi, xin ý kiến nhau, làm nảy sinh thủ tục và lãng phí thời gian”, ông Kim nói.

Nhiệm kỳ 2002-2007, Chính phủ có 38 đầu mối, gồm: 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nhiệm kỳ 2007-2011, bộ máy Chính phủ được sắp xếp còn 22 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ cấu Chính phủ về cơ bản giữ nguyên ổn định cho đến hiện nay.

Ông Lê Như Tiến kể, sau khi thảo luận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ với tỷ lệ ủng hộ cao. Theo Nghị quyết của Quốc hội, cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 gồm 18 bộ, gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường; 4 cơ quan ngang bộ gồm: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư cũng cho rằng, các quyết định được Quốc hội khóa XII thông qua cho thấy, việc hình thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực là quyết định đúng đắn, phù hợp cả về lí luận và thực tiễn. “Đây là những tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục nghiên cứu và có thêm các giải pháp trong cải cách tổ chức bộ máy ở các nhiệm kỳ tiếp theo”, ông Hà nói.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cach-mang-tinh-gian-bo-may-bai-2-sieu-bo-nhap-them-bo-post1697195.tpo