'Cách mạng' – 'Tôi muốn trao quyền tự chủ cho mọi người'
Mỗi ngày trôi qua, đất nước chúng ta lại dần yếu đi và không thích nghi được với nhịp sống của thế giới. Đất nước ta đang bị phân chia vì những bất công ngày càng rõ rệt và không thể khoan dung. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là xây dựng lại một nước Pháp hùng mạnh.
Từ nền kinh tế hồi phục sang nền kinh tế đổi mới
Trách nhiệm của chúng ta là khiến cho người dân Pháp biết rằng có một con đường chung, một con đường cho toàn bộ nhân dân Pháp. Làm thế nào có thể đạt được điều này? Giống như nước Pháp năm 1945 và thời kỳ kháng chiến, chúng ta phải thay đổi tư duy, thay đổi phương pháp suy nghĩ và hành động vì sự tiến bộ của chúng ta. Chúng ta phải chuyển đổi từ một nước Pháp đang gánh chịu khó khăn thành một nước Pháp nắm thế chủ động. Điều chúng ta mong muốn là làm chủ vận mệnh của mình, cả vận mệnh cá nhân và vận mệnh cộng đồng.

Emmanuel Macron tại Triển lãm Nông nghiệp quốc tế Paris
Sự bất công sâu sắc mà chúng ta lên án nằm ở chỗ một số người có quyền lựa chọn, còn những người khác thì không, một số người Pháp có quyền lựa chọn trường học, nơi sống, công việc, địa điểm đi nghỉ dưỡng, trong khi những người khác thì không thể. Điều giúp cho nước Pháp thống nhất là niềm đam mê thực sự và chân thành về sự bình đẳng. Đối với tôi, đó là giải pháp hiệu quả để chống lại những bê bối thường xuyên xảy ra, liên quan đến bất bình đẳng, sự thô tục và đồi bại gia phong. Đó là một giấc mơ về một quốc gia có các công dân đa dạng nhưng bình đẳng về pháp luật và cơ hội.
Ngày nay, hệ thống xã hội không còn đủ khả năng cho phép chúng ta phấn đấu vì sự công bằng nữa. Do chi tiêu nhiều hơn và tạo ra nhiều quy tắc hơn, chúng ta đã làm tê liệt và kéo toàn bộ xã hội đi xuống để rồi bất động.

Trong 30 năm vừa qua, cánh tả và cánh hữu luôn bảo vệ một hệ thống chính trị đề cao sự thống nhất, thay vì tạo ra sự khác biệt và các phong trào. Tôi không tin vào “chủ nghĩa bình quyền”, nó làm cho sự thành công của người khác trở thành một mối đe dọa không thể chấp nhận được. Đồng thời, cánh tả và cánh hữu cũng tạo ra những quyền lợi vô nghĩa, những quyền dựa trên niềm tin, bằng cách khiến mọi người tin rằng đó là sự tiến bộ.
Nhưng chúng ta phải nghĩ thế nào về quyền mua nhà ở giá rẻ khi mà hàng triệu người phải sống trong cảnh vô gia cư? Sự bình đẳng thực sự không nằm trong luật pháp. Nó phải là hành động thực tế cho phép mọi người có xuất phát điểm như nhau, cho phép mỗi cá nhân có điều kiện để thành công ở trường học, ở nơi làm việc, trong lĩnh vực y tế và về mặt an ninh. Đó là điều mà hệ thống chính trị “nợ” người dân.
Vấn đề không phải là tạo ra một mô hình xã hội đồng đều, mà là cho mỗi người những cơ hội và thời cơ như nhau trong mỗi giai đoạn của cuộc sống. Vì vậy, chúng ta phải chuyển từ một nền kinh tế hồi phục sang một nền kinh tế đổi mới. Hôm nay chúng ta không còn sống trong một nền kinh tế của các kế hoạch lớn, như thời kỳ Ba mươi năm vinh quang. Mục tiêu hướng đến không còn là bắt chước các sản phẩm được sáng chế ở nước ngoài mà cần phải đổi mới ngay trong nước chúng ta. Sức mạnh và tầm cỡ của mô hình phát triển nằm ở khả năng kết nối các doanh nghiệp với hàng triệu người tiêu dùng.
Một nước Pháp từ chối sự áp đặt của định mệnh
Hãy nhìn lại kinh nghiệm của các thành viên Hội đồng Kháng chiến Quốc gia, những người tạo ra sự đồng thuận năm 1945. Họ đã tính đến các vấn đề bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp và nghỉ hưu, từ đó xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc bảo vệ người lao động. Sự bảo hộ này thay đổi tùy theo chức vụ và ngành nghề. Tuy nhiên, họ đã không lường hết được sự phát triển nhanh chóng và tàn khốc của xã hội, hiện tượng phi công nghiệp hóa và hậu quả của nó là sự mất ổn định.
Những thế hệ cha anh chúng ta không nghĩ rằng có một ngày nạn thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến 10% số người trong độ tuổi lao động. Họ không hình dung được sự đứt gãy của thị trường lao động, sự phát triển của các công việc tạm thời, tóm lại là khủng hoảng việc làm. Kết quả là bảo hiểm xã hội của chúng ta không còn bảo vệ được số lao động ngày càng tăng nữa. Để giải quyết sự mất cân đối này và để bảo vệ người dân trong một thế giới nhiều rủi ro, các chế độ an sinh trong xã hội mới không nên phụ thuộc vào hoàn cảnh của người dân.
Chúng phải được tổ chức một cách minh bạch, tổng quát hơn, trong đó mỗi cá nhân đều có quyền, nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ. Cuối cùng chúng ta phải chuyển đổi từ mô hình tập trung sang mô hình cho phép tất cả mọi người cùng tham gia. Ai có thể tin chắc rằng để Paris kiểm soát mọi thứ là phương án tối ưu? Rằng cần giải quyết các vấn đề khác nhau bằng một biện pháp duy nhất? Rằng nên đối xử với công dân một cách quan liêu, mà không coi họ là một chủ thể thực sự? Xã hội Pháp ngập tràn sức sống, nhưng sức sống này không chỉ được thể hiện ở các kênh truyền thống như Paris, các cơ quan trung ương, các trường đại học và các công ty lớn.

Nó cũng tồn tại, thậm chí còn mạnh mẽ hơn ở các khu lao động nghèo, ở các vùng nông thôn, trong tầng lớp thanh niên, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhỏ. Nguồn năng lượng sống đó chính là cơ hội của chúng ta! Nhà nước sẽ không thể đẩy lùi những thách thức của thế kỷ bằng những quyết định đơn phương. Do đó, đối với các vấn đề quan trọng như biến đổi môi trường, chúng ta cần sự tham gia của mọi cá nhân trong xã hội. Không thể chần chừ nữa, chúng ta cần cho tất cả mọi người quyền được hành động và thành công, quyền được chịu trách nhiệm, quyền được dấn thân.
Chúng ta có hai sự lựa chọn. Một là, đề xuất một số giải pháp dưới dạng áp đặt, phương pháp này sẽ chỉ có thể trì hoãn cái chết lâm sàng, hoặc làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Hai là, chúng ta chọn lựa một vài vấn đề ưu tiên, để cải tổ sâu rộng, để khôi phục lại sự cân bằng cho đất nước.
Đã qua rồi thời kỳ của những thỏa hiệp nhỏ nhặt và dễ dãi về những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chúng ta phải thay đổi tư duy. Chúng ta cần liên kết mọi cộng đồng trong nước Pháp, để thực hiện mong mỏi của người dân về một nước Pháp thịnh vượng đúng nghĩa: tự do sáng tạo, tự do phát triển, tự do khởi nghiệp; một đất nước bình đẳng về cơ hội; một xã hội đoàn kết, đặc biệt là lòng nhân ái đối với những người gặp khó khăn. Một nước Pháp thống nhất phải biết chấp nhận và từ chối: chấp nhận sự đa dạng về nguồn gốc và số phận; từ chối sự áp đặt của định mệnh.
Do đó, tôi muốn trao quyền tự chủ cho tất cả mọi người, để mỗi người, dù nam hay nữ, đều có một vị trí nhất định. Đó là ước mơ về một quốc gia của những cá nhân khác biệt nhưng đều bình đẳng trước pháp luật. Công việc này sẽ mất mười năm. Chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ.
Theo “Cách mạng” (Révolution) của Emmanuel Macron.